Phải làm sản phẩm cho thật tốt, đem ra bán, rồi từ từ mới làm thương hiệu sau? Nhiều bạn bị “nhồi sọ” quan điểm này và cứ băn khoăn khi nghe tôi nói điều ngược lại.
Tôi bảo, khi không có thương hiệu được định vị rõ ràng, bạn không thể biết được sản phẩm của bạn nên tốt chỗ nào, tốt bao nhiêu là đủ, và chấp nhận không tốt chỗ nào để đáp ứng đúng nhu cầu, theo đúng tâm tư sâu xa của khách hàng (customer insight).
Bạn không thể, và không đủ sức, để sản xuất ra một sản phẩm tốt toàn diện, hoặc một sản phẩm tốt chung chung theo quan điểm của bạn (vì quan điểm của khách hàng có thể hoàn toàn khác bạn).
Ví dụ, khi bạn định vị thương hiệu quán cà phê của bạn là cà phê mang đi, phục vụ nhóm khách hàng có thu nhập trung bình, ít thời gian ngồi nhâm nhi cà phê trong quán, bạn không thể làm cho quán sá của bạn “tốt” theo hướng đẳng cấp, sang trọng, không gian rộng rãi, thiết kế và trang bị bàn ghế, vật dụng cao cấp…
Một thương hiệu cửa hàng được định vị là “tiện lợi”, nó phải hy sinh khía cạnh hoành tráng, có bãi đậu xe lớn, có nhiều quầy kệ, phong phú các mặt hàng, và có lối đi rộng lớn… như một đại siêu thị, và chỉ tập trung vào sự tiện lợi.
Một thương hiệu cơm “bao no” cho dân lao động, nó sẽ chỉ tập trung vào khía cạnh gạo nở, nhiều cơm, ăn no, và hy sinh phần nào khía cạnh lịch sự, vệ sinh như một nhà hàng máy lạnh cao cấp…
Chữ “tốt” của sản phẩm nếu không gắn liền với định vị thương hiệu, không PHÙ HỢP với nhu cầu và insight của khách hàng thì nó sẽ làm hỏng tất cả, và doanh nghiệp sẽ mất tiền chạy theo cái “tốt” chung chung đó trong vô vọng.
Điều cần nói, điều có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt, cho dù điều đó có thể trái ngược với quan điểm của nhiều chuyên gia khác hay điều các bạn thường nghe. Bạn cứ đọc, cứ suy nghĩ và cứ tham khảo. Quyền lựa chọn nghe ai, theo ai thuộc về bạn.
Chia sẻ của Long Nguyen Huu