Hôm nay đọc được một bài nói về “ nghệ thuật” cho nhân viên nghỉ việc. Tôi hiểu nôm na thế này, theo nội quy lao động thì doanh nghiệp chưa thể sa thải nhân viên đó được, tuy nhiên vì không ưa nhân viên quá ương bướng hoặc vì lý do nào đó nên CEO phải có “nghệ thuật” bật tín hiệu cho họ tự biết đường rút lui. Mặc dù biết đó là sự thật, là kinh nghiệm hữu ích cho các CEO nhưng tôi vẫn thấy chút băn khoăn nếu đứng về phương diện người lao động.
Doanh nghiệp tôi đang làm việc hiện có gần 600 lao động, đa phần là các anh chị ngoại tỉnh ở xa, phải thuê nhà, cuộc sống vô cùng vất vả thiếu thốn. Đối với những người công nhân lao động chân tay, kiếm được 1 công việc ổn định, có thu nhập vào loại kha khá đã là mơ ước của họ rồi.
Như 2 vợ chồng chị tổ trưởng công ty tôi, cũng như bao vợ chồng công nhân khác, đi làm thuê xa quê, vợ chồng đã sinh 2 cháu nhưng đều gửi ở quê cho ông bà trông, cuối tuần mới thu sếp về nhà thăm các cháu nhỏ.
Thi thoảng gặp tôi giờ nghỉ trưa, chị hay cầm ảnh cháu khoe “ Đấy bác thấy cháu nhà em lớn nhanh không ạ?” nhìn gương mặt đẫm mồ hôi, đôi mắt sáng bừng khi kể về đứa con gái đáng yêu, tôi thấy thương những công nhân làm việc tại xưởng vô cùng.
Thi thoảng, vì bất cẩn, một số công nhân cũng vô tình làm lỗi hàng. Các lỗi phát sinh đều được điều tra nguyên nhân, tìm đối sách khắc phục để tránh lặp lại lần sau, đồng thời phổ biến cho toàn bộ xưởng biết để rút kinh nghiệm.
Tuy nhiên, điều tôi muốn đề cập là ở doanh nghiệp tôi, khi công nhân mắc lỗi thì “ lỗi do con người” luôn được đề cập cuối cùng sau khi xem xét tất cả mọi vấn đề. Chẳng dụ, khi 1 công nhân làm sai thao tác, thì ta không nên suy ngay ra là “ do công nhân đó mất tập trung” và đối sách là “ chú ý công nhân”.
Khi họ làm sai, trước hết ta nên xem xét: ta đã có quy định rõ ràng chưa? Ta đã giải thích cho họ hiểu chưa? Ta đã làm mẫu cho họ chưa? Cách ta làm mẫu, cách ta giải thích đã dễ hiểu chưa? Ta có lưu ý, có kiểm tra để họ không làm sai hay không? Và nếu ta trả lời được những câu hỏi đó thì liệu họ có làm sai?
Tôi vẫn nhớ câu nói nổi tiếng của ông Inamori Kazuo, người từng sáng lập và điều hành công ty điện tử Kyocera và cũng từng là CEO của hãng hàng không Japan airline “ muốn công ty thành công, hãy làm cho nhân viên hạnh phúc”, bởi theo ông, chỉ khi nào nhân viên được hạnh phúc, họ mới làm ra sản phẩm và dịch vụ tốt để phục vụ khách hàng.
Và theo tôi, một trong những điều để nhân viên hạnh phúc, để “ gà có thể đẻ trứng vàng” là họ phải được TÔN TRỌNG. Sự được tôn trọng này đôi lúc chúng ta còn thấy giá trị hơn cả tiền bạc và các nhu cầu khác trong tháp nhu cầu của Maslow.
Quay lại với nghệ thuật “ cho nhân viên nghỉ việc”. Theo tôi, nếu không cho họ – những người đã từng làm việc cho ta, gặp gỡ ta, nói chuyện cùng ta, đã từng chung một đội với ta một cơ hội – thì xin hãy nói “ Cảm ơn “ một cách chân thành và thẳng thắn trình bày quan điểm của mình. Đó là cách tốt nhất.
Chúc các anh chị có nhiều nhân viên thật hạnh phúc và ít khi phải sử dụng đến “ nghệ thuật” cho nghỉ việc ạ! Xin cám ơn rất nhiều!
Chia sẻ của Bùi Thì Thu Hằng