Khoa Ngan, một nhà hàng chuyên ngan nổi tiếng Hà thành (77 Hai Bà Trưng). Đến nay đã là thế hệ lãnh đạo F2, tức nó có một lịch sử lâu dài, tức nó có những giá trị vượt thời gian.
Điều đó lý giải vì sao giới nghệ sĩ từ Bắc chí Nam – những người rất sành ăn – đều yêu thích Khoa Ngan. Từ nhạc sĩ Trần Tiến, ca sĩ Bằng Kiều, Tùng Dương, Lam Trường, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng, Khánh Phương đến diễn viên Tăng Thanh Hà, MC Phan Anh… Đặc biệt cả siêu chef toàn cầu Gordon Ramsay cũng đã từng ghé Khoa Ngan để thưởng thức các món ngon nơi đây.
Bí quyết thành công của Khoa Ngan cực kỳ đơn giản nhưng nó cũng siêu khó. Đó là, chỉ tập trung vào món ngan và biến nó trở thành #Đệ_Nhất_Ngan. Một món ăn gia cầm bình dân nâng tầm lên thành nghệ thuật ẩm thực Hà thành, đòi hỏi nhiều tâm huyết, đam mê, kỳ công để đổi mới sáng tạo và định hình công thức, giá trị.
Làm sao để chỉ có ngan thôi mà thực đơn vẫn phong phú, đáp ứng được cả ăn nhanh, ăn no, ăn chơi, nhậu đông và nhậu sâu. Và cái khó nhất là khi thành công rồi thì không bị tiếng gọi của tham vọng mở rộng thực đơn lôi kéo sang các món khác.
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.
Quý hồ tinh, bất quý hồ đa.
Các cụ nhà ta đã dậy như thế. Còn khoa học quản trị phương Tây thì có lý thuyết về sự tập trung. Và Khoa Ngan đã rất “vâng lời” các cụ cũng như thực thi xuất sắc tinh hoa quản trị phương Tây để trở nên khác biệt đến độc đáo.
Từ câu chuyện thành công của Khoa Ngan, tôi bất giác liên hệ đến câu chuyện của các mạng xã hội.
- Facebook là MXH tập trung tối ưu cho nhu cầu kết nối và thể hiện cảm xúc của người dùng, nổi bật nhất là khả năng cho phép chia sẻ các post dà.
- Twitter là MXH để đăng những mẩu tin (tweet) ngắn với tối đa 140 ký tự;
- Instagram là MXH ảnh tĩnh (ảnh vuông) kèm caption cực ngắn;
- Youtube là MXH video dài;
- Tiktok là MXH video ngắn tự quay;
- LinkedIn là MXH nghề nghiệp;
- Zalo là MXH… dùng để chat;
- …
Ngày hôm kia VC Corp cho ra đời MXH tên Lotus với định vị là Mạng Xã Hội xoay quanh/ chú trọng NỘI DUNG. Nghe rất thích! Nội dung mà! Content mà! … is King mà!
Nhưng, câu hỏi đặt ra: Nội dung là nội dung gì? Stt, ảnh, video của FB là nội dung. Tweet là nội dung. Ảnh của Instagram là nội dung. Video của Youtube, Tiktok là nội dung. Các thông tin nghề nghiệp chuyên sâu của LinkedIn là nội dung. Vậy nội dung của Lotus là nội dung gì? Khác biệt là gì? Hay Lotus là tất cả các loại nội dung kia cộng lại?
Nếu Khoa Ngan thành công chỉ bởi duy nhất một món ngan. Các MXH kể trên thành công bởi thứ mạnh nhất của mình. Vậy đâu là “món ngan” của Lotus?
Có lẽ còn quá sớm để chúng ta – các user – tự tìm ra câu trả lời cho Lotus. Nên, hoặc là chúng ta sẽ nghe đại diện của Lotus nói rõ thêm, hoặc là chúng ta phải đợi để có thêm trải nghiệm và tự nhận ra.
Bên cạnh mô hình tập trung một món như Khoa Ngan, vẫn có những nhà hàng rất nhiều món thành công. Bên cạnh những công ty chỉ tập trung một ngành hàng vẫn có những tập đoàn đa ngành hùng mạnh.
Nhưng với MXH thì dường như chưa có tiền lệ. Vậy nếu Lotus có “món ngan” của mình thì ta cần đợi để VC Corp có thêm thời gian nêm nếm, trang trí. Còn nếu Lotus là một nhà hàng đa món thì ta cũng cần đợi xem họ làm cách nào phá bó tiền lệ.
Đi sau thì luôn khó. Đi sau những gã khổng lồ thì còn khó gấp vạn lần. Nhưng khó mà thành công thì rất vẻ vang, hiển hách. Việc chúng ta có thể làm tốt nhất lúc này là ủng hộ và góp ý thành tâm cho Lotus, từ góc độ một người dùng thực sự.
Chia sẻ của Đỗ Thế Nguyên Vũ từ Quản Trị và Khởi Nghiệp