Vì Sao Gửi Số Tài Khoản Xong Khách Im Thin Thít Và Bỏ Đi????

Khi chúng ta là một người mới bắt đầu bán hàng, có muôn vàn trường hợp khách hàng im thít thít và quay đi không nói một lời, chẳng hạn như:

  • Liên tục bấm like
  • Thả icon rồi im lặng
  • “Để anh suy nghĩ thêm”
  • “Tuần sau anh về rồi mình bàn tiếp nhé”
  • “Giờ anh không rãnh”…

Các vấn đề này hầu như 100 cuộc chat, cuộc gọi thì ít nhất cũng phải là 40-50 cuộc (30-40 cuộc còn lại thì là im luôn, có khoảng 10 cuộc là hơi có thiên hướng mua hàng… còn chốt thì chắc được vài mống…).

Và đôi khi bạn lại thấy ông sales bàn bên, nói chuyện như muốn đuổi khách luôn vậy đó, đọc cả đoạn chat của thằng chả… mà cũng chẳng thấy gì khác biệt, trong khi mình niềm nỡ như thế mà họ lại bỏ đi?

Mình thì chẳng phải là người best seller gì, đó giờ làm sale chắc cũng chỉ khoảng 2-3 tháng (có 1 tháng mém được best seller ) rồi lại chuyển qua làm marketing lại… Nhưng được cái là mình đã từng được nói chuyện với rất nhiều khách hàng, người kinh doanh có, người bán hàng có… nhân viên có, sếp có….

Và cả những người làm best seller ở công ty mình cũng như nhiều công ty khác (thói quen bắt chuyện, giao tiếp không lỗ đâu, học được nhiều lắm)—--> Cũng đúc kết được một vài sự khác biệt của người bán tệ và người bestseller nó như thế nào. Và chỉ có 1 điều quan trọng nhất đó chính là… ĐIỀU KHIỂN TÂM LÝ KHÁCH HÀNG

Hãy cùng tìm hiểu các lý do khiến khách hàng bỏ rơi bạn bên dưới nhé, hi vọng mọi người có thể đúc kết một vài ý cho công việc bán hàng của mình nha.

Ràn cản bán hàng cá nhân

“Nếu bạn không thích bán hàng, thì bạn sẽ không bao giờ bán được hàng “Cái này nó thuộc về “inside”, về bên trong của bạn. Công việc của người làm Sales thì nó rất chán và rất áp lực (đối với mặt bằng chung thui nha), ngày nào cũng là KPI và các con số, ngày nào cũng là cạnh tranh đấu đá, giành giật… ngày nào cũng là các câu chat lặp đi lặp lại với những người khách đôi khi ngơ ngơ không biết gì?

Liệu bạn có cảm thấy, mình đang dần dần mệt mỏi, dần dần già cỗi và nóng tính hơn từ khi làm sales? Và khi làm sales được 1 2 năm rồi, liệu bạn có còn hứng thú mỗi ngày? 10 người làm sales mà mình quen biết thì hết 8 người đang ở trạng thái chán nản (khi đã làm >2 năm).

Họ làm sales như một quán tính, hết đi sự sáng tạo, hết đi động lực làm việc mỗi ngày. Doanh số của họ, nó chỉ phụ thuộc vào những gì họ biết đó giờ và cứ thế tiếp diễn, rồi 3-5 năm sau, nhân sự sales mới, nhiệt huyết hơn vào làm thì những người sales này sẽ đi về đâu?

Làm việc là phải có động lực, và sự hứng thú trong công việc

Hứng thú trong việc làm sales có phải là “tiền”, có phải là “nổ đơn liền tọi”? Không, nó chỉ là hứng thú nhất thời, nay có đơn thì nay vui, mai không có đơn thì mai yểu xìu, nó không gọi là động lực, đam mê.

Nó như những viên thuốc tây, uống ngày nào thì khỏe ngày đó, không uống thì lại bệnh. Bạn có đang gặp trạng thái bơ vơ,chán nản, không có động lực làm việc vào những mùa ế sales hông? Người có động lực và đam mê họ khác lắm.

Mình có một ông bạn, chuyên làm sales được 5 năm rồi, ổng làm sales bảo hiểm. Doanh số hàng tháng tuy không phải cao nhất team, nhưng được cái là rất rất đều đặn, và tháng nào có những đơn kèo to, đột phá thì lại thành best seller, và quan trọng nhất ở 1 điểm là thấy ổng cười mỗi ngày.

Trong khi các sales khác thì lúc nào không bán được nhiều tháng trời là trù ụ mặt nhưng ổng thì không, và rất hiếm khi ổng không bán được lắm. Nhiều người sales xung quanh ổng thì cứ bảo là do ổng bán tốt, bán ổn, nên lúc nào ổng cũng vui, nhưng không, có tháng mình gặp ổng trong đợt covid, ai cũng không bán được, ổng cũng thế, nhưng ổng cũng vẫn rất vui vẻ, chả hề có dấu hiệu chán nản.

Và khi về lại tháng ổn định tháng 9 gần đây thì ổng lại bán lại được tiếp. WHY? Sao ổng vẫn vui vẻ với công việc, sao ổng không phải chịu những tác hại tiêu cực của việc làm sales… Mình có hỏi nhiều lần, nhưng chính ổng cũng không biết điều đó, nhưng khi nói chuyện với ổng về vấn đề này thì mình nhận ra một điều…. ổng luôn tìm thấy hứng thú mới, đam mê mới trong việc làm sales ở từng khách hàng khác nhau.

  • Hôm nay anh gặp khách A, ổng kể con ổng mới đầu trường đại học y, nhà mừng lắm nên mua cho nó cái bảo hiểm để làm phần thưởng, sau này ra trường hay gì đó còn có vốn liếng so với người ta.
  • Bữa anh gặp chị B, chỉ đi làm xa, mà công việc là làm trong nhà máy, tuy lương 3000 4000$ nhưng bệnh tật mang về người cũng khá nguy hiểm, lo cho ba mẹ ở nhà, sau này không biết mình mà bị gì ai lo cho gia đình, thế là mua bảo hiểm

Ổng luôn tìm được câu chuyện của người ta khi giao tiếp, ổng luôn nghe được một “storytelling”… nó giống như mình đọc truyện cổ tích 1001 đêm vậy. Nên ổng không chán. Còn người làm sales thì lúc nào cũng là tư vấn khách về sản phẩm, về dịch vụ, về công việc, 1000 cuộc chat thì giống nhau hết 7 800 cuộc… thì chán là phải đạo rồi (không nói các bạn trực chat bán hàng thuần fanpage… công việc đó thì buộc phải làm rồi… mà có bền không thì không biết)

CHỐT: Ý trên chỉ là 1 ý, cái mình muốn nói là: Làm việc mà hổng vui, thì hổng có hứng làm, mà hổng có hứng làm thì làm sao mà nói chuyện vui vẻ với khách, từ gương mặt, từ sự tiếp xúc, từ những câu chat cứng nhắc. Khách bỏ chạy là đúng rồi (trừ khách nào mà cần sản phẩm quá rồi thì không nói)

SỐNG VUI ĐI, LÀM CHO MÌNH VUI TRONG CÔNG VIỆC TRƯỚC ĐÃ…. rồi hãy nghĩ tới chuyện bán hàng tốt

Không chọn đúng khách hàng

Yếu tố thứ 2 mà khá nhiều người làm sales mắc phải, nó cũng có liên đới tới câu chuyện ở trên, nhưng đúng hơn là về sự cảm nhận, mắt nhìn người. Đôi khi chúng ta lại viện vào cái cớ… nhiều khách đổ dồn vào quá, nhiều khách chat quá nên chúng ta cứ làm theo quán tính:

  • Khách nào cũng gửi tài liệu
  • Khách nào cũng nói theo 1 kiểu
  • Khách nào cũng là tư vấn về chức năng phần mềm
  • Khách nào cũng …. làm y chang nhau

Và chúng ta coi ai cũng như ai…. rồi chat 10 người thì may ra được 1 người mua hàng, có khi là 40 50 người thì mới được 1. Lý do là chúng ta đã:

  • Chọn khách hàng không muốn chi tiền
  • Chọn khách hàng không có tiền
  • Chọn khách hàng không có nhu cầu…

Nói đúng hơn, chúng ta không có con mắt của người làm sales. Người làm sales đích thực, chỉ cần qua từng câu chat, qua từng vấn đề mà người đó đang quan tâm thì họ sẽ biết được người đó là người như thế nào, có tiền hay không, mức độ quan tâm sản phẩm đang là bao nhiêu (khả năng khai thác thông tin khách hàng).

Ví dụ: Khi mình là một người bán phần mềm quảng cáo, mình chat với khách hàng thì mình phải hỏi họ được các yếu tố như:

  • Nghề của anh là gì?
  • Hiện tại tình hình kinh doanh ra sao
  • Đang gặp khó khăn ở phần nào
  • Nhân sự, tài chính (tài chính thì hơi khó hỏi)
  • Đang mong muốn điều gì, hoặc cần mục đích gì
  • Đã từng chi trả cho qc bao nhiêu, hiệu quả ra sao…

Đây là những câu mà mình sẽ hỏi một cách khéo léo để khách hàng nói ra về câu chuyện của họ (khi họ nói thì mình còn phải đồng tình, tạo thiện cảm, tạo đồng cảm nữa) Rồi mình mới nhận định được khách đó có thực sự đang cần hay đang có nhu cầu mua hàng hay không.

CHỐT: Phải nhìn đúng người có nhu cầu, có khả năng chi trả, thì tỉ lệ chốt sẽ cao.

Lưu ý 1: Này là sản phẩm giá cao, 5-7-15tr thì mình sẽ tốn nhiều công sức để tìm hiểu, chứ khách 100-200k, <1tr thì có quy trình sẵn, có sản phẩm sẵn, sẽ đỡ tốn công mình hơn.

Một trong những sai lầm lớn nhất của người làm sales là: SẢN PHẨM CÓ 100 200K <1TR… mà ngồi tư vấn cho kỹ, cho lâu vô… cho khách người ta sợ rồi chạy mất. Chia sẻ bí kíp nho nhỏ: Sản phẩm giá 100-200k thì khách hàng đã và đang thấy nó là 1 món hời rồi. Có nghĩa là họ đang tham, mà tham rồi thì họ sẽ càng muốn tham nữa, đến 1 mức không tham được nữa thì họ sẽ “sợ mất”. Phải khiến họ cảm thấy “sợ mất” thì chốt rất lẹ:

  • Cái này bên em giảm giá còn có hôm nay thôi, chị mà hông mua là hết hàng đó (câu dạng hơi thách thức, nhưng vẫn hàm ý mua đi không là hết)

Khác hẳn với câu:

  • Chị mua đi, cái này còn có hôm nay thui nè, em đăng ký cho chị nha (câu dạng nài nỉ)

Lưu ý 2: Sản phẩm 100 200k chỉ là ví dụ thôi nha, ý là sản phẩm rẻ trong phân khúc. chứ không phải chỉ áp dụng cho sản phẩm 100 200k nha, ví dụ bán nhà đi, 200 300tr chẳng hạn, bán bảo hiểm đi, 2-3tr cũng gọi là giá thấp.

Phong thái – Sự cảm nhận đầu tiên của khách hàng

Thật sư nhiều người luôn nói tới vấn đề “duyên bán hàng”. Đúng thật là có duyên thì mới bán được hàng nha. Một ví dụ nho nhỏ: Nếu mọi người muốn biết duyên bán hàng là gì, mọi người có thể ra các gian hàng tết mỗi năm.

Cùng một gian hàng, cùng một sản phẩm, nhưng 27 1 người bán, thì khách đông rất đông, qua 28 (28 thường khách sẽ đông hơn 27 nhiều), nhưng là 1 người bán khác thì lại chẳng có mấy khách hàng. Vì sao? Nó gọi là duyên bán hàng. Duyên bán hàng có nhiều người thì nói nó là sự thiên bẩm, nó là sự may mắn mà trời ban cho, trời phú cho ai có duyên bán hàng thì người đó sẽ dễ bán được hàng hơn người khác…. nhưng với mình thì Duyên bán hàng có thể đào tạo được, và tự mình tạo ra được.

Quay trở lại, Duyên bán hàng có thể nói là 10s đầu tiên khi người ta thấy chúng ta, người ta có thiện cảm, dễ muốn bắt chuyện, dễ có cảm tình…. hay nói đúng hơn là phong thái khuôn mặt mà người ta thấy ở trên avatar của chúng ta hoặc lần đầu tiên họ gặp chúng ta chẳng hạn. Họ sẽ bị chúng ta thu hút so với những người khác.Khi gặp một người bán hàng, gương mặt nào sẽ là gương mặt mà chúng ta muốn nc với họ?

  • Luôn nở nụ cười trên môi
  • Gương mặt có yếu tố gây hài
  • Gương mặt trông uy tín

…. hay là

  • Gương mặt cau có
  • Gương mặt non choẹt
  • Gương mặt thiếu hiểu biết

….. ngoài ra còn có

  • Gương mặt xinh đẹp
  • Gương mặt phúng phính thấy cưng
  • Gương mặt cá tính

… Tệ hơn thì

  • Gương mặt tiểu nhân
  • Gương mặt keo kiệt
  • Gương mặt giang hồ bặm trợn…

Sản phẩm nào thì cũng có gương mặt tương ứng. Hãy chọn cho mình 1 gương mặt đúng, và tự nhận xét xem mình của quá khứ, của avatar trước, của những lần giao tiếp trước là những khuôn mặt gì?

Lúc đó mình sẽ thay đổi gương mặt và cảm nhận xem những thay đổi của nó (không ép buộc phải theo gương mặt nào nha, 30 40 tuổi, xấu trai như Minh mà dùng gương mặt cute phúng phính thì người ta lại chửi cho).

Kiểu khách hàng và cách ứng xử

Người ta nói: “nồi nào ấp vung nấy”…. à nhầm, “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma thì mặc áo giấy”. Khi chúng ta là người làm sales, chúng ta phải biết biến tấu tâm trạng, cảm xúc, cách nói chuyện theo từng khách hàng, vậy mới có thể thuyết phục, đưa stk thì người ta mới có xu hướng chuyển khoản chứ.

Ví dụ: Đối với một người đã là newbie, đã ngại giao tiếp, mình lại dùng cách nc cứng rắn, anh phải như thế này, anh phải như thế kia, rồi em nói vậy anh hiểu hông hiểu hông… người ta sợ chạy mất dép luôn, kêu gửi stk rồi ờ ờ bỏ đi thôi. Người làm sales phải tùy từng đối tượng khách mà phải thay đổi trạng thái, cách ứng xử cho phù hợp.

  • Khách hàng ngơ ngác —-> Phải là nơi đáng tin đẻ họ lựa chọn
  • Khách hàng giỏi —-> Phải có sự đồng cảm và tôn vinh họ 1 chút
  • Khách hàng nghi ngờ —-> Phải là người uy tín
  • Khách hàng nóng nảy —-> Phải là người hòa nhã, chiều khách
  • Khách hàng lươn lẹo, muốn ép giá —-> Phải là người cứng mềm đúng lúc
  • …. và rất nhiều kiểu người khác.

CHỐT: Cố gắng tiếp xúc nhiều dạng người, rút ra kinh nghiệm, tìm hiểu cá tính của họ (nhận xét bề ngoài và giao tiếp ban đầu) rồi từ đó mới chọn cách nói chuyện phù hợp. Khi chúng ta hợp cạ với họ sẽ tạo ra 1 môi trường giao tiếp tốt, mà môi trường giao tiếp tốt sẽ thúc đẩy niềm tin, dẫn đến việc tin tưởng và mua hàng nhanh gọn lẹ hơn (còn nếu gặp mấy cha dò giá thì cứ tươi cười hỗ trợ thôi)

Cái hay của một người làm Sales chính là… đối xử với từng khách hàng bằng những CASE STUDY khác hoàn toàn nhau. Mỗi người là 1 câu chuyện, mỗi người là 1 thế giới quan khác nhau.

Trạng thái NÓNG – LẠNH – ẤM

Cái này hầu như đã quá quen thuộc với dân làm sales rồi nhờ, nói nữa thì hơi thừa hơi phí… đơn giản là:”Một khách chuyển đổi thì phải có quy trình, và có thời gian” … và phải có BIỂU HIỆN ở trạng thái nóng.

Nói đúng hơn, họ phải có những dấu hiệu báo hiện là “em ơi… chị đang háo hức lắm rồi đây, chốt sales chị đi” dạng dạng vậy. Mà các dấu hiệu thì nó muôn hình vạn trạng, mình ví dụ 1 vài cái như:

  • Hỏi về giá
  • Hỏi về các gói hỗ trợ
  • Hỏi về chính sách
  • Hỏi về các vấn đề liên quan sản phẩm
  • Đưa ra vấn đề của bản thân đang gặp phải
  • Trả lời và rep liên tục
  • Đề nghị mua hàng
  • Hỏi về hợp đồng
  • Hỏi về các hình thức giao dịch.

Khi khách hàng đã hỏi mình đến kiểu này rồi thì không có lý do gì mà họ lại không muốn mua hàng, tỉ lệ bán hàng là rất cao. Dù họ có không mua hôm nay thì cũng đừng bỏ rơi họ, hãy chăm sóc họ theo thời gian và quả ngọt sẽ đến. NHƯNG, dù khách hàng ở trạng thái nóng, đôi khi chỉ vì 1 sơ xuất, 1 vài câu nói của chúng ta mà nó lại lạnh ngay lập tức đó là vì….

Trạng thái bán hàng

Đây là thứ mà rất rất nhiều sales mà mình quen biết đang gặp phải, nhất là những sales đang ở trong trạng thái chán nản ở trên TẠO CHO KHÁCH HÀNG TRẠNG THÁI TÂM LÝ MÀ CHÚNG TA MUỐN… đó là đỉnh cao của người làm Sales.

Và một trạng thái cơ bản nhất đó chính là cảm giác “được hời””, chị em thử chứ sản phẩm này em trích cả % hoa hồng của em ra để bán cho chị, để đạt KI doanh số cuối tháng luôn, bữa giờ chị em mình nói chuyện thân thiết em cũng muốn lợi cho chị nhiều nè, mà mình cũng đang thích nên em lấy giá bét nhất cho chị luôn đó, qua đầu tháng là hông có nhen” (cách nói vậy những người hơi cả tin)Người bán hàng đỉnh cao sẽ biết cách để dẫn dắt khách hàng qua từng trạng thái tâm lý.

Đồng cảm —–> Có niềm tin —-> Khao khát —–> Có hời (Cơ hội trời cho) —–> Bút sa gà chết.

Khi khách hàng đã hỏi tới giá rồi, và mình chỉ gửi một tin nhắn STK rồi lại im thin thít, không có động thái gì nhắc nhở hoặc tạo ra trạng thái tâm lý đủ ổn thì họ sẽ rất dễ dàng đi mất. Thường thường, khi chuyển STK xong, khách hàng im lặng, bạn sẽ nhắn gì?

Đa số người làm sales đều nhắn theo kiểu “Hi anh, hông biết mình đã thanh toán cho bên em chưa ta, để mình bắt đầu làm luôn”… đây là cách nhắn không hề sai… tệ hơn 1 chút thì là “anh ơi, không biết anh đã chuyển khoản cho bên em chưa, mình bắt đầu làm nè” ….

Vì sao tệ, vì mình đang từ một cuộc trò chuyện win win giữa 2 bên, giờ mình lại chuyển sang trạng thái… năn nỉ đối phương… và khi dân sales chuyển qua trạng thái năn nỉ thì khách hàng sẽ lại bật ngược lại hàng phòng vệ —-> Khó mà tạo chuyển đổi. CHÚNG TA LUÔN Ở TRẠNG THÁI “PHẢI CHỐT NÓNG”. Ở trường hợp trên, chúng ta đã không dẫn khách hàng tới 1 trạng thái chốt nóng. Ngoài ra, còn có các trường hợp như:

  • Để anh suy nghĩ lại
  • Để anh về hỏi vợ đã
  • Để anh xem lại rồi có gì anh báo nhé.

Với mình, nếu khách hàng đã ở trong trạng thái suy nghĩ trên, tùy từng đối tượng, thường thì họ sẽ gặp các vấn đề như:

  • Đang có 1 vấn đề gì đó
  • Đang lăn tăn về giá
  • Đang cảm thấy chưa đủ hời

Thật sự thì rất nhiều Sales đã rớt ở ngưỡng cửa thiên đường này, tư vấn pấy pá luôn mà rốt cuộc tới bước cuối khách hàng nói suy nghĩ lại… hoặc thốn hơn nữa là qua người khác mua vì người bên kia đưa ra giá thấp hơn, chả cần tư vấn gì cả. (gặp khá là nhiều luôn)——> 

Chúng ta luôn phải hướng khách hàng tới trạng thái CHỐT NÓNG. Khi khách từ chối khéo, hoặc kêu suy nghĩ lại thêm thì chúng ta buộc phải đặt câu hỏi: “Qua cuộc trò chuyện nãy giờ của mình, em thấy anh cũng đang rất quan tâm tới sản phẩm và em nghĩ mình cũng đang rất cần nó để cải thiện công việc kinh doanh của mình (bán phần mềm), hông biết mình còn vấn đề khúc mắt nào không anh, anh đang phân vân về giá hay về gì á anh, để em hỗ trợ mình tốt hơn”

Lúc này nếu khách vẫn không trả lời thì mình cũng không nên ép quá nữa, nhưng thường thì họ sẽ nói về vấn đề của họ như giá cao quá, không có thời gian, không có nhân sự, không có v.v… Khi họ đưa ra vấn đề, việc của chúng ta là xử lý nó thôi, sau đó thì khi chúng ta xử lý xong thì vấn đề chốt chỉ còn là thời gian để họ chốt.

NHƯNG, lại có 1 trường hợp khác xảy ra: “Em tư vấn rất tuyệt, anh chắc chắn sẽ dùng 1 vài sản phẩm bên em, giờ để anh sắp xếp lại công việc chút rồi cứ thế mà thực thi thôi”. Khả năng từ chối khéo, là người trải đời hoặc cũng là dân làm sales. Trường hợp này thì mình cứ trở nên uy tín thôi, người ta đã muốn từ chối khéo thì mình cũng không thể bắt ép kiểu gì để người ta mua, trừ khi mình có 1 cái deal ngon nghẻ.

NHƯNG, quan trọng nhất vẫn là “trạng thái chốt nóng”, có nghĩa là chúng ta phải luôn trong trạng thái phải chốt trong ngày, ngay trong buổi trò chuyện này thì chúng ta mới có thể nói chuyện với tâm thế đúng được.

Có sự chốt trong suy nghĩ

Đây là 1 tips khá hay mà mình vô tình học được của 1 đứa em làm Sales trong công ty, đứa em này thì tuy không phải là best seller nhưng nó một khả năng thiên phú là cứ gặp khách là chốt, cách tạo mối quan hệ với khách cực kì hay và bán thông qua referal (truyền miệng, giới thiệu). Đối với bạn này, việc chăm khách chỉ diển ra đối với 1 lượng khách khá nhỏ (chọn khách mà bán)… nhưng đơn hàng nào thì cũng giá trị cao.

Hơi lan man, tips của em ấy là nên tạo cho khách hàng có “1 sự chốt” trong suy nghĩ , trước khi chốt qua việc chuyển tiền thì khách hàng phải có ý nghĩ chốt trước đã. Bằng cách:

  • Gửi file báo giá với khách, hoặc là phiếu thu phiếu chi gì đó: Cái này cực kì hay, việc khách hàng đã tiếp nhận 1 bảng giá, bảng chi mà mình gửi khiến họ sẽ có cảm giác “cuộc chat này chắc chắn phải chi rồi, buộc phải bán hàng rồi”, nó sẽ đưa họ tới trạng thái chốt nóng và có xu hướng mua thật hơn.
  • Khi tư vấn, chúng ta sử dụng những câu nói tích cực: nếu mà anh dùng sản phẩm này thì kết quả sẽ rất ok, team em đã sử dụng và rất hiệu quả, các đơn vị khác mà em đã tư vấn cũng từng sử dụng…. Khi câu chuyện được vẽ nên bởi những viễn cảnh, khách hàng sẽ dễ liên tưởng tới những thứ
  • Luôn có câu “chốt”: nãy giờ em tư vấn, thấy chị cũng thích sản phẩm ABC, vậy mình chốt sản phẩm này luôn hen chị
  • Mùa hè thì anh nên chọn mẫu này, nhưng mùa đông thì em nghĩ cái kia sẽ hợp với anh hơn… (giúp họ liên tưởng tới việc họ đang sử dụng)… vậy anh chốt cái này hen…

Việc chốt trong tư tưởng là cực kì qua trọng, nó sẽ khiến cho khách hàng bị cuốn vào suy nghĩ mua hàng, và câu “anh chốt cái này nha” là câu khiến họ khựng lại, một khi đang ở trong luồng tư tưởng suy nghĩ mà bị khựng lại thì họ sẽ dễ dàng cho chúng ta câu trả lời hơn, có hoặc không… từ đó chúng ta mới có tiếp dữ kiện để mà tư vấn hoặc đánh giá trạng thái nóng lạnh ấm…. còn nếu cứ tư vấn liền tù tì từ trên xuống dưới, cuối cùng rồi mới chốt thì… dễ sập hầm lắm.

Quy trình bán hàng đường thẳng – Dẫn dắt câu chuyện “Bán hàng”

Đây là lỗi khá căn bản của người làm Sales, hông biết ở trên mình có nói chưa nhưng giờ mình sẽ phân tích thật kỹ lại điều này. Đầu tiên, mọi người hãy xem 1 ví dụ:

  • Khách: Sản phẩm này có công dụng gì vậy em?
  • Sales: Dạ sản phẩm này có công dụng abc xyz á anh.
  • Khách: À, công dụng này anh có thấy nè, không biết khách bên em có hay xài dạng này không?
  • Sales: Dạ có chứ, khách bên em xài nhiều lắm, bữa có chị giống anh, cũng hay đi dạy học mua sản phẩm này nè anh
  • Khách: Ồ, mấy người hay đi dạy học cũng hay thường mua bên đây hả em, em kể thử vài người coi anh quen hông.
  • Sales: Nhiều chứ anh, như anh A nè, chị C nè, cũng hay ghé bên em lắm á.
  • Khách: Anh biết chị C nè, chỉ dạy content marketing giống anh, bữa anh cũng có đi workshop của chị ấy một lần, chị ấy có thường ghé qua đây hông em.
  • Sales: Cứ lâu lâu 1 2 tháng chỉ lại ghé đây 1 lần để mua á anh, em thấy chị đó viết Content cũng giỏi lắm, bữa chỉ viết tặng shop em 1 bài nè
  • Khách: Dữ vậy, đâu, cho anh coi bài viết đó với…..

Thế là cuộc nói chuyện cứ dài đi thiên thu bất tận… chỉ bởi cái tính nhiều chuyện. Với những sản phẩm giá trị cao, BĐS, bảo hiểm, đồ mắc tiền vài chục vài trăm triệu thì còn có thể tán dóc tạo cảm tình, tạo mối quan hệ lâu dài, chứ mà bán các sản phẩm bình thường mà ngồi tán dóc như vậy rồi lương đâu ra đây thần linh ôi…

Bị rơi vào lưới tình…. à nhầm, lưới nhiều chuyện với khách… tốn thời gian, hổng biết bao giờ mới chốt. Tư vấn là tư vấn, chia sẻ là chia sẻ, chúng ta phải hiểu mục đích cuộc chat của chúng ta là bán hàng, chúng ta phải luôn theo sát mục đích đó từ đầu đến cuối – Gọi là quy trình bán hàng đường thẳng.

Khi khách bắt dầu lái sang cô C, chúng ta phải bẻ lái lại ngay – Cô C cổ ưng sản phẩm này lắm á anh, SẢN PHẨM NÀY NÓ VỪA TỐT VỪA BỀN, BÊN EM CÒN ĐANG CÓ CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI NỮA

Khách sẽ hỏi về chương trình khuyến mãi, không có hỏi cô C nữa, vừa đi ra biên là đi lại vào trong. Cái này thì nó hơi khó để mường tượng, nhưng lại rất dễ để làm, chỉ cần chúng ta có thể MINDSET trong đầu 1 câu “đừng nói lan man, đừng nói lan man, đừng nói lan man” hay “trọng tâm là bán hàng, trọng tâm là bán hàng”, ai mà bị dính ở trên thì trước khi gặp khách cứ niệm 2 câu trên như niệm chú ấy, từ từ rồi sẽ hết “Chốt vấn đề trong những câu nói, làm chủ cuộc trò chuyện

Lúc khách hàng chia sẻ vấn đề, thì đừng giành phần nói. Nhưng nếu nói về sản phẩm, sales hay gặp lỗi là để khách ĐẶT CÂU HỎI QUÁ NHIỀU. Họ cứ hỏi hết cái này tới cái khác, và hỏi càng nhiều thì họ càng loạn, vì họ có nhớ hết đâu. Hỏi tới 1 lúc thì họ sẽ bắt đầu nói… dạ để em suy nghĩ thêm rồi có gì em báo chị nha.

Họ đang làm chủ cuộc trò chuyện, họ luôn nêu ra vấn đề để chúng ta giải thích, mà họ càng làm chủ cuộc chat thì cơ hội bán hàng sẽ càng thấp. Chúng ta buộc phải làm chủ cuộc chat, cuộc bán hàng, phải có lúc nói nhiều, có lúc đưa ra vấn đề, có lúc hỏi ngược lại họ, thì nó mới là cuộc giao tiếp WIN WIN, chứ mà cứ 1 người hỏi 1 người trả lời, người trả lời không bao giờ hỏi lại… thì nó là cuộc nói chuyện 1 chiều.

Đừng để mình bị khách hàng dẫn dắt theo nhịp của họ, đừng để trật nhịp bản thân, hãy nắm lấy chủ đề của cuộc chat và làm chủ công cụ bán hàng. Song song đó vẫn giữ thái độ hòa nhã, không ép buộc – phân tích, đóng góp, tiếp nhận, không phải ép buộc khách hàng nha, họ mà sợ là họ chạy mất á.

Chăm sóc khách hàng sau… chăm sóc

Khi khách hàng đã bỏ rơi chúng ta, liệu rằng chúng ta có nên bỏ rơi họ luôn? Khi khách hàng nói để chị suy nghĩ lại rồi có gì chị nhắn em sau, tâm lý học là gì? Và cách chúng ta ứng xử là gì?Hầu hết thì 100 khách mà chúng ta nói chuyện, hết tầm 7 80 khách hoặc thậm chí là 90 khách là luôn có vấn đề, luôn phải chốt lâu dài chứ không thể chốt đơn hàng ngay ở lần chat đầu tiên.

Nhưng cũng chính họ sẽ là cơ sở để chúng ta có thể tăng doanh số ở những tháng, những quý tiếp theo… nếu chúng ta biết tận dụng lượng khách hàng này. Giờ chúng ta hãy phẩn tích thử,

  • 1 khách hàng mới thấy quảng cáo và tư vấn từ đầu
  • 1 khách hàng đã tư vấn, và 1 2 tuần sau đó bắt đầu upsell lại

Giữa 2 loại khách này thì loại khách nào sẽ dễ chốt đơn hơn? ít tốn thời gian hơn? Chắc chắn là loại 2 rồi vì:

  • Họ đã biết ta là ai
  • Họ đã tiếp xúc và cũng hợp cạ (nc sương sương)
  • Họ cũng biết ta bán gì
  • Ta cũng hiểu rõ nhu cầu của họ (nhớ đặt câu hỏi để tìm hiểu thông tin)…

 Sao lại bỏ khách bạn ơi, nhà mình còn gì đâu…. Đối với những khách hàng đã ở trạng thái lạnh chuyển sang ấm nhưng chưa mua thì chúng ta phải:

  • Dùng tool CRM Profile của ATP, thống kê all khách trạng thái ấm gắn tags (chức năng giống bên Zalo, nhưng là của FAcebook), sau đó cứ tới 1 đợt thì chúng ta lại….
  • Nhắn tin hỏi han theo thời gian
  • Nhắn tin gửi khuyến mãi
  • Nhắn tin chúc mừng sinh nhật
  • Nhắn tin tặng quà, tặng tài liệu

….. (nhiều cách để bắt chuyện lắm, con chị học hành sao rồi, bác trai bữa trước đỡ đau chân chưa anh v.v…., này tùy mọi người biến tấu nha)—–> Quan trọng nhất vẫn là giữ mối liên hệ lâu dài, và hàng ngày họ thấy bài đăng của mình, nhắc nhiều về sản phẩm, về tài liệu —–> cũng sẽ chốt thôi. Nhưng cũng đừng chày cối quá nha  chày cối quá người ta ghét đó, ai mà thấy phiền rồi thì nhớ loại ra khỏi tags không lại làm phiền họ.

Chốt bài

Quan điểm bán hàng của mình thì nó theo trường phái “tạo giá trị”, gieo hạt giá trị và chờ nó nảy quả, nó không phải trường phái đeo bám khách hàng hay bằng mọi cách để có đơn nên đôi khi sẽ hơi khác với những gì mọi người học. Nhưng không sao, hi vọng bài viết này tóm lược được vài ý hay ho cho mọi người nha… bài ngắn quá, có 5000 từ.

Chia sẻ của Leo Minhs

Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Click vào một ngôi sao để đánh giá bài biết!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết có 0 bình luận
THÔNG TIN NGƯỜI GỬIĐóng (x)

Bài Hay Nên Đọc

Bài Mới Xuất Sắc

Case Study Mùa Dịch: Bán Hết 500kg Cua Trong 1 Ngày

Đây là một case study khá thú vị với mình trong mùa dịch, chưa dừng việc bán hết 500kg cua mà những ngày tiếp theo...

Seeding Facebook – Hiệu Ứng Đám Đông Không Bao Giờ Đi Sau Thời Đại

Mình làm chuyên về dịch vụ seeding từ lúc mà seeding còn chưa biết đến nhiều bị. Thậm chí anh chị em đánh đồng vào...

Cổ Phiếu Bất Động Sản Có Phải Là Những Tài Sản Bất Động Thời Gian Tới?

Trước khi tìm hiểu dòng cổ phiếu BĐS có tiếp tục là dòng cổ phiếu đáng đầu tư cho năm 2021-2022. Chúng ta cùng nhìn...

Hạng mục đầu tư – Tại Sao Stocks Có Thể Đánh Bại Bonds Hay Gold?

Đầu tư có thể được hiểu là việc từ bỏ nhu cầu tiêu tiền ở thời điểm hiện tại của bản thân mình, chuyển số...

Ma Trận BCG Là Gì?

Được tạo bởi Boston Consulting Group, ma trận Boston – còn được gọi là ma trận BCG hoặc ma trận tăng trưởng – cung cấp...

Ngày Kép 5.5 Thì Làm Gì Để Nhiều Đơn Hàng?

Trước tiên, shop cần tối ưu lại trang chủ của shop, banner, hình ảnh sản phẩm và nội dung mô tả của các sản phẩm...