Ngày xưa, thuở mới chập chững ra kinh doanh, tôi thấy có một số doanh nghiệp, biết rõ là đưa hàng hóa vào kênh bán hàng đó sẽ tồn kho nhiều, lời ít, công nợ dài nhưng họ vẫn gửi vào. Tôi không hiểu được.
Rồi tôi cũng không thể hiểu nhiều khu du lịch, nó có phí dịch vụ khách sạn rẻ không thể rẻ hơn với giá thuê 1 phòng trong 3 ngày 2 đêm như vậy thì sao họ tồn tại, nhưng, họ vẫn tồn tại, vẫn không chết và ngày càng lớn mạnh.
Rồi sau này, nhiều shop bán rẻ kinh khủng trên shopee, sao mà họ sống được. Nhưng họ vẫn trên đó, không chết và bán tới giờ.
Có chăng, chỉ có ta, vì tư duy kém mới luôn nghĩ người ta ngu thôi. Mà ra kinh doanh thì không ai ngu lỗ vẫn đi bán cả, tính toán hết cả rồi.
Mãi sau này tôi mới biết đến vùng lợi nhuận mà khi ta kinh doanh, nó luôn tồn tại trong cấu trúc sản phẩm và ở kênh bán hàng của bạn.
Một số doanh nghiệp phát triển nhóm sản phẩm theo mô hình KIM TỰ THÁP!!
Tại đáy tháp là những sản phẩm sản xuất với tiêu chí giá rẻ và sản xuất trên quy mô số lượng lớn.
Càng lên cao đến đỉnh tháp là những sản phẩm giá cao hơn với số lượng ít dần lại, thậm chí là hàng limited (giống 1 số dòng siêu xe trên TG chỉ sản xuất vài chiếc).
Lợi nhuận được tập trung ở đỉnh của kim tự tháp sản phẩm, nhưng chân đế của mỗi tháp lại đóng vai trò chiến lược quan trọng trong hệ thống để quảng bá tên tuổi, đồng thời hạn chế các đối thủ khác gia nhập vào thị trường, dù lời trên mỗi sản phẩm cực thấp.
Tới đây bạn có liên tưởng chiến lược hãng xe Vinfast, bạn sẽ hiểu tại sao họ làm nhiều dòng xe ở nhiều mức giá rồi chứ.
Một số doanh nghiệo theo đuổi mô hình bán hàng ĐA KÊNH.
Một số lĩnh vực kinh doanh thường có nhiều kênh bán hàng; mỗi kênh lại có những đặc tính lợi nhuận khác biệt cơ bản. Sự thất bại trong việc tối đa hóa sự tham gia trong các thành phần lợi nhuận cao nhất đã làm suy yếu khả năng sinh lợi của toàn bộ hệ thống. Mặt khác, việc tham gia đầy đủ trong những thành phần có khả năng sinh lợi kém hơn lại là điều cần thiết để giành lấy thị trường cho những thành phần mang lại lợi nhuận cao nhất.
Ví dụ: có doanh nghiệp đầu tư 2 kênh là shopee và facebook, mặc dù chi phí chạy Facebook ads rất đắt đỏ và không có lời trên 1 đơn hàng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì. Vì với họ, mục tiêu chỉ thu thập data và tạo tương tác qua inbox khách hàng, khi đơn hàng hoàn tất, đội ngũ CS khách hàng sẽ nhắn thông tin link gian hàng shopee cho khách và dặn khách hàng lần sau chỉ cần vào shopee đặt, vừa được ship rẻ, lại tiện tham quan mua sắm, giá niêm yết đầy đủ.
Tương tự trong ngành phân phối cafe, các kênh phân phối bao gồm: các siêu thị, các cửa hàng tạp hóa, chuỗi quán café (tự mở) & ki-ốt (tự mở) bán cafe. Rõ ràng dễ thấy là phân phối cafe vô Siêu Thị hay mạng lưới các Cửa hàng tạp hóa rải rác chỉ mang lại lợi nhuận thấp trên 1 kg cafe, còn rõ ràng những quán café của bạn mở ra có khả năng mang lại lợi nhuận cao trên 1kg cafe & lợi nhuận từ các ki-ốt thậm chí còn cao hơn nữa vì chi phí siêu rẻ.
Nhưng siêu thị, tạp hóa sẽ giúp tạo độ bao phủ thị trường rất tốt, còn quán cafe giúp bạn có tiền lại dễ quảng bá thương hiệu nhãn cafe.
Vậy giờ bạn hiểu phần nào cách tập đoàn Trung Nguyên đang đi rồi chứ, và gần đây là Highland Coffee khi họ ra bịch cafe riêng họ và đưa vào siêu thị.
Biết rõ Vùng Lợi Nhuận, hiểu rõ sự đặc thù của Ngành sẽ giúp bạn tiến thêm 1 bước đến con đường kinh doanh có lãi sau 3 năm đầu khởi nghiệp.
Chia sẻ của Nguyễn Tuấn Hùng