Quan sát của Ngôn rất thực tế ở góc độ kinh doanh và cũng đầy thông tin hữu ích cho marketer hiểu được thị trường trong vùng. Không phải cứ phải mở rộng ra vùng mới hoành tráng. Rất nhiều công ty bao gồm cả agency mở văn phòng trong vùng rất hoành tráng rồi đóng cửa trong âm thầm.
Mở rộng thị trường khu vực luôn là niềm cảm hứng của nhiều startup công nghệ Việt Nam cũng như vùng này.
Nhớ lại 10 năm trước, thời kỳ blogging đang nở rộ. Anh em SkyDoor hồi đó cũng viết một ứng dụng thu thập feed tự động từ các bloggers trong vùng. Cũng được đâu đó vài ngàn visits mỗi ngày nhưng mô hình này về mặt kinh doanh không khả thi nên cũng dừng ở đó.
Năm 2014, đi cùng anh em Alezaa sang Malaysia tìm hiểu thị trường eBooks khu vực. Gặp gỡ giao lưu các công ty liên quan trong vùng, một hồi nhận ra là trong một thị trường khá nhỏ, thì việc có chiếm lĩnh hết cả thị trường thì cũng vẫn còn nhỏ, chưa tương xứng với công sức bỏ ra.
Năm 2015 bắt đầu làm AhaMove, theo mối quan hệ của Seedcom thì anh em phi sang Myanmar tìm hiểu cơ hội thị trường xem sao. Thấy với những thị trường đi sau Việt Nam như Myanmar thì nếu mình làm Việt Nam chưa đủ kiên nhẫn, tập trung làm tốt được thì có qua thì khả năng chờ sẽ còn lâu hơn nữa.
Năm 2016, theo chân anh em GHN sang tham quan trụ sở DPD ở Đức & Pháp, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư hai bên. Nghĩ là có thể xây dựng một innovation lab ở Việt Nam làm chung cho 2 thị trường.
Một hồi nhận ra với các nước phát triển thì mấy lĩnh vực cơ bản như logistics họ làm chỉn chu rồi, nếu làm cùng thì cũng dạng hình thức outsource/offshore như các công ty gia công ở Việt Nam đang làm. Trong khi thị trường nhân sự engineers lúc đó cạnh tranh bắt đầu nóng, tuyển người làm cho mình còn khó huống chi offshore cho các thị trường khác.
Sau DPD thì anh em về có thêm ý tưởng là vậy sao không đóng gói mấy module tốt có sẵn của AhaMove để xây dựng thành giải pháp Cloud tập trung cho mấy nước đang phát triển ở khu vực.
Thế là onwheel.io ra đời vào đầu năm 2017. Cũng thử nghiệm vài tháng, được vài trăm khách hàng đăng ký sử dụng. Nhưng ngộ ra rằng ở lớp này muốn nhiều giá trị thì phải đi sâu thêm xuống lớp offline vận hành.
Rồi giữa năm 2017 anh em tiếp tục phi qua Indonesia, đi giao lưu với các công ty hàng đầu Indonesia như Gojek, Tokopedia, Traveloka tìm hiểu xem cơ hội thế nào.
Trong đầu lúc đó nghĩ nếu thắng ở Việt Nam & Indo thôi, thì làm trùm khu vực ở một góc độ nào đó vừa thì cũng tốt. Một hồi nhận ra tiếp là thị trường Indonesia quá khủng.
Nếu mình không có lợi thế cốt lõi thì dù có đi trước nhưng đến giai đoạn thị trường tăng tốc, các công ty Indo cũng có thể dễ dàng vượt mặt rồi dùng lợi thế quy mô của mình để ủi.
Đầu năm 2018, nhân lời mời từ chính phủ Ấn Độ tham gia chương trình giao lưu startup hai thị trường ASEAN-India, cũng mang OnWheel qua chém tiếp.
Học được thêm bài học là so quy mô về engineer thì không nên so với Ấn Độ. Việt Nam engineer được 1 người thì Ấn có tới …20, nên thôi nghĩ ra gì đó làm ở khu vực tận dụng nguồn engineer ở Ấn thì hợp lý hơn.
Đến tháng 9/2019, theo mối quan hệ công ty rồi đi cùng các anh em Shippo/Pancake qua giao lưu một số công ty logistics/fintech Philippines. Đầu óc giờ thực tế hơn là làm thị trường khu vực thì cần xuất phát từ lợi thế tự nhiên của các vùng.
Ví dụ Việt Nam thì có lợi thế engineers, SMEs bán hàng tốt do kế bên Trung Quốc, hay Phi thì Call Center mạnh, Singapore tài chính tốt. Rồi bám vào các mối quan hệ khu vực như nhà đầu tư, các công ty đa quốc gia để họ cùng hỗ trợ.
Viết nhân dịp mới đi Phi về còn nhiều cảm xúc, giờ cày thêm 5 năm nữa rồi viết tiếp. Âu quá trình đi cũng là những trải nghiệm thú vị, chia sẻ để anh em đang có ý định mở rộng có thể tham khảo phần nào đỡ tốn thời gian công sức. Anh em nào bắt đầu làm thì hi vọng sẽ có dịp cùng giao lưu chia sẻ nhiều hơn.
Chia sẻ của Vũ Văn Hiển