3D Showcase – Nghệ Thuật Chào Hàng Của Tương Lai

Nếu bạn luôn quan tâm đến cảm xúc của khách hàng và tìm kiếm các công cụ bán hàng có khả năng khơi nguồn cảm xúc đó, 3D showcase là từ khóa mà bạn không thể bỏ qua.

Hãy dành năm 2017 để tìm hiểu nó. Dưới đây là một số ghi chú cá nhân của tôi về công cụ tuyệt vời này, hi vọng có thể cung cấp cái nhìn ban đầu đủ để “kích thích” các bạn marketer và saleman thời công nghệ.

Art fair 3D showcase và những nhà sưu tầm “đi chợ” bằng click

Sưu tầm các phẩm nghệ thuật, đặc biệt là tranh vẽ bản gốc, từ lâu đã trở thành một thú chơi không thể thiếu trong đời sống phương Tây. Thời phong kiến, đó dường như chỉ là thú chơi của giới quý tộc sang chảnh.

Nếu từng xem bộ phim “Cô gái và chiếc khuyên tai ngọc trai” (Scarlett Johasson sắm vai chính) hẳn bạn sẽ hiểu rõ cuộc chơi này, khi các nhà quý tộc đặt hàng các họa sĩ và được coi như nhà tài trợ nghệ thuật.

Nhưng thế giới đương đại đã xóa bỏ quan niệm đó khi biết được câu chuyện về Herbert & Dorothy Vogel, cặp vợ chồng “phó thường dân” trở thành những art collectors nổi danh trong lịch sử giới sưu tầm nghệ thuật ở Mỹ.

Tóm tắt chuyện vợ chồng Vogel (đã có 2 bộ phim tài liệu về họ): Câu chuyện bắt đầu từ thập niên 1960. Họ sống ở New York. Ông là một nhân viên phân loại thư cho bưu điện, bà là chuyên viên thư viện sách, họ không có con cái, họ sống trong căn hộ 1 phòng ngủ, hiếm khi vào các nhà hàng sang trọng hay đi du lịch nghỉ dưỡng.

Họ sống bằng lương của bà, còn tất cả lương của ông (khoảng 23.000 đô/năm) đều dồn vào mua tranh. Các vật nuôi của họ, gồm cá, rùa và mèo, đều được đặt tên theo các họa sĩ nổi tiếng.

Ông bà thích thăm quan các gallery và chọn mua tranh mình thích, không phụ thuộc độ nổi tiếng của tác giả hay bài giới thiệu mỹ miều nào hết. Họ chỉ mua những bức nào mà tự thân hai người có thể mang về nhà bằng tàu điện ngầm hoặc đi taxi. Rất nhiều tranh họ mua trực tiếp từ tác giả, mặc cả rất kinh và thường thanh toán kiểu trả góp.

Có lần họ trông mèo hộ cho một họa sĩ và được trả công bằng một bức collage. Trong căn hộ nhỏ bé của mình, họ treo tranh khắp nơi, nhét cả dưới gầm giường. Họ đã mua được tổng cộng 4.782 bức tranh. Năm 1992, họ tặng tất cả bộ sưu tập cho Bảo tàng Nghệ Thuật Quốc Gia.

Năm 2008, Bảo tàng cùng ông bà tổ chức tặng lại 2500 bức cho 50 bảo tàng, học viện nghệ thuật trên khắp 50 bang, kèm theo đó là một cuốn sách về bộ sưu tập này.

Ngày nay, đi xem các gallery, bảo tàng nghệ thuật vẫn là một cái thú của nhiều người. Nói đúng hơn, là một hoạt động làm giàu đời sống tinh thần của nhiều người. Tôi còn nhớ năm 2011, được làm “lơ xe” cho các cụ “cốp” của một ngân hàng Mỹ đến Hà Nội dự hội nghị ADB, có hôm được tháp tùng các cụ đến buổi reception nhẹ nhàng ở một gallery trên phố Tràng Tiền.

Hôm đó, cụ trưởng vùng Bắc Mĩ đã mua một bức tranh vẽ phong cảnh VN trị giá hơn 10.000 đô, vì bạn gái của cụ bảo là thích. Tranh sẽ được ship thẳng từ Tràng Tiền về nhà cụ ở New York.

Việc này khiến tôi nhớ đến nhiều sách truyện và tin tức mình từng đọc, kể về những người đi du lịch với mục đích tham dự một buổi aution hoặc ghé qua một triển lãm tranh nổi tiếng.

Song, không chỉ là thú vui, việc sưu tầm tranh, tượng, các tác phẩm nghệ thuật còn trở thành một hình thức đầu tư. Giá tranh lên vùn vụt, ngày càng suất hiện nhiều các nhà sưu tầm kiêm nhà đầu tư nghê thuật.

Thị trường nghệ thuật, đặc biệt là tranh vẽ bản gốc sôi động chưa từng thấy. Một bài báo trên Bloomberg năm 2014 cho biết, giá trị các bức tranh của top 50 họa sĩ thời hậu chiến và đương đại đã tăng lên 434% kể từ năm 2003.

Vậy những câu chuyện từ cách đây vài thế kỷ, qua thời hai cụ Herbert và Dorothy loanh quanh ở New York, đến thời người Mỹ không chủ đích mua tranh ở Tràng Tiền nhưng lại khuân về một bức chỉ vì người mình yêu quý bảo là thích… nói lên điều gì?

Ngày nay cũng có rất nhiều gallery bán tranh qua mạng, các họa sĩ cũng có thể lập web tự bán tranh của mình. Nhưng tôi cho rằng các nhà sưu tầm nghệ thuật không thể thích chọn tranh qua những bức ảnh đơn thuần bằng việc có thể “lượn lờ” trong một phòng tranh, một triển lãm mà ngó nghiêng, chọn lựa.

Và đây là lúc tôi nghĩ mình nên mời họ tham quan một triển lãm thực sự. Ví dụ như triển lãm này:

Hội chợ triển lãm Domino Art Fair được tổ chức trong thời gian 20-25 tháng 1 tại Hanoi Creative City. Hôm nay là ngày cuối cùng nó diễn ra. Một số tranh đã được bán.

Các bức còn lại được gói ghém chuyển vào làm hội chợ ở TPHCM. Nhưng tôi sẽ được “lượn lờ” trong triển lãm này mãi mãi, bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu… nhờ cái 3D showcase mà lối vào là đường link trên.

Gửi cho khách hàng của bạn đường link này, thế là họ cũng có thể dạo chơi chọn mua tranh cho dù họ đang yên vị ở New York, Paris, Amsterdam, London…

Tôi nghĩ rằng loại hình tour thực tại ảo này sẽ phát triển nhanh chóng. Nhất là khi ở những thị trường nghệ thuật như Mỹ phát triển đến nỗi người ta không chỉ bán tranh mà còn cho thuê tranh. Những đơn vị như Chicago Art Leasing LLC hay Artemus USA LLC đang miệt mài cho thuê tranh chắc chắn sẽ quan tâm.

Nếu bạn là một art dealer, không thể bỏ qua cơ hội sử dụng công cụ như thế chứ? Những cú click chuột không phải là để rao hàng lộ liễu, mà là để dắt khách dạo chơi. Điều gì sẽ xảy ra, nếu cho khách hàng thấy sự gần gũi và thân mật của bạn trong không gian đầy ắp nghệ thuật này trước khi chỉ cho họ một bức tranh – món hàng mà bạn muốn bán? Chắc chắn sẽ là một điều hay ho đấy.

Còn nếu bạn không phải art dealer, không quan tâm đến thị trường sưu tầm nghệ thuật? Tôi nghĩ rằng ghi chú số 1 này có thể hữu ích khi bạn trở thành một nhà tổ chức sự kiện, kiểu như người tổ chức hội chợ tranh triển lãm tranh như thế này, hay các event organizer, wedding planner. etc.

Bạn có thể lưu giữ một sự kiện mà mình tổ chức, hội chợ public như Vietbuild chẳng hạn hoặc một ngày hội private của tập đoàn, không chỉ bằng những file thông tin đơn thuần như ảnh chụp hay video, mà còn bằng một file 3D showcase nét căng để dắt khách “lượn lờ ngó nghiêng” bất cứ lúc nào.

3D showcase – như tôi thích gọi nó là “VR tour” – cho khách hàng cảm giác họ có mặt ở một nơi cho dù họ đã không thực sự “vác xác” đến. Cảm giác TÔI ĐÃ TỪNG Ở ĐÓ đem đến sự tự tin khi cân nhắc lựa chọn và quyết định.

Đi chợ online không còn là mở một album ảnh sản phẩm hay video thuyết minh ra, mà trở thành một chuyến đi chợ đích thực với mỗi cú click chuột là một bước chân tiến gần đến với sản phẩm hơn. Người mua không chỉ là người tiêu dùng mà là nhà sưu tầm đích thực, một sản phẩm trở thành một tác phẩm đích thực, khi marketer là nghệ sĩ sắp đặt và saleman là quản lí phòng tranh.

Hey, ghi chú số 1 khá dài rồi nhưng đó chỉ là một phần của sự kỳ diệu! Hãy giải lao một chút, tham quan tour triển lãm trong link trên, thảnh thơi ngắm tranh một chút, rồi tiếp tục mổ xẻ cái mà tôi gọi là VR 3D tour nhé! Chắc chắn sau phần mào đầu dài dòng này, mọi chuyện tiếp theo sẽ trở nên hết sức gắn gọn.

Một cái nhà đáng mua đấy, vì tôi đã từng ở đó

Bán bất động sản? Tôi nghĩ bạn sẽ thích ghi chú số 2 này. Có lẽ tôi không cần dài dòng về việc một cái tour thực tại ảo sẽ giúp bạn dắt khách đi xem nhà ra sao.

Nhưng điều đó cũng chỉ là một phần của sự kỳ diệu. Bởi không chỉ là một file được upload lên mạng, một cái tour thực tại ảo có thể được mở ra bằng app trên điện thoại.

Và không chỉ có khả năng lưu giữ lại một sự vật, hiện tượng ĐÃ và ĐANG hiện hữu – tour thực tại ảo 3D showcase còn đem đến những không gian, sự kiện SẼ có trong tương lai.

Một nơi đáng đến đấy, vì tôi đã từng ở đó

Tôi đã vào một cái shop mà không cần bước chân đến đó.

Bạn có thể thắc mắc điều này thì có nghĩa lý gì nếu hàng hóa trong shop được bán đi mỗi ngày và thay thế bằng những mặt hàng mới nhập về. Điều tôi muốn nói ở đây là ấn tượng của khách hàng về một không gian có những mặt hàng mà họ đang cần, hoặc thấy đáng để đến thử xem thế nào.

Hơn nữa, hàng tuần hay hàng tháng bạn đều có thể quét một file 3D showcase mới vì việc thực hiện như thế này chỉ mất 1-2 ngày bao gồm quét, tút file và upload.

(Còn với những người kinh doanh mặt bằng cho thuê thì việc lưu giữ lại các loại hình khai thác mặt bằng cũng là điều đáng quan tâm đấy chứ.)

Bạn sẽ dành đêm tân hôn ở đây chứ? Với layout này

Các ghi chú bên trên đều có link cho các bạn trải nghiệm. Nhưng ghi chú này thì không, bởi nó mới chỉ là ý tưởng của cá nhân tôi.

Đó là một ý tưởng dành cho cafe, restaurant, hotel, resort, một không gian nào đó đủ lãng mạn để chúng ta cầu hôn nhau, tổ chức đám cưới bạc đám cưới vàng hoặc một trò vui nào đó với nhau… Thật ra ý tưởng cũng không có gì mới mẻ, chỉ là tích hợp ghi chú số 1 và số 3 vào với nhau rồi thêm nếm một chút mơ mộng.

Đầu tiên, tôi sẽ quét 3D showcase cho một cái phòng khách sạn. Sau đó, tôi sẽ gửi 3D showcase cho bạn xem và hỏi bạn có muốn thay đổi gì không.

Nếu bạn đã biết các nguyên thủ quốc gia thường nghỉ ở các President Suite ở khách sạn 5 sao nhưng vẫn cần phải thay đổi nội thất lằng nhằng như thế nào, hẳn bạn sẽ hiểu rằng sắp xếp không gian cho những dịp quan trọng là một việc rất chi là… quan trọng.

Bạn tôi làm ở Metropole kể chuyện một hoàng tử Ả Rập giàu có nào đó đến Hà Nội chơi và team logistic của chàng đã dành hơn 1 tháng trời để decorate lại cái suite mà chàng sẽ ở, theo đúng xì tai của chàng.

Đừng nói chuyện con buôn nữa, bàn chuyện văn hóa nhể

Cuối cùng, tôi xin dừng chuyện marketing bán chác sản phẩm, dịch vụ các kiểu. Để nói về làm văn hóa. Rất may ghi chú này lại có link cho bạn trải nghiệm.

Một công trình kiến trúc cổ trước khi trải qua “ác mộng cải tạo” như Văn Miếu, trông nó thế nào? Một khu phố cổ trước khi biến mất trong dòng chảy thời gian, trông nó thế nào? Thử tưởng tượng bạn có thể khám phá “trông nó thế nào” bằng một file 3D showcase.

Các showcase trong bài được thực hiện bởi VNimation.

Xin tạm dừng tại đây, rất mong ai có hiểu biết hơn về cái 3D showcase này chia sẻ nhiều thông tin cho mình mở mang thêm. Chúc ace những ngày nghỉ Tết êm ái và một năm mới nhiều niềm vui cả khi sống thực lẫn lúc sống ảo!

Chia sẻ của Đào Bội Tú

Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Click vào một ngôi sao để đánh giá bài biết!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết có 0 bình luận
THÔNG TIN NGƯỜI GỬIĐóng (x)

Bài Hay Nên Đọc

Bài Mới Xuất Sắc

Case Study Mùa Dịch: Bán Hết 500kg Cua Trong 1 Ngày

Đây là một case study khá thú vị với mình trong mùa dịch, chưa dừng việc bán hết 500kg cua mà những ngày tiếp theo...

Seeding Facebook – Hiệu Ứng Đám Đông Không Bao Giờ Đi Sau Thời Đại

Mình làm chuyên về dịch vụ seeding từ lúc mà seeding còn chưa biết đến nhiều bị. Thậm chí anh chị em đánh đồng vào...

Cổ Phiếu Bất Động Sản Có Phải Là Những Tài Sản Bất Động Thời Gian Tới?

Trước khi tìm hiểu dòng cổ phiếu BĐS có tiếp tục là dòng cổ phiếu đáng đầu tư cho năm 2021-2022. Chúng ta cùng nhìn...

Hạng mục đầu tư – Tại Sao Stocks Có Thể Đánh Bại Bonds Hay Gold?

Đầu tư có thể được hiểu là việc từ bỏ nhu cầu tiêu tiền ở thời điểm hiện tại của bản thân mình, chuyển số...

Ma Trận BCG Là Gì?

Được tạo bởi Boston Consulting Group, ma trận Boston – còn được gọi là ma trận BCG hoặc ma trận tăng trưởng – cung cấp...

Ngày Kép 5.5 Thì Làm Gì Để Nhiều Đơn Hàng?

Trước tiên, shop cần tối ưu lại trang chủ của shop, banner, hình ảnh sản phẩm và nội dung mô tả của các sản phẩm...