Mục lục
NGHỀ NGHIỆP VÀ CÁC CẶP ĐÔI KHUYNH HƯỚNG TÍNH CÁCH
Hãy quan sát kỹ xung quanh, tất cả những người ngồi ở ghế sếp lớn đều có khuynh hướng D (Thúc đẩy), và tùy vào tính cách được bắt cặp sẽ ngay lập tức giúp ai đó thăng hoa với nghề.
CEO:
Thường là D + C = Bản lĩnh, quyết đoán, nhanh gọn lẹ, nhưng có khả năng kiểm soát quy trình rất tốt để đảm bảo vừa có hiệu suất, có hiệu quả, vừa tránh khỏi sai sót.
Vẫn có CEO thuộc nhóm D + I, D + S nhưng thành quả không bằng nhóm D + C, trừ khi những CEO này có hậu phương nhóm C rất chắc chắn.
Những người là CEO nhưng chỉ thuần nhóm D thường thất bại thảm hại vì hoặc là họ thiếu khả năng kiểm soát của nhóm C, hoặc thiếu khả năng làm việc với con người của nhóm I và S.
Chỉ thuần nhóm D khiến những điểm yếu “Nông nỗi, thích kiểm soát, cực đoan, cứng đầu, cục súc” sẽ đè chết điểm mạnh, từ đó dẫn đến thất bại.
COO (Chief Operation Officer):
Thường là C + D = Tuân thủ quy trình, có nguyên tắc nhưng vẫn hướng đến kết quả. Vì chữ D bị đẩy ra sau thành yếu tố phụ nên chỉ có nhóm C + D là làm tốt vị trí COO nhất.
Nhóm I + D không thích bị cột lại một chỗ nên không thể làm tốt công việc Operation (Chữ O thứ 2 của vị trí COO); nhóm S + D cũng là người của cảm xúc nên rất khó làm tốt quy trình trong chuỗi Operation. CEO có khuynh hướng D xếp trước nên thích ra ngoài ngoại giao, còn COO lại thích ngồi văn phòng vì C xếp trước.
Dù cả hai vị trí này đều là sự kết hợp của C và D.
Sales:
D + I = Hướng tới kết quả và truyền cảm hứng, không lạ gì khi nhóm này luôn là The Best Seller kiểu Thợ Săn khi vừa dám dấn thân, không sợ hãi, lại có khả năng truyền cảm hứng cho người khác. Đây cũng là nhóm có thể tạo ra doanh số ngay lập tức vì bán bất chấp.
D + S = Hướng tới kết quả và biết quan tâm người khác nên họ là The Best Seller kiểu Nông Dân (Nuôi rồi thịt). Nhóm này khởi đầu chậm hơn nhóm Thợ Săn nhưng lại có khả năng nuôi dưỡng khách hàng số 1 nên có doanh số bền vững hơn nhóm D + I nhiều.
D + C = Hướng tới kết quả và tuân thủ quy trình nên họ sẽ là The Best Seller trong lĩnh vực cần tư vấn chuyên sâu mang tính giải pháp chiến lược. B2B, sản phẩm kỹ thuật phức tạp là địa bàn hoạt động của nhóm này. Tất nhiên được cái này sẽ mất cái kia, nhóm có khuynh hướng C theo kèm thường khởi đầu rất chậm nên các sếp cần kiên nhẫn nuôi quân.
Lật ngược trở lại xem I + D, S + D, C + D có theo nghề Sales được không?
Câu trả lời là có nhưng cần sếp nhúng tay nhiều hơn trước khi để tự bơi. I + D hoặc S + D đặt cảm xúc cao hơn mục tiêu nên cần dí số liên tục, C + D thì cầu toàn quá nên cần động viên và dẫn đi ăn chơi để sớm vượt khỏi vùng an toàn.
Phân tích này cũng giải thích tại sao Thợ Sửa Ống Nước toàn tuyển “Trai hư, gái hư” (D + I hoặc I + D) về làm Sales.
Vì tụi nhỏ không sợ gì hết, có khả năng kết giao rất tốt (Điểm mạnh của nhóm I) nên dễ mang số về. Tất nhiên quản lý mấy đứa “Hư” chưa bao giờ là dễ vì cá tính rất mạnh.
Tài chính, kế toán:
Nhóm này phải tuyển những người có khuynh hướng C là chủ đạo, C + D là người làm thuần về kế toán, D + C là người mạnh về chiến lược.
C và I đối nghịch nên hầu như không tồn tại trong cùng một người, C và S vừa có khả năng kiểm soát vừa có khả năng không làm mất lòng người khác do quá cứng nhắc nên rất nếu công ty có 2 kế toán trở lên thì rất cần 1 người như thế này trong đội để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các phòng ban khác và giảm thiểu mâu thuẫn.
HR:
Có quá nhiều định nghĩa sai và nhìn nhận sai về nghề này tại Việt Nam, do đó nhiều người loay hoay không biết nên làm mảng nào để thăng hoa.
D + I hoặc D + S hoặc I + S: Nên theo mảng huấn luyện, đào tạo, event nội bộ, Employee Branding vốn cần kỹ năng làm việc với con người, ít đụng phải quy trình.
D + C: Nên theo mảng C & B, Admin, kiểm soát quy trình và hệ thống.
Là người cảm xúc mà cứ dây dưa sang mảng quy trình hoặc ngược lại thì lấy gì mà thăng hoa được.
Các nghề khác phân tích tương tự. Tuy nhiên nếu nhìn kỹ, rõ ràng để leo lên cao, để làm sếp thì luôn cần có đặc tính của nhóm D.
Vì vậy nếu ai cảm thấy bản thân mình không phải là người nhóm D thì đừng leo cao, hãy tập trung làm chuyên môn của mình thật tốt để trở thành CHUYÊN GIA trong lĩnh vực của mình.
Đó cũng là cách để leo lên cao thay vì làm sếp. Làm sếp hay không chẳng phải là xấu hay tốt mà là phù hợp hay không phù hợp. Miễn cưỡng mất vui.
Đặt sai chỗ:
Nhiều người vì tiếc cái bằng, tiếc quãng thời gian đi học nên không dám chọn công việc phù hợp với tố chất của mình. Họ quên rằng ở tuổi 18 họ chọn ngành chỉ dựa trên cái tên ngành có sang chảnh hay không, có đúng xu hướng thị trường hay không chứ không hề dựa trên đam mê, sở trường của mình.
Mà đã không phù hợp thì có cố cách mấy cũng không thể bằng điểm nổi trội nhất được. Khi đã không thăng hoa thì lấy đâu ra thăng tiến, phát triển hay kiếm nhiều tiền. Đừng để cái tên “Bằng cấp” làm mụ mị nữa.
Các sếp cũng hay cân nhắc để đặt nhân viên đúng chỗ và phát huy tối đa điểm mạnh của sấp nhỏ thay vì đặt sai rồi gò ép. Thử hỏi cái đứa giàu cảm xúc như nhóm I mà giao sổ sách cho nó làm thì có nhanh phá sản không thì biết liền.
Còn chuyện đưa đứa nào lên làm sếp, ngoài chuyên môn hãy đảm bảo nhân viên đó có khả năng làm việc với con người và có khả năng tổ chức công việc.
Đưa ngay cái đứa chỉ thuần chữ D thì nát hết cả Team, chỉ thuần chữ I thì cả team mê chơi hơn làm và vô kỷ luật, thuần chữ C thì kéo cả Team chậm theo ngay.
Có khá nhiều trường phái phân chia khuynh hướng tính cách và người ta thường lấy ra khoe nhau. Tuy nhiên ở góc nhìn của Thợ Sửa Ống Nước thì biết nhiều để chém không bao giờ có KẾT QUẢ bằng biết ít nhưng làm tới nơi tới chốn và hiệu quả.
Các trường phái khác phân chia nhiều quá nên việc đọc vị tính cách trong vài phút nói chuyện là điều bất khả thi, đó là lý do chọn D.I.S.C thực tiễn. Ai muốn nghiên cứu học thuật chuyên sâu thì nghiên cứu thêm cái khác
Về chuyện làm bảng câu hỏi khảo sát khuynh hướng tính cách thì sao?
KHÔNG HIỆU QUẢ ĐÂU, lý do:
Đa số người thực hiện khảo sát hay chọn đặc điểm tính cách họ muốn trở thành hơn là tính cách thật.
Bảng khảo sát có quá ít câu hỏi để có sự nhận định chính xác.
Lúc vui sẽ điền khác, lúc buồn sẽ điền khác. Trừ khi mỗi tháng làm 1 lần và làm liên tục 10 tháng mà không xê xích gì nhiều thì mới đúng.
GIẢI PHÁP là quan sát hành vi của ai đó trong nhiều bối cảnh khác nhau. Nếu hành vi hay cách ứng xử thay đổi liên tục thì chưa chắc đó là tính cách thật. Chớ vội đánh giá một ai đó thuộc nhóm nào mà thiếu bối cảnh cụ thể.
Thợ sửa ống nước tự lấy bản thân kiểm tra hơn 300 trường hợp, thử và sai liên tục, ghi chép thống kê mỏi tay mới bắt đầu có trực giác đúng vì nhận định về tâm lý, hành vi và tính cách con người là thứ vô cùng phức tạp.
Khi mới nghiên cứu về món này, tui chứng kiến cảnh ông kia mặt hầm hầm vô quán café tát vợ cái bép rồi phán ngay ông này thuộc nhóm D.
Mãi sau này tìm hiểu kỹ mới biết thật ra ông này thuộc nhóm S nhưng tức nước vỡ bờ. Vậy nên mới nói phải coi trên nhiều bối cảnh mới chắc chắn được.
Nếu muốn tiết kiệm thời gian, hãy tạo ra nhiều bối cảnh và tình huống khác nhau rồi đặt ai đó vào thử. Môi trường đủ mạnh tự khắc bộc lộ ra hết.
Còn giờ thì dài quá rồi, bái bai. À, bài này không chỉ sử dụng trong quản lý đội ngũ mà còn dùng để nuôi dạy con nhé.
Tái bút!
Chia sẻ của Nguyễn Thanh Phong