Nhà nước thoái vốn ở Sabeco (sở hữu bia Saigon) là đúng, nếu không muốn nói là rất đúng!
Và trong thương vụ bán Sabeco cho tỷ phú người Thái với giá rất cao (320.000 đồng/cổ phiếu), Nhà nước đã thu về gần 5 tỷ USD, là một thắng lợi lớn!
Còn bên mua thì sao? Chỉ sau vài ngày, tỷ phú Thái đã mất cả tỉ USD vì giá Cổ phiếu lao dốc từ 320.000 xuống ở mức dao động dưới mức 260.000 (có lúc dưới 250.000/Cổ phiếu).
Nhiều người cho rằng tỷ phú Thái tính chuyện lâu dài chứ không phải tính chuyện ngắn hạn nên giá Cổ phiếu chẳng quan trọng gì (!?). Tôi không nghĩ vậy!
Tôi cũng từng mua nhiều nhà, đất, cổ phiếu với ý định đầu tư lâu dài. Nhưng nếu sau khi mua, tôi biết là giá mà người bán sẵn lòng bán thực ra thấp hơn 20% thì tôi biết là tôi đã mua hớ 20%, đã mắc sai lầm!
Và tất nhiên, tôi cũng sẽ tự biện hộ là mình đầu tư lâu dài cho bớt… đau lòng. Nhưng thật ra, dù vẫn là ý định đầu tư lâu dài, tôi vẫn hiểu rằng mình đã sai lầm trong tính toán (lẽ ra có thể mua với giá thấp hơn nhiều nếu biết thương lượng hoặc chờ đợi…).
Tiền thiệt hại do mua hớ chính là số tiền lẽ ra tôi có thể tiết kiệm, có thể giữ lại cho mình để làm chuyện khác. Nếu số tiền vài chục triệu, vài trăm triệu, có thể là khác, nhưng nếu nó lên đến tiền tỷ, vài chục tỷ, thì sai lầm của mình là lớn lắm!
Và cho dù sau đó giá nhà, đất có tăng cao chăng nữa thì “chi phí chìm” (do tính toán sai lầm khi mua) cũng không bao giờ đòi lại được (lẽ ra có thể mua với giá thấp hơn để còn lời nhiều hơn khi giá tăng cao!).
Mất một tỷ USD (hơn 22.000 tỷ VNĐ) là con số khủng đấy chứ! Không thể nói là nhà tỷ phú không quan tâm con số này!
Đừng nhầm lẫn cái gọi là “đầu tư lâu dài” với cái mất mát hiện tại (do sai lầm khi định giá); và đừng dùng cái “đầu tư lâu dài” để biện hộ cho cái mất mát ngay trước mắt (mà ai cũng nhìn thấy).
Trong thương vụ Sabeco, rõ ràng tỷ phú Thái đã mất gần tỷ đô tiền mua giá quá cao. Và dù cổ phiếu SAB sau này có tăng cao cỡ nào, hay tỷ phú Thái có được lợi ích rất nhiều ở nhiều khía cạnh, thì số tiền mua hớ vẫn là “chi phí chìm” (sunk cost), không bao giờ lấy lại được (hớ rồi, ai trả lại mà lấy?)
Bài viết này, tôi chỉ phân tích khái niệm SUNK COST (chi phí chìm) do mua hớ giá, và liên tưởng tới những sai lầm tôi từng mắc phải trong các quyết định đầu tư.
Tôi cũng muốn phân tích sự thiệt hại do mua hớ không bao giờ có thể bù đắp hay biện hộ bằng lợi ích trong dài hạn (hai món này khác nhau).
Giả sử sau này giá Cổ phiếu có lên cao, nhà tỷ phú có lời nhiều thì đáng lẽ còn có thể lời nhiều hơn nếu không mua hớ lúc đầu!
Các khía cạnh khác về thương hiệu mà tôi tin là cũng sẽ làm cho thương hiệu Bia Saigon bị ảnh hưởng khi rơi vào tay người Thái, tôi sẽ tiếp tục phân tích sau!
Mọi phán đoán về những tính toán cao siêu gì đó, hay lợi ích khủng có thể có sau này của nhà tỷ phú đều là giả định, có thể đúng hoặc sai; còn thiệt hại do mua hớ trong phi vụ này là có THẬT, và đã nhìn thấy rõ!
Cần lưu ý, ngay cả những nhà đầu tư sừng sỏ hơn tỷ phú này cũng từng mắc sai lầm khi định giá mua công ty / thương hiệu. Microsoft từng mua Nokia với giá hơn 7 tỷ USD để rồi phải bán lại cho chính Nokia với giá chỉ 350 triệu USD (bằng 1/20 giá mua).
Có một comment rất hay: “Có một loại thuốc giảm đau mang tên “đầu tư dài hạn””. Thú thật, tôi cũng từng uống loại “thuốc” này để giảm đau… lòng khi mất chi phí chìm do định giá sai!
Chia sẻ của Long Nguyen Huu