Mục lục
Hôm nọ tôi nhận được tin nhắn dài này từ một nhà quản lý:
“Giờ mới hơn 4h sáng nhưng em bị mất ngủ vì suy nghĩ về một vấn đề của phòng em mà em không biết giải quyết như thế nào. Một bạn quản lý cấp dưới của em là người rất hay thể hiện.
Bạn này có kinh nghiệm và được đào tạo cứng trong một lĩnh vực chuyên môn – lĩnh vực đó em không được đào tạo và chưa có nhiều kinh nghiệm. Chính vì vậy có những vấn đề về chuyên môn sâu bạn ấy biết nhiều hơn em.
Điều này lẽ ra rất tốt vì bạn có thể giúp em ở mảng này nhưng bạn ấy lại không nhìn nhận theo góc độ đó.
Mỗi lần bạn phát hiện ra một chi tiết lỗi, dù rất nhỏ thôi bạn cũng làm toáng lên, nói rất to cho cả phòng ai cũng biết là mình đã phát hiện ra lỗi. Bạn gọi nhân viên đến để lên lớp, nói với họ bằng những ngôn từ khá trịch thượng…
Vô hình chung em cũng bị ảnh hưởng về uy tín do em đã duyệt trước đó mà chưa phát hiện ra.
Những lúc như vậy mặc dù em rất không thích cách làm ầm ĩ và nâng cao sự trầm trọng của vấn đề như thế nhưng em chưa phản hồi gì.
Em định có một buổi nói chuyện riêng với bạn ấy, chị giúp em nói nói như thế nào để bạn ấy bớt thể hiện và mối quan hệ giữa em với bạn ấy tốt đẹp chị nhé.
À mà chị, cũng có những lần em phát hiện ra bạn ấy trong mảng chuyên môn sâu của bạn nhưng em thường nhẹ nhàng nói với bạn chứ không làm toáng lên như thế.“
Đây là một số lời khuyên của tôi trong những trường hợp nhân viên thích thể hiện, có hội chứng ngôi sao
Góp ý riêng với người đó:
- Tổ chức là để cùng nhau làm tốt nhất mục tiêu chung. Chúng ta là đồng đội. Đồng đội cần chống lưng cho nhau và giúp nhau làm tốt hơn chứ không phải để chứng tỏ ai giỏi hơn ai.
- Bạn đã làm rất tốt trong việc phát hiện lỗi sai dù là lỗi nhỏ. Tôi rất cảm ơn bạn vì điều đó. Tôi thấy rằng mọi người đều đang cố gắng làm tốt công việc của mình. Tuy nhiên khi làm việc, dù ít dù nhiều ai cũng có thể vô ý mắc lỗi.
- Càng làm nhiều chúng ta càng dễ mắc lỗi nhiều. Tôi và bạn cũng không phải là ngoại lệ. Vì vậy, tôi mong bạn nếu phát hiện ra lỗi hãy phản hồi theo cách xây dựng để mọi người cùng cải thiện thay vì làm cho họ cảm thấy tồi tệ.
- Tôi tin nếu bạn góp ý theo cách xây dựng, bạn cũng sẽ dành được thiện cảm và cộng tác tốt với mọi người.
Bày tỏ rõ quan điểm trước tập thể
- Bất kỳ ai miệt thị, coi thường, hạ thấp uy tín của người khác là không đúng đắn. CHÚNG TA KHÔNG CHẤP NHẬN THÁI ĐỘ KHÔNG ĐÚNG ĐẮN.
- Không đổ lỗi, không chỉ trích: Tất cả chúng ta sẽ được gì khi tạo ra một nền văn hóa tồi tệ mà trong đó mọi người chỉ chờ ai đó sai để xỉ vả và khi có điều gì sai chỉ biết tìm cách đổ lỗi cho nhau?
- Chúng ta cần xây dựng văn hóa chống lưng cho nhau, cùng giúp nhau tiến bộ để đạt mục tiêu chung
Tóm lại, trước những hành vi không lành mạnh, không đúng đắn là nhà quản lý bạn cần hết sức nghiêm khắc và có uy để xử lý nó.
Hãy nhớ: “Họ đối xử với mình như thế nào là do mình cho phép hay không cho phép”.
Văn hoá của tổ chức sẽ tệ đi khi mọi người “cho phép” sự không đúng mực và tốt lên khi không ai cho phép.
Bạn trưởng phòng vừa nhắn cho tôi sáng nay:
“Sau khi em thực hiện trao đổi 1-1 bạn ấy đã hiểu ra vấn đề 1 cách cơ bản. Hiện nay em đã đỡ đi rất nhiều, bạn ấy đã không còn la toáng lên, nhẹ nhàng hơn.
Về bản tính thì cần phải từ từ mới hết được nhưng được như hiện tại em thấy happy, thoải mái, yêu công việc hơn chị ạ. Em phát hiện ra rằng đúng là từ trước tới nay chưa ai nói với bạn ấy như thế cả.
Phòng em mọi người cũng chiêm nghiệm những ý kiến em nói là đúng, các bạn cũng dành lời khen cho em, em rất vui chị ạ.“
—-
Đối với những ai đang mắc hội chứng ngôi sao (I am the best!” syndrome)
Bạn đang nghĩ “Ta là người giỏi nhất”, hãy nghiêm túc nghĩ về điều này:
- Bạn có thực sự giỏi nhất?
- Nghĩ rằng mình là người giỏi nhất và thể hiện để mọi người phải công nhận điều này có gì tốt cho bạn?
- Thái độ này có giúp bạn đạt được mục tiêu của mình không?
Hãy luôn tự tin vào bản thân nhưng đừng quên nhắc nhở mình rằng còn quá nhiều thứ để bạn có thể học và trở nên tốt hơn.
Nếu bạn luôn nghĩ rằng ‘mình là người giỏi nhất’ và không đánh giá bản thân một cách công tâm có thể khiến bạn gặp rắc rối. Không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống của mình.
Hãy nhớ “A great man is always willing to be little” (Những người vĩ đại luôn sẵn sàng trở nên nhỏ bé) Ralph Waldo Emerson.
Partner của tui Rob England, một nhà lãnh đạo tư tưởng có ảnh hưởng lớn trên thế giới trong lĩnh vực quản lý Công nghệ thông tin nhưng chưa bao giờ anh nghĩ mình giỏi, giỏi nhất lại càng không.
Chính vì thế mà anh học từng giờ từng phút, không ngày nào không học được cái gì mới và có những ý tưởng mới.
Mỗi khi chúng tôi cùng thuyết trình trong hội nghị hay tham gia bất kỳ sự kiện gì, anh luôn lùi lại để spotlight hướng về phía tôi.
Anh là tấm gương về sự khiêm tốn và cởi mở để tôi học theo, mỗi ngày.
Chia sẻ của Cherry Vu