Khởi nghiệp làm tất tần tật là tư duy lệch lạc về khởi nghiệp, bị nhiều thầy dạy khởi nghiệp nhồi nhét và đã trở thành mặc định như một chân lý trong đầu những người khởi nghiệp.
Theo “chân lý” này, các thầy cứ dạy, hễ khởi nghiệp là phải cày như trâu, như bò, một mình đóng hết mọi vai, làm hết mọi việc, từ giám đốc đến thư ký, bốc xếp, giao hàng, thiết kế bao bì, bán hàng, kế toán, lao công, vệ sinh, bảo vệ…
Chính vì lối tư duy làm tất tần tật mọi thứ, làm cả những việc mình không biết làm nên mới có con số trên 98% những người khởi nghiệp thất bại.
Chỉ những người khởi nghiệp khôn ngoan (chứ không phải cày bừa) mới thành công.
Người khôn ngoan không cày như trâu, không làm việc đến kiệt sức, không làm những việc họ không có khả năng, việc mà họ biết mình làm là hỏng việc.
Họ chỉ làm choàng, và “ôm” thêm những việc có thể tạo giá trị cao hơn và dương (thay vì âm) và dành thời gian để học hỏi về quản lý, chiếc lược, kế hoạch, phát triển sản phẩm… Họ biết mượn lực của người khác để cùng làm với mình.
Bạn không biết thiết kế mà đi thiết kế bao bì nhìn qua thấy… gớm thì ai còn mua hàng của bạn? Bạn không biết bán hàng mà đi bán hàng thì ai mua.
Bạn ốm yếu mà đi bốc vác thì có ngày cụp xương sống. Bạn không biết làm kế toán mà làm kế toán thì chỉ có… chết…
Chắc có người sẽ hỏi, vậy tiền đâu mà thuê. Bạn không cần thuê tất, nhưng ít nhiều bạn vẫn phải thuê (toàn hoặc bán thời gian), hoặc phải mời người hợp tác cùng làm với bạn và chia hoa hồng, lợi nhuận hay cổ phần cho họ.
Bạn đã đầu tư vào sản phẩm, văn phòng, kho hàng.. . để kinh doanh, bạn không thể không đầu tư vào con người và tri thức!
Bạn không thể khởi nghiệp theo kiểu “tay không bắt giặc” mà không cần vốn, cả vốn tiền bạc lẫn vốn tri thức!
Bạn lao vào làm việc này, bạn sẽ phải từ bỏ việc kia. Hãy dành thời gian cho việc nào tạo giá trị cao hơn!
Chia sẻ của Nguyễn Hữu Long