Nhân có câu chuyện “con giúp mẹ, bị cha phê bình” được chia sẻ trên mạng, tôi liên tưởng tới trách nhiệm cá nhân trong tổ chức, doanh nghiệp. Câu chuyện kể rằng có một cậu bé bị cha cậu phê bình khi cậu khoe là cậu vừa giúp mẹ lau nhà.
Cha cậu bảo, đã sống chung dưới một mái nhà thì đừng nên dùng từ “giúp”; đó là trách nhiệm của con, của cha, của cả gia đình chứ không phải chỉ là trách nhiệm của mẹ.
Lẽ đương nhiên, đây là một câu chuyện có tính giáo dục cao, khuyên các con (và cả các đức ông chồng) đừng mặc định việc nhà là trách nhiệm của người mẹ, người vợ, mà hãy chung tay cùng gánh vác.
Tất nhiên, tôi đồng ý hoàn toàn với ý nghĩa giáo dục của câu chuyện và đằng sau nó là vấn đề bình đẳng giới. Người đàn ông cần chung tay gánh vác việc nhà cùng vợ. Con cái cùng gánh vác việc nhà với cha mẹ… Tuy vậy, ở góc độ lãnh đạo và quản lý, tôi cũng có một góc nhìn khác.
Khi đứa con nhỏ nói với người cha rằng “con vừa GIÚP mẹ lau nhà”, cậu bé hiểu rằng người toàn quyền quyết định, đồng thời là người chịu trách nhiệm cao nhất, trong việc lau nhà là người mẹ, chứ không phải cậu bé. Cậu chỉ là người PHỤ GIÚP, người HỖ TRỢ theo sự phân công và chỉ đạo của người mẹ. Cậu không thể tự tiện làm theo ý mình!
Điều ấy hẳn không sai, vì trong thực tế, người mẹ đang nhận lãnh trách nhiệm chính, đồng thời cũng là người quyết định tần suất, phương pháp và công cụ lau nhà, và những thành viên khác trong gia đình, nếu có tham gia (hay làm thay) thì cũng phải làm theo sự “chỉ đạo” và hướng dẫn của người mẹ.
Ngược lại, việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa, điện nước, dạy học cho con, thanh toán các bill (hóa đơn)… có thể là trách nhiệm chính của người cha, và người mẹ hay các con nếu có tham gia thì cũng chỉ là hỗ trợ, phụ giúp, chứ không được phép tự ý làm, vì sẽ hỏng việc.
Ta vẫn thường nghe những người vợ gọi chồng: “Anh giúp em bắc nồi cơm chút”, hoặc người chồng bảo vợ: “Em giúp anh giữ giùm cái thang để anh leo lên mái nhà chống dột!”… Khi đó, vợ sẽ “chỉ đạo” chồng lấy bao nhiêu lon gạo là đủ; chồng sẽ “chỉ đạo” vợ giữ cái thang thế nào cho chắc chắn…
Không chỉ ở nhà, mà ở cơ quan, bất kỳ việc gì cũng cần có MỘT NGƯỜI CHỊU TRÁCH NHIỆM CHÍNH (gọi tắt là PIC – Person In Charge), và những người khác chỉ nên là người hỗ trợ. Nếu việc gì mà tất cả mọi người hay có nhiều người cùng chịu trách nhiệm chính, cùng chỉ đạo, thì có nghĩa là KHÔNG AI CHỊU TRÁCH NHIỆM cả!
Trong nhiều trường hợp, người vợ đi làm, người chồng ở nhà, thì trách nhiệm chính của người chồng là làm việc nhà (nấu cơm, rửa chén, lau nhà, giặt quần áo…). Khi đó, người vợ đi làm về, nếu có tham gia việc nhà thì chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tức phụ giúp, chứ không phải vai trò chịu trách nhiệm chính.
Ngược lại, việc đi làm, kiếm tiền là trách nhiệm chính của người vợ. Nếu cả hai vợ chồng cùng đi làm, thì tùy theo đặc điểm và giờ giấc công việc, sẽ phân công ai chịu trách nhiệm chính/phụ việc gì. Ví dụ, chồng chịu trách nhiệm chính trong việc đón con, vợ chịu trách nhiệm chính trong việc ghé chợ mua thực phẩm về chuẩn bị bữa cơm…
Bình đẳng giới ở gia đình hay công bằng ở công sở không phải là cào bằng trách nhiệm cho bằng nhau, mà luôn có vai chính, vai phụ ở mỗi công việc, ở bất kỳ công việc nào, tùy theo năng lực, sở trường, sở thích của mỗi người, và tùy theo đặc thù công việc.
Nhiều người chồng giỏi chăm con hơn cả vợ nên giành trách nhiệm chính là cho ăn, tắm rửa, ẵm bồng, dắt con đi chơi, dạy học cho con…, còn người vợ thì chịu trách nhiệm chính trong việc chợ búa, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa…
Không phân rõ trách nhiệm chính/phụ, công việc sẽ chồng chéo lên nhau, hoặc có khi chẳng ai làm (vì người này nghĩ là người kia phải làm)!
Chia sẻ của Long Nguyen Huu