Mục lục
Bài #1 của series bài viết “Top 8 Bài Học Vỡ Lòng Về Khởi Nghiệp Giành Cho Startup Khi Mới Bắt Đầu“
Bài viết cho các bạn dự định khởi nghiệp 1 cái gì đó có cái nhìn rõ hơn về hành trình khởi nghiệp.
Sẽ có 3 tình huống khá phổ biến
Có thể bạn còn rất trẻ
Vì hoàn cảnh quá nghèo khó (giống mình ngày xưa) đi làm thuê cũng không ai nhận, tiền lo tính từng ngày, buộc phải vào đời làm cái gì đó luôn. Sau 1 thời gian làm đủ thứ nghề, buôn bán đủ thứ ở mọi hình thức, đôi khi làm cả lao động phổ thông (lao công, phụ hồ, giúp việc nhà…) thì mong muốn bắt đầu làm nhỏ 1 cơ ngơi gì đó của riêng mình.
Rất phổ biến là hầu hết nhóm này sẽ đi từ thương mại. Sau 1 thời gian, có người chuyển hướng làm Phân Phối, ai có lực làm Nhà Nhập Khẩu, một số khác rẽ hướng vào Sản Xuất sau khi đã nắm chắc đầu ra tiêu thụ hàng hóa.
Đi làm thuê 1 thời gian
Dư một ít vốn tách ra làm riêng, khởi nghiệp một mình. Tuy không phải là tất cả, nhưng đa số sẽ khởi nghiệp mô hình như công ty bạn đã làm thuê (tức nếu bạn làm thuê 3 năm cho 1 xưởng may đồng phục, thường nghỉ làm riêng, bạn sẽ mở xưởng đồng phục)
Số còn lại chủ yếu làm về Dịch Vụ, vì hầu hết các bạn ở nhóm này do làm thuê lâu năm, độ nhạy về thị trường, hàng hóa không như nhóm 1, nhưng thường giỏi 1 chuyên môn gì đó và quen biết nhiều chủ DN, có quen biết đặc thù nhóm người. Con đường làm dịch vụ B2B khá nhiều bạn làm thuê, tách ra làm riêng khai thác.
Khởi nghiệp luôn ngay khi vừa học xong
Có 1 ít vốn gia đình cho và huy động được từ vài đứa bạn thân, thành 1 team co-founder. Gần như các bạn không có chuyên môn hay mối quan hệ đặc thù nhóm KH, Supplier nào cả nên làm dịch vụ B2B là rất khó và cũng rất ít bạn trẻ vừa tốt nghiệp lựa kinh doanh dịch vụ B2B vì B2B cần uy tín và nhân hiệu người đứng đầu DN.
Các bạn sẽ có khuynh hướng làm dịch vụ về B2C nhiều hơn (chỉ cần giá tốt, phục vụ ok chứ KH không quá chú trọng đến người đứng đầu) như home stay, công nghệ, bán lẻ, mở quán cafe (một thời gian nhiều SV đua nhau mở quán cafe mọc như nấm sau mưa),…
4 Câu hỏi lớn căn cơ cho tất cả bạn trẻ
- Mình nên chọn lĩnh vực nào là phù hợp?
- Mình nên chọn thị trường gì: B2C (bán cho người tiêu dùng), B2B (bán cho doanh nghiệp), B2G (bán cho chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận), C2C, B2B2C.
- Khách hàng cụ thể mình là ai?
- Khách hàng cần mình làm gì?
Hãy nhớ, ngày nào còn lăn tăn mấy điều này thì thường DN sẽ tèo sau 1 năm thành lập.
Có những lĩnh vực nào để chọn
Nếu tinh khôn, việc đầu tiên bạn cần gạt hết những lĩnh vực mà cần rất nhiều vốn hoặc phải trường vốn ra 1 bên, thậm chí cần vốn pháp định và nhiều giấy phép phức tạp, hoặc chuỗi cung ứng phức tạp (thiếu 1 yếu tố công ty không vận hành được), sân chơi đó cho các cá mập khởi nghiệp chứ không phải 1 chàng trai/cô gái với 2 bàn tay trắng.
Ví dụ: Lĩnh vực Hàng Không, BDS căn hộ, Karaoke (xin giấy phép rất khó và tiền lót tay không ít), Bar – Vũ Trường, Nhà Hàng Cao Cấp, Năng Lượng, Công Nghiệp Nặng…
Một số nhóm lĩnh vực cơ bản: mặc định có 4 nhóm lớn cơ bản như bên dưới:
- Làm Về Thương Mại: mua đi bán lại. Tiêu biểu gồm nhập khẩu, phân phối, bán lẻ.
- Làm Về Sản Xuất: Nhập nguyên vật liệu (đôi khi là khai thác) và sản xuất ra thành phẩm. Thú vị là đôi khi thành phẩm của công ty A lại là nguyên vật liệu đầu vào sản xuất của công ty B, hình thành chuỗi cung ứng trong xã hội. Tiêu biểu như dệt may, công nghiệp nặng, năng lượng, nông nghiệp, chăn nuôi….
- Làm Về Dịch vụ: Dùng trí tuệ, sức người để cung cấp 1 giải pháp cho người tiêu dùng (B2C), cho doanh nghiệp (B2B). Ví dụ xưa gửi thông điệp, gửi thư mất mấy ngày, nay có Email, còn ai yêu nhau mà thư tay nữa. Dịch vụ sáng tạo đi kèm trí tuệ có thể thay đổi thế giới. Ngàng Hàng Không vẫn là thuộc nhóm dịch vụ.
- Làm Về Đầu Tư: nguyên lý dùng tiền đẻ ra tiền, phổ biến kinh doanh về Đầu Tư Tài Chính, Ngân Hàng, Bảo Hiểm, Quỹ, Ươm Tạo,… thậm chí tín dụng đen (dĩ nhiên ngoài vòng pháp luật).
Và theo cấp độ, thường làm dịch vụ sẽ cần ít vốn nhất, nhì là thương mại, ba là sản xuất, cuối cùng là đầu tư là cần có nhiều vốn nhất (giống như mở 1 ngân hàng, quỹ đầu tư thì cần rất nhiều tiền)
Nhưng trên cùng 1 hệ quy chiếu nhé: ví dụ mở 1 hãng sản xuất cả máy bay thì chắc chắn vốn khủng hơn là làm dịch vụ hàng không, dịch vụ quản lý sân bay ở mặt đất nhưng sẽ nặng vốn hơn so với làm thương mại là bán vé máy bay. Do đó không ngạc nhiên là số bạn trẻ khởi nghiệp mở xưởng sản xuất vô cùng ít, còn bán hàng online thì nhiều như sao trên trời.
Đặc Thù 4 nhóm lĩnh vực bên trên
Thương Mại
Dễ Làm, chỉ cần nắm nguồn hàng là có thể bắt đầu được rồi, cũng không cần quá nhiều nhân sự, cũng không lệ thuộc nhân sự cấp cao. Nếu bạn đi nhiều nơi, sẽ biết có những nhà nhập khẩu chỉ đúng 2 vợ chồng cùng 2 người nhân viên, lo thủ tục nhập hàng và quản lý kho (thậm chí kho sau này họ cũng thuê dịch vụ lưu kho để outsource) và năm có doanh thu vài chục đến trăm tỷ đồng.
Thường các bạn trẻ sẽ thử sức làm bán lẻ (tìm hàng giá rẻ, bán ra cao hơn ở nơi khách hàng cần nhiều), sau thời gian đi lên nhà phân phối/bán sỉ, cuối cùng là làm nhập khẩu vì làm nhập khẩu vốn nhiều.
Cái khó của nhóm Thương Mại là hàng tồn kho và cạnh tranh về Giá. Ai xây dựng thương hiệu tốt, tài chính tốt, trải nghiệm khách hàng tốt, người đó sẽ tồn tại được. Người tiêu dùng giờ đủ khôn để tìm kiếm hàng và so sánh giá.
Bạn và nhiều shop cùng nhập từ 1 nguồn, vậy làm sao bán giá cao hơn đối thủ mà khách hàng vẫn chấp nhận là 1 bài toán không dễ giải chút nào.
Đó là lý do có hàng trăm cửa hàng bán lẻ (online, offline) ra đời, bán đủ thứ sản phẩm và các cửa hàng chết đi cũng rất nhiều vì bài toán giảm giá riết bán hết lời.
Đây là điều tất yếu khi bạn làm một thứ đã có sẵn & ai cũng nghĩ ra được.
Ngành Thương Mại, muốn thành công, chủ phải tỷ mỉ sổ sách, nắm rõ biên lợi nhuận từng SP, tỷ lệ tồn kho, chuyển hoàn. Ai hời hợt về số sẽ rất khó tồn tại nhóm lĩnh vực này.
Và làm thương mại thì phải khá sales một tý, nếu làm nhập khẩu và phân phối, phải chịu khó sales mở kênh phân phối, ban đầu sẽ không ai khác ngoài chính bạn đi sales đâu. Sợ sales thì thôi không làm lĩnh vực này được.
Nhóm Sản Xuất
Khó làm vì cần nắm được nghề, bí quyết, công thức, kỹ thuật sản xuất của 1 mặt hàng nào đó. Không biết gì về mặt hàng mà cắm mặt làm thì chết 100%.
Khó làm vì để 1 nhà máy, nông trại vận hành đòi hỏi bạn phải setup cùng lúc chuỗi cung ứng, thiếu 1 mắt xích nào cũng chết ngay. Không thể để tới lúc nông trại ra trái và hái hết rồi mới đi mở kênh tiêu thụ, trừ phi bạn muốn thất thu 1 vụ mùa.
Nói nôm na quản trị 1 nhà máy phức tạp bội phần 1 công ty nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt lơ là kiểm soát chi phí, giá vốn thành phẩm cao sẽ dẫn đến bạn sản xuất không lời nếu giảm giá nhiều, bán mắc thì không ai mua.
Thường đa phần anh em khởi nghiệp ở nhóm 2 sau khi làm tốt nhóm 1 thành công rất cao. Vì vậy nhiều bạn làm sales lâu năm 1 nhà máy, tới lúc ra mở nhà máy thì vỡ trận vì người chủ làm rất nhiều thứ, xưa thì chỉ lo đi mở kênh tiêu thụ, nay thì lo tìm nguyên vật liệu đầu vào, giám sát việc sản xuất, quản lý chất lượng, vận chuyển hàng hóa…
Đáng buồn ở Việt Nam, thay vì xây thương hiệu, nhiều bạn lại chọn con đường mì ăn liền là làm gia công để tồn tại, nhưng kể cả khi đã có tiền nhiều, họ vẫn chỉ gia công mà thôi. Làm ra trái sầu riêng, xuất qua Thailand, họ dán made in Thailand rồi đẩy ngược về Việt Nam, người tiêu dùng phải mua giá rất cao.
Ngành Sản Xuất sẽ giúp đất nước phát triển bền vững, bớt lệ thuộc nước ngoài, cái gì cũng phải nhập.
Hãy khởi nghiệp sản xuất khi bạn đã nắm đầu ra tiêu thụ nhé, hoặc có kinh nghiệm xây dựng kênh tiêu thụ hàng hóa, không là chết chắc vì hàng tồn kho ứ đọng, nhân viên không có việc để làm.
Nhóm dịch vụ
Nếu bạn cần tiền trước mắt, không công nợ hàng hóa, lợi nhuận lớn, vốn đầu tư ít (cùng hệ quy chiếu về Ngành Nghề với Thương Mại và Sản Xuất) thì Dịch vụ là cái các bạn trẻ nên làm, và nếu tuổi đời còn trẻ, thì nên làm về B2C, đừng làm B2B.
Dễ Thấy:
Tự bỏ tiền mua đất, xây 1 chung cư là sản xuất về BDS nhà ở. Làm đơn vị chuyên phân phối các căn hộ cho các chủ đầu tư như Vinhome, FLC… là làm thương mại, như Lộc Sơn Hà land đang làm. Làm nghề môi giới, dắt KH đi xem từng căn nhà của Lộc Sơn Hà là làm dịch vụ. Cái nào ít rủi ro nhất bạn thấy rồi đó.
Làm Dịch Vụ, bắt buộc bạn phải giỏi Marketing là tiêu chí bắt buộc, thứ 2 là vấn đề chăm sóc và trải nghiệm khách hàng vì làm dịch vụ là làm dâu trăm họ. Và cũng nên có kỹ năng trình bày, thuyết trình vì đôi khi phải đi pitching, đàm phán 1-1.
Công nghệ có thể coi là ngành giá trị nhất hiện nay. Dù bạn sản xuất một sản phẩm công nghệ, hay cung cấp 1 Dịch vụ công nghệ, nếu thành công đều rất mau giàu, TGDD làm thương mại bán đồ về công nghệ và cũng giàu có. Airbnb thậm chí không có riêng 1 cái khách sạn.
Nhóm Đầu Tư
Phù hợp cho các cá nhân tài chính mạnh, có nguồn tiền lớn ổn định từ 1 nguồn thu khác, am hiểu sâu về kiến thức tài chính, kế toán (Thật buồn cười là nhiều bạn đem tiền đi đầu tư vào 1 DN mà lại không biết đọc hiểu báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán, bảng dòng tiền)
Đặc thù là kiếm tiền dài hạn, thường chưa thấy ngay trong ngắn hạn và phải đa dạng danh mục đầu tư.
Đã có rất nhiều cá nhân ở Việt Nam kinh doanh cầm đồ, cho vay vốn tín chấp, đầu tư ủy thác cam kết và giàu lên nhanh khủng khiếp.
Làm đầu tư cần bĩnh tĩnh, kiên trì tìm hiểu khi đầu tư. Mới nghe sơ công ty ABC tiềm năng là xuống tiền mua cổ phần thì coi chừng chết sớm.
Tùy vào nguồn lực, kiến thức và xuất phát điểm, khẩu vị làm ăn mà bạn có thể chọn 1 trong 4 nhóm lĩnh vực để khởi sự. Kế tiếp chỉ còn là chọn ngành cụ thể, chọn SP – DV cụ thể, chọn lựa thị trường và khách hàng rõ ràng mà chiến đấu thôi.
Cuộc chơi chỉ mới bắt đầu. Khởi nghiệp khó kinh khủng, chưa ai thành công mà nói dễ trừ mấy ông thần đa cấp.
Mới khỏe lại sau 1 tháng dài bệnh nặng, chúc anh em, cô chú luôn tràn đầy sức khỏe, thứ quý giá nhất con người.
Chia sẻ của Nguyễn Tuấn Hùng
Đọc thêm các bài khác trong Series bài viết “Top 8 Bài Học Vỡ Lòng Về Khởi Nghiệp Giành Cho Startup Khi Mới Bắt Đầu”
- Bài 2: Khởi Nghiệp Chọn Ngành Gì?
- Bài 3: Khởi Nghiệp, Đâu Là Nơi Tôi Tỏa Sáng?
- Bài 4: Làm Gì Khi Không Thể Tìm Ra “Phân Khúc Thị Trường” Để Có Thể Nắm Phần Thắng Trong Tay?
- Bài 5: Khởi Nghiệp, Lựa Chọn Khách Hàng Mục Tiêu Và Hiểu Rõ Khách Hàng Mình Phục Vụ
- Bài 6: Suy Nghĩ Và Xây Dựng Giá Trị Mang Đến Cho Khách Hàng Ngay Từ Khi Bắt Đầu
- Bài 7: Phác Thảo Mô Hình Kinh Doanh Để Phân Tích Và Thử Nghiệm Giá Trị Cung Cấp Cho Khách Hàng
- Bài 8: Phân Tích Và Đánh Giá Mức Độ Khả Thi Mô Hình Kinh Doanh Phác Thảo???