Ngày nay, ai cũng thích nói đến “tầm nhìn”. Hình như nó đã trở thành mốt của những người thích ăn to nói lớn, muốn chứng tỏ mình là người nhìn xa trông rộng.
Và có không ít chuyện vui.
Khẩu hiệu của Diễn đàn Doanh nhân, do Báo DNSG tổ chức tại dinh Thống Nhất mấy năm trước, nghe rất kêu: “Doanh Nhân Việt Nam – Chung một đội ngũ, Chung một tầm nhìn”. Tôi hỏi một anh bạn làm thủy sản: “Anh nuôi tôm, tôi bán máy tính.
Nên hiểu chung một tầm nhìn là chung như thế nào nhỉ? Là anh nuôi tôm theo tầm nhìn bán máy tính của tôi, hay tôi bán máy tính theo tầm nhìn nuôi tôm của anh”?
Có diễn giả hùng hồn nhấn mạnh “Singapore hơn Việt Nam chỉ vì họ có một tầm nhìn”. Tôi nghĩ Singapore hơn chúng ta đủ thứ chứ đâu phải mỗi tầm nhìn. Anh ta làm như, nếu chúng ta nghĩ ra được tầm nhìn tốt, thì chẳng mấy bữa sẽ đuổi kịp Singapore không bằng.
Một diễn giả khác trình bày “Tầm nhìn của Thành phố đến năm 2040”. Tôi hỏi “Sao phải nhìn xa thế”? Diễn giả trả lời “Anh không biết đâu, Mỹ họ cũng xây dựng tầm nhìn đến năm 2040”. Hay thật. Mỹ họ đứng trên đỉnh thế giới, tầm nhìn xa đến năm 2040 nghe còn có lý. Ta đứng trên ngọn dừa, nhìn đâu cũng bị che khuất, mà cũng học đòi, bắt chước xây dựng tầm nhìn mấy chục năm như Mỹ!
Một cán bộ ngành giao thông trình bày “Tầm nhìn của Giao thông Thành phố trong 10 năm tới”. Khi được hỏi, 1-2-3-4-5 năm tới thì bức tranh giao thông của thành phố sẽ như thế nào, thì diễn giả tịt. Cái gần hơn còn chưa biết mà cứ thích nói chuyện xa xôi.
Hoá ra, vẽ bức tranh tương lai gần dễ bị kiểm chứng là sai. Cứ vẽ bức tranh tương lai thật xa, để chẳng ai biết đâu mà phản bác, là dễ nhất.
Tôi không có ý định bài bác tầm nhìn. Tôi cũng cho rằng, tầm nhìn là rất quan trọng đối với mọi cá nhân và tổ chức. Nhưng đó phải là những tầm nhìn sáng suốt và có tính thực tiễn cao, chứ không phải những tầm nhìn chỉ có hình thức ồn ào phô trương bên ngoài.
“Tầm nhìn” là nghĩa tiếng Việt của từ “vision”, một khái niệm du nhập từ nước ngoài.
Tầm nhìn là một bức tranh về tương lai mà ta RẤT MONG MUỐN đi tới.
Nếu bức tranh này quá xa, quá mờ, thì đó là một tầm nhìn mơ hồ, chẳng có ích lợi gì. Bức tranh về tương lai có thể còn thiếu nhiều chi tiết, nhưng những nét cơ bản nhất phải tương đối rõ ràng và chính xác.
Thực ra, cha ông ta cũng có một khái niệm tương đồng với tầm nhìn.
Đó là Lo xa.
Một người nông dân biết dự trữ lương thực cho tháng ba ngày tám, biết dành tiền tới tháng 9 để cho con cái đến trường, biết tiết kiệm phòng lúc ốm đau, biết lo chuyện cưới vợ gả chồng cho con cái sau này… chính là người có tầm nhìn.
Theo tôi, những người nông dân lâm vào cảnh nghèo khổ, không chỉ vì bị bóc lột, mà còn vì họ suốt đời chỉ biết ăn đong, mà không biết lo xa. Người xưa có câu “Một người lo bằng kho người làm” là nói về ý này.
Với mỗi cá nhân/ tổ chức, cần chọn cho mình một tầm nhìn phù hợp.
- Nó phải được xây dựng trên TRIẾT LÝ và NĂNG LỰC CỐT LÕI của mỗi cá nhân/ tổ chức.
- Nó phải mô tả rõ nét VIỄN CẢNH tươi sáng mà cá nhân/ tổ chức hướng tới.
- Nó phải chỉ ra những MỤC TIÊU mà cá nhân/ tổ chức cần đạt được, để hiện thực hóa viễn cảnh tươi sáng trên.
- Nó phải chỉ ra những SẢN PHẨM/ DỊCH VỤ, để đạt được các mục tiêu trên.
Nhưng nếu cá nhân bạn chưa thể đưa ra ngay một tầm nhìn tốt thì sao?
Chẳng sao cả. Chẳng có ai chết vì chưa có tầm nhìn. Bạn chưa lo xa được chuyện vài năm thì tập lo xa chuyện vài tháng; chưa lo xa được chuyện vài tháng thì tập lo chuyện vài tuần; và nếu chưa lo xa được vài tuần thì hãy tập trung làm tốt việc hiện tại.
Khi đã làm tốt công việc hiện tại, bạn mới nên suy nghĩ về cơ hội tiếp theo.
Bạn hãy dành thời gian suy nghĩ về tương lai và không ngừng mơ ước. Và nếu ước mơ của bạn thực sự cháy bỏng, nó sẽ ngày càng rõ nét hơn và nó sẽ định hướng cho cuộc sống của bạn, giống như bạn vẽ ra ngôi nhà mơ ước khi chưa có tiền và một ngày nào đó bạn sẽ xây được nó.
Theo một nghĩa đơn giản nhất: tầm nhìn đó chính là ước mơ của bạn.
Chúc các bạn ngày làm việc vui vẻ.
Chia sẻ của Hoàng Minh Châu