Thành công bao hàm những điều tuyệt vời, tích cực. Thành công là sự phát đạt của cá nhân: một căn nhà xinh, những kỳ nghỉ, những chuyến du lịch, những vật dụng mới, sự đảm bảo về tài chính, khả năng dành cho con cái những điều kiện tốt nhất…
Thành công nghĩa là được người khác ngưỡng mộ, được mọi người trong công việc và đời sống xã hội coi trọng, được làm lãnh đạo. Thành công nghĩa là tự do tự tại: không lo lắng, không sợ hãi, không thất vọng.
Thành công nghĩa là tự trọng, không ngừng tìm kiếm hạnh phúc chân chính hơn và toại nguyện trong cuộc sống, là có thể làm được nhiều điều hơn cho những người đặt niềm tin ở bạn. Thành công nghĩa là chiến thắng.
Thành công – thành đạt – là mục tiêu hướng tới của mỗi con người.
Con người ai cũng muốn thành công. Ai cũng muốn nhận được những điều tốt đẹp nhất từ cuộc sống. Không ai thích quỵ lụy, sống trong cảnh tầm thường. Không ai muốn mình là công dân loại hai và đẩy xuống tầng lớp đó.
Vậy chúng ta cần chuẩn bị gì, làm gì để thành công!? Đây có lẽ là câu hỏi mà rất nhiều người đã đặt ra, hoặc là tự mình trả lời hoặc tìm câu trả lời của một ai đó – có thể là những người đã thành công. Và sau đây là sự chia sẻ từ bài học của những người thành công.
- Henry Ford – cha đẻ của hãng xe hơi Ford nổi tiếng chưa tốt nghiệp một trường lớp nào và từng không xin được việc vì chẳng có bằng cấp.
- Honda – cha đẻ của hãng Honda từng không dưới 50 lần thất bại và có thời gian là kẻ vô sản, không nhà cửa.
- Bill Gate – chủ tịch tập đoàn Microsoft bỏ ngang nửa chừng chương trình đại học Harvard nổi tiếng của Mỹ để sáng lập công ty riêng.
Hay nói gần hơn tại trên chính mảnh đất Việt Nam:
- Ông Đoàn Nguyên Đức – chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chỉ từng là một anh thợ mộc với cái xưởng bé nhỏ.
- Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – chủ tịch thương hiệu cafe nổi tiếng Trung Nguyên xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó, gia đình chỉ bám víu vào mảnh vườn trồng cafe.
Nếu Ford không tin mình có thể chế tạo ra những chiếc xe hơi tuyệt vời, ngài Honda không tin là mình sẽ thành công, Bill Gate không tin là một ngày nào đó cả thế giới này phải dùng sản phẩm phần mềm của công ty ông.
Nếu ông Đoàn Nguyên Đức không tin vào khả năng và tiềm năng của mình, hay ông Đặng Lê Nguyên Vũ không tin là mình sẽ xây dựng một thương hiệu cafe nổi tiếng nhất Việt Nam vươn ra tầm thế giới và làm giàu từ chính nó.
Thì liệu có những thương hiệu Ford, Honda, Microsoft, Hoàng Anh Gia Lai, Trung Nguyên hay không? Câu trả lời chắc chắn là không và một ngàn phần trăm là không.
Thành công được khởi đầu từ niềm tin, một niềm tin mãnh liệt vào chính bản thân, sức mạnh tiềm ẩn trong con người chúng ta. Hãy luôn giữ có một thái độ tích cực, lạc quan và tin tưởng ở sự quyết định của cá nhân mình, và hãy nghĩ rằng “ta sẽ làm thay đổi cuộc sống này, ta sẽ làm được”.
Chính niềm tin quyết định thái độ của mỗi chúng ta. Nếu ta không tin vào chính ta, thì lấy ai tin ta được chứ, ta không tin ta sẽ thành công thì liệu ai tin rằng ta thành công chứ.
Trong tư tưởng của mỗi chúng ta luôn có hai hướng:
Một là, ta không thể làm được vì nó quá sức với ta, hay vì ta không đủ thông minh để làm nó, hay vì ta còn quá trẻ (quá già) để thực hiện ước mơ đó, hay vì ta kém may mắn không có được những điều kiện thuận lợi nhất
Hai là, ta sẽ làm được, dù có khó khăn trở ngại, dù có vất vả nhưng bằng niềm tin ở bản thân ta sẽ chiến thắng tất cả để đến với thành công. Hiện nay con người bạn đang theo xu hướng nào? Bạn thích mình sẽ thuộc dạng một hay hai…
Dĩ nhiên tôi tin là bạn sẽ lựa chọn cách thứ hai, vì ít nhất là bạn đang đọc bài viết này.
Tôi đã nghe một ai đó nói rằng “cuộc sống này quá ngắn, nên hãy sống làm sao cho có ý nghĩa” và tôi rất thích câu nói này của Nguyễn Công Trứ “Đã mang tiếng sống ở trên trời đất – phải có danh gì với núi sông” cũng như lời thơ của Chế Lan Viên “Lũ chúng ta ngủ trên giường chiếu hẹp – Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”.
Hãy tin ở chính sức mạnh chúng ta và tin ta sẽ làm được bạn nhé. Chúc tất cả sẽ cùng thành công.
(Bài viết này tôi viết vào tháng 9/2009, khi tôi đang khởi nghiệp công ty đầu tiên – nay đã phá sản).
Chia sẻ của Cao Trung Hiếu từ Quản Trị và Khởi Nghiệp