Mục lục
Dưới đây là quan điểm của anh Quách Đức Anh- người sáng lập Akira về làn sóng ảo tưởng này: Đừng ảo tưởng về Startup, đặc biệt là về Startup công nghệ.
Ở Việt Nam (VN) khi startup chúng ta chủ yếu tập trung vào software, vì những sản phẩm công nghệ mà cầm nắm được như điện thoại, máy tính… là phải đầu tư rất tốn kém, không nhiều người đủ tiền để làm, mà người có tiền cũng không đủ điên rồ để đầu tư.
Nếu bạn đầu tư công bỏ sức ra làm 1 sản phẩm công nghệ số, chỉ có 3 cách cơ bản để bạn sống:
- Sống bằng bán quảng cáo
- Tạo “sàn giao dịch” để ăn hoa hồng
- Sống bằng bán sản phẩm.
Bán quảng cáo ở Việt Nam thì giá siêu rẻ, ngay ứng dụng Học tiếng Nhật của Akira đạt 30.000 download và 30% active, mình chỉ thu được 20$/tháng. Đấy là ứng dụng của mình còn có 60% người dùng quốc tế, nếu 100% người dùng Việt Nam thì còn thấp nữa.
Tạo “sàn giao dịch” và lấy % hoa hồng, như các công ty Thương mại điện tử, hoặc kiểu cho thuê chỗ ở như AirBnB, bán vé như Ticketbox… bản chất vẫn là phải có rất nhiều người sử dụng và lượng tiền giao dịch rất lớn thì mới mong có tiền.
Để giải được bài toán làm sao có 1 triệu người dùng đã khó, giải quyết bài toán xây hệ thống cho 1 triệu người chạy ổn định còn khó hơn. Cái này thường đòi hỏi phải đầu tư ban đầu rất lớn, cỡ đại gia Startup mới làm được. Còn các nhóm Startup cá nhân khó mà có đủ nguồn lực.
Bán sản phẩm hoặc license, thử nghĩ xem sản phẩm công nghệ số (~software) đắt nhất bạn đã từng bỏ tiền ra mua là gì? Phần mềm diệt virus, bản quyền máy tính, ứng dụng di động, game…?
Nếu bỏ qua game thì mình khẳng định 99% người Việt Nam chưa từng bỏ tiền ra mua sản phẩm nào như vậy. Crack hoặc dùng free thì ‘ok’, còn phải bỏ tiền ra mua thì sẽ không dùng. Sản phẩm công nghệ bán được nhiều nhất ở Việt Nam chắc là game cá độ & đánh bạc.
Giấc mơ có triệu người dùng, vươn ra Thế giới, được đầu tư triệu đô… luôn là những giấc mơ đẹp. Và nó chính là mật ngọt giết chết rất nhiều bạn trẻ.
Thị trường cho Startup công nghệ ở Việt Nam vẫn còn rất nhỏ
Lấy một ví dụ nhé, cả Việt Nam mỗi năm có khoảng 50.000 người học tiếng Nhật. Akira làm một ứng dụng học tiếng Nhật Online với giá khoảng 20$, như vậy nếu có 50.000 người mua thì Akira sẽ có 1.000.000$, các bạn sẽ nghĩ như vậy đúng không?
1triệuUSD = hơn 22 tỷ VNĐ, nghe có vẻ hoành tráng đây. Nhưng sẽ cần bao nhiêu tiền đầu tư để có một sản phẩm hoàn hảo đến mức 80% người học tiếng Nhật đều hài lòng? Và cần bao nhiêu tiền đầu tư để chiếm được >80% thị phần? Đối thủ của Akira Online không chỉ là các phần mềm học tiếng Nhật, mà chính là các trung tâm tiếng Nhật khác.
Và công sức để chiếm 100% thị phần, so với việc đi mở vài trung tâm tiếng Nhật khác, cái nào tốn sức hơn? Mình biết nhiều người chỉ mất 3~4 năm để mở hơn chục trung tâm ngoại ngữ trên khắp Việt Nam, doanh thu hàng năm đều hơn 1 triệu USD.
Ngay cả trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) cũng vậy. Thị trường TMĐT của VN được định giá ~560 triệu USD, nhưng thực ra chỉ chiếm 0.71% thị phần bán lẻ (~80 tỷ USD).
Mặc dù quy mô thị trường chỉ có 560 triệu USD, nhưng có bao nhiêu đại gia đã nhảy vào đây? 2015 đã là một năm thất bại lớn với rất nhiều công ty TMĐT, và biết nhiều khả năng năm 2016 sẽ là thất bại lớn với nhiều Startup vì bị quấn vào “trào lưu Startup” mà không biết mình đang ở đâu.
Nếu bạn vẫn bỏ ngoài tai những điều trên và quyết tâm Startup công nghệ thì phải làm thế nào?
Một vài kinh nghiệm của mình trong quá trình xây dựng Akira Tech như sau:
Survival First!
Đừng đắm chìm trong những suy nghĩ như kiểu: Mình sẽ kiếm hàng triệu users, xong rồi mình sẽ có tiền. Bạn chắc chắn sẽ phá sản trước khi có được 1 triệu users. Startup ở VN, việc đầu tiên và quan trọng nhất là “Sinh tồn”, đừng mơ đến việc sẽ có ai đó đầu tư cho bạn ở giai đoạn đầu tiên, quỹ đầu tư thì càng không.
Hoặc là bạn phải có một lượng tiền đủ lớn để sống được khoảng 2-3 năm mà không cần thêm tiền đầu tư hoặc không cần doanh thu, hoặc phải tìm cách làm ra tiền càng nhanh càng tốt.
Đừng chết vì thiếu hiểu biết
Các startup xuất thân từ dân IT thường nghĩ rằng mình có khả năng lập trình mọi thứ thì mình sẽ startup thành công. Còn các startup xuất thân từ business thì thường nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng thuê được 1 lập trình viên xuất sắc, hoặc dễ dàng bán sản phẩm nhờ tài năng marketing ngay cả khi sản phẩm lởm.
99% startup chết không phải vì thiếu đam mê, mà là chết vì thiếu hiểu biết và kỹ năng cần thiết. Không hiểu về thị trường, không hiểu về sản phẩm, không đủ kỹ năng vận hành kinh doanh, không biết cách xây dựng đội ngũ, không có khả năng làm việc với con người…
Để có 1 doanh nghiệp thành công phải gồm rất nhiều yếu tố, nếu bạn chưa giỏi việc này hoặc chưa có những co-founder đủ giỏi, tốt nhất đừng khởi nghiệp vội. Vào 1 công ty nào đó làm và học hỏi trước đã, vừa không mất tiền lại còn có lương, vừa tích luỹ được nhiều kinh nghiệm.
Và tốt nhất là tìm công ty nào đúng lĩnh vực mà bạn muốn khởi nghiệp ấy, rồi bạn sẽ nhận ra tất cả những ý tưởng mình vẫn nghĩ rằng rất hoành tráng hoá ra toàn là những thứ vứt đi.
Nghĩ lớn, làm nhỏ thật nhỏ
Tất cả những người khởi nghiệp đều mang trong mình dòng máu “mơ mộng”, không có cái này thì cũng không ông nào dám khởi nghiệp. Nhưng đấy là điểm yếu của rất nhiều người, bao gồm cả mình – một Visionary.
Xây dựng doanh nghiệp cũng như xây nhà, phải bắt đầu bằng việc đào từng xẻng đất, đặt từng cục gạch. Mỗi tuần hãy đặt ra những mục tiêu siêu nhỏ, siêu khả thi và làm dần dần. Ví dụ: có 100 users đầu tiên, có người trả tiền đầu tiên, có người quay lại mua hàng đầu tiên…
Lúc bắt đầu sản phẩm hơi ‘lởm’ tý cũng được, miễn là có người chịu trả tiền mua tức là có hi vọng. Bán cái đấy lấy tiền phát triển sản phẩm. Lặp lại chu trình này càng nhanh càng tốt.
Giai đoạn đầu đừng mất công với các event và các nhà đầu tư
Tham gia event, đi ngoại giao, gặp gỡ nhà đầu tư… chỉ làm bạn mất thời gian và chắc chắn sẽ chẳng có ai đầu tư cho bạn khi bạn mới chỉ có ý tưởng đâu. ‘Bét’ nhất cũng phải có sản phẩm mẫu, đã có người trả tiền hoặc có rất nhiều người sử dụng thì may ra người ta còn thèm nói chuyện với bạn.
Còn nếu gặp chỉ để chém về việc bạn có 1 ý tưởng hay, câu trả lời sẽ luôn là “ý tưởng là cái rẻ tiền nhất, hãy cho tôi xem bạn đã làm được gì với cái ý tưởng này?”
Đi gặp gỡ nhiều còn làm bạn thêm ảo tưởng về khởi nghiệp thành công, vì những người bạn gặp toàn là những siêu nhân khởi nghiệp 100 người có 1, còn 99 ‘thằng’ khởi nghiệp thất bại vỡ mặt thì bạn đâu có gặp.
Khi nào thiếu động lực thì tham gia event để thêm tí lửa, còn đâu hãy tập trung 200% năng lượng vào sản phẩm và khách hàng của bạn, đến khi nào ngon lành rồi thì hãy nghĩ tới việc xuất sơn chém gió. Các diễn giả, siêu nhân startup, nhà đầu tư… không ai có thể nói về “sản phẩm của bạn cần gì để tốt hơn” bằng khách hàng của bạn đâu.
Nên làm web hay mobile?
Nếu hướng tới người dùng VN thì đừng làm Mobile Apps, vì người dùng VN không có thói quen trả tiền mua Apps, và cũng chưa quen với các phương thức thanh toán như Creditcard hay chuyển khoản ngân hàng. Nếu bạn làm Game đánh bạc, cá độ thì được.
Nếu hướng tới người dùng Quốc tế ngay từ đầu, thì bắt đầu bằng Mobile App hay Web App đều được. Nhưng để chiến thắng được trong thị trường quốc tế, bạn phải chắc chắn rằng mình là người giỏi nhất trong lĩnh vực/ngách mà bạn đang tham gia. Có thể bắt đầu từ 1 ngách nhỏ, sau khi làm tốt ở đây thì dần mở rộng ra tiếp. Đừng vội vàng phục vụ “triệu người dùng” ngay từ đầu.
Ngay cả Facebook những ngày đầu tiên cũng chỉ hướng tới trường ĐH Harvard, sau khi làm tốt rồi họ mới mở ra thêm 4 trường ĐH khác bên cạnh, sau 2 năm Facebook mới có người dùng ở 21 trường Đại học, và cứ lần lượt từng bước từng bước như vậy, sau 13 năm Facebook mới đến ngày có hơn 1 tỷ người dùng.
Làn sóng Startup công nghệ tiếp theo sẽ là gì?
Cái gì người dùng sẵn sàng trả tiền thì nó sẽ thành làn sóng. Edtech sẽ trở thành xu hướng của năm nay vì đây là loại sản phẩm thuần công nghệ thứ 2 (sau game) mà người VN sẵn sàng trả tiền để mua.
Đừng nghĩ đến chuyện Educate thị trường, các công ty TMĐT ở VN đã cố gắng làm điều này từ những năm 1997-1998, sau hơn 15 năm mới chỉ Educate được 0.71% thị phần. Bạn có sẵn sàng ném hàng ngàn tỷ đồng để giáo dục thị trường không? Rất nhiều đại gia đã dám làm điều này và đã hối hận.