Bài #6 trong Chương #1 “Tuyển” của series bài viết “KỸ NĂNG – KIẾN THỨC QUẢN TRỊ NHÂN SỰ”
Startup, việc đầu tiên luôn là tồn tại và tìm được Core team (những cổ đông và cùng làm từ lúc đầu). Tồn tại có thể dễ nhưng Core team thì tìm không đơn giản tí nào. Tiêu chí nào để lựa chọn Core team cho Startup?
- Phương án 1: Những thành viên core team là những thành viên có năng lực lõi tạo ra giá trị cốt lõi của Startup?
- Hay Phương án 2: Họ là những người có năng lực lõi nhân sự phù hợp với nhau?
- Hay Phương án 3: Kết hợp cả 2 phương án trên?
Chúng ta cùng nhau định nghĩa một chút về các thuật ngữ:
- Giá trị cốt lõi là cái bạn làm tốt hơn đối thủ. Đây chính là niềm tin của khách hàng khi tiếp cận sản phẩm của công ty.
- Năng lực lõi là cái tạo ra giá trị cốt lõi.
- Năng lực nhân sự lõi: là cái mà nhân sự nào trong tổ chức cũng phải có. Đây chính là tinh cách của công ty.
- Năng lực nhân sự lõi và năng lực lõi có thể là 1 hoặc giao nhau.
Rõ ràng phương án 3 là tốt nhất. Nhưng để được vậy thì như “mò kim đáy bể”. Giờ chọn phương án dễ hơn 1 vs 2. Chúng ta sẽ chọn phương án nào? Tự nhiên tôi lại nghĩ đến câu: “Tài” và “Đức” nên chọn ai?
Ở đâu đó, sẽ có người đủ tự tin để chọn phương án 1. Tôi thấy sách vở họ cũng khuyên vậy. Startup nên có 3 người:
- Người giỏi kinh doanh
- Người giỏi tài chính
- Người giỏi sản xuất
Tôi cho rằng phương án này sẽ hợp với những Startup nào đó sinh ra với mục tiêu tài chính. Mục tiêu này dễ dàng, đơn giản và dễ thỏa thuận. Chúng ta hợp với nhau vì có đại dương xanh. Và đại dương đó sẽ mang về cho chúng ta một khoản lợi nhuận.
Rồi sau, những thành viên core team sẽ cố gắng điều chỉnh bản thân và các thành viên khác để tạo ra năng lực lõi nhân sự chung (tạo ra văn hóa chung). Quá trình này thành công thì chúng ta có một doanh nghiệp hoàn chỉnh. Còn nếu không thành công thì chúng ta sẽ giải tán và có thể là sẽ thành lập nhiều doanh nghiệp con khác nhau.
Ở một diễn biến khác, có những Startup sinh ra không phải với mục tiêu tài chính mà có mục tiêu bên ngoài tài chính. Liệu có nên chọn phương án 1, khi ai cũng giỏi một cái gì đó nhưng ai cũng có mục tiêu riêng và chỉ có mục tiêu chung là tài chính?
Ở diễn biến này, chúng ta nên chọn phương án 2. Các thành viên core team là những thành viên có năng lực lõi nhân sự giống nhau. Có thể sở trường của họ khác nhau. Năng lực lõi nhân sự giống nhau tức là cơ sở văn hóa của Startup đã có.
Các thành viên đồng điệu với nhau về suy nghĩ. Cùng với đó các thành viên cùng chung mục tiêu ngoài tài chính sẽ làm Startup trở nên bền chặt hơn. Ở phương án này rõ ràng Startup có 2 thứ rất quý:
- Mục tiêu ngoài tài chính.
- Năng lực nhân sự lõi (cơ sở để có Văn hóa)
Hai thứ này theo sách “Xây dựng để trường tồn” thì là nguyên liệu để Doanh nghiệp có thể sống, tồn tại và không bị tan rã như ở phương án 1.
Như tôi đã nói, phương án 1 và phương án 2 đều có thể điều chỉnh và hướng đích là phương án 3. Nhưng thời gian và cơ hội không kéo dài vô hạn định. Chúng có mốc, có đến và có đi. Chúng ta bắt buộc phải lựa chọn. Giờ chúng ta phải làm sao?
Với những ai lựa chọn phương án 1, chúng ta đã có những người “Tài”, việc của chúng ta là tìm cách đồng điệu các tài năng để tạo ra cái chung về văn hóa. Chúng ta sẽ xây dựng Hệ thống Quản trị nhân sự để giải quyết các bài toán mâu thuẫn. Cùng với đó Hệ thống sẽ có những công cụ tạo ra văn hóa:
- Sơ đồ tổ chức
- Nội quy / nguyên tắc làm việc/ sổ tay văn hóa
- Năng lực nhân sự lõi
- Chương trình hội nhập nhân viên
- Các câu chuyện văn hóa, tuyên bố về tầm nhìn (hoài bão/ triết lý sống của tổ chức), giá trị cốt lõi
- Các nghi thức bắt buộc
- Các biểu tượng vật chất
- Ngôn ngữ/ kí hiệu/ thuật ngữ riêng
- Các chương trình truyền tải và duy trì văn hóa
“Ở đời biết đâu chữ ngờ”, xây được hệ thống Quản trị nhân sự là quá tốt. Nhưng Startup thì lại mắc bài toán “tồn tại”. Chúng ta không tập trung vào việc kiếm tiền để tồn tại thì có hệ thống cũng như không. Và như thế bài toán “tobe” or “not tobe” xuất hiện. Nên hay không nên tập trung xây dựng Hệ thống Quản trị nhân sự.
Đọc đến đây sẽ có anh chị nói rằng: “Vậy thì chúng ta sẽ kiếm tiền để tồn tại và xây dần hệ thống”. Vâng và điều này chính là điều tôi muốn nói. Chúng ta sẽ triển khai dần dần. Nhưng khi triển khai dần dần có thể sẽ có thành viên không đợi được.
Với những ai lựa chọn phương án 2, tôi xin đồng cảm. Vì tôi cũng lựa chọn phương án này. Tôi tin, ai cũng có “Tài” và họ có thể có tài ở một điểm nào đó. Ở trường hợp này, những thành viên core team yên tâm để cống hiến cho mục tiêu chung với sự tin tưởng vào các thành viên khác.
Cũng như ở trên, chúng ta cũng sẽ cần phải xây dựng Hệ thống Quản trị Nhân sự để giúp công việc tốt hơn. Nhưng hệ thống Quản trị Nhân sự này không giống như trên chúng ta sẽ tập trung nhiều hơn vào việc làm thế nào để thúc đẩy công việc. Hệ thống của chúng ta sẽ là:
- Sơ đồ tổ chức
- Mô tả công việc
- Quy trình thực hiện công việc
- Tài liệu đào tạo công việc
- Hệ thống đánh giá công việc
- Nội quy/ nguyên tắc làm việc
Ai theo phương án này thì nên quyết liệt, đưa ra các thử thách và liên tục tái cấu trúc lại nhóm, loại bỏ các thành viên không có năng lực nhân sự lõi chung.
Những công ty khởi sự chỉ với 1 người và những người khác chỉ làm thuê, họ thường theo phương án 2 nhưng theo tôi thì nên xây hệ thống Quản trị Nhân sự theo phương án 1. Chúng ta đã có những người giỏi và chúng ta cần có chất keo dính mọi người vào. Không gì tốt hơn chính là văn hóa.
Tự nhiên đầu óc tôi lại hiện ra một bài viết của ai đó bàn về việc thuê (tuyển) nhân viên trong giai đoạn khởi nghiệp ban đầu. Startup tuyển người “tài” hay “đức”? Tôi cũng sẽ có quan điểm riêng. Hẹn gặp anh chị em trong bài viết tới.
Chia sẻ của Nguyễn Hùng Cường
Đọc thêm các bài khác trong Series bài viết “Kiến Thức Quản Trị Nhân Sự – Kỹ Năng Tuyển”