Ba năm trước, những sinh viên khoa Ngoại ngữ, Đại học Công nghiệp TP HCM thường thấy cậu bạn Bùi Hữu Nghĩa xuất hiện trên mạng xã hội với những bài đăng bán hàng. Ai cũng tưởng cậu đang tập buôn bán. Khi lên năm hai, họ không thấy người bạn đi học nữa.
“Người xung quanh có thể chỉ biết mình nghỉ vì lý do gia đình, thực tế mình quyết định gap year một năm để kinh doanh”, Nghĩa, 22 tuổi, chia sẻ.
Ý tưởng gap year đến khi Nghĩa bắt đầu bán quần áo trên các sàn thương mại điện tử được ba tháng. Số đơn tăng đều, tháng đầu 30 đơn, tháng thứ hai 50 đơn. Cậu sinh viên cảm nhận công việc này có tiềm năng phát triển nhưng cũng tự thấy không thể vừa học vừa làm như thế này.
Vốn khởi nghiệp chỉ có 11 triệu đồng
Nghĩa biết muốn có lãi phải có nguồn hàng ổn định và giá rẻ từ xưởng gia công. Những ngày hè 2019, chàng trai chạy chiếc xe cub 50 của bố khắp các chợ đầu mối, hơn 20 xưởng sản xuất. Nhưng ở đâu Nghĩa cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Nơi có sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phù hợp thì yêu cầu đặt hàng số lượng lớn. Nơi chấp nhận số lượng nhỏ, giá rất cao hoặc chất lượng kém. Mọi thứ bế tắc. “Một số người khuyên mình nhập hàng Trung Quốc. Mình xua ngay ý định đó vì nước mình có thế mạnh dệt may sao không tự làm”, Nghĩa nói.
Sau hai tháng lăn lộn, may mắn cũng đến. Nghĩa gặp được một chủ xưởng may ở quận Tân Bình, là cựu sinh viên cùng trường, đồng ý nhận các đơn hàng nhỏ với giá như kỳ vọng.
Nghĩa bắt tay vào xây dựng thương hiệu thời trang của riêng mình, nhắm đến phân khúc bình dân. Shop có mặt trên cả 4 sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam. Khi đầu vào và đầu ra ổn, cũng là lúc chàng trai phải làm việc lên đến 16 tiếng mỗi ngày. Sau này cậu thuê thêm nhân viên, có thời điểm cần 7 nhân viên giúp đóng gói và vận chuyển hàng. Cuối năm 2019, khi tổng kết doanh thu, Nghĩa rất bất ngờ khi biết mình lọt top 200 nhà bán hàng có doanh thu trên 250 triệu đồng mỗi tháng.
Tổng hợp và chia sẻ của Minh Tâm