Thưa các bạn, Công ty của tôi đã thành lập được 7 năm, nhưng trong 7 năm đó thì hầu hết tôi làm rất nhiều việc, ngay cả lau nhà, lau cầu thang, bê hàng, lập kế hoạch, lên chiến lược, tìm nhà cung cấp, tìm sản phẩm thay thế, nghiên cứu thị trường…
- Có bao giờ nhân viên của bạn dặn trước quên sau?
- Có bao giờ nhân viên của bạn được đào tạo, nhưng vẫn ko làm được hoặc làm không được tốt việc đã giao?
- Bạn phải làm thay công việc của nhân viên thường xuyên?
- Và có cho họ đi học bên ngoài, nhưng năng suất làm việc vẫn kém?
Ôi kể ra chắc phải 2 tờ giấy đôi về những việc mà CEO phải làm từ A->Z như thế.
Tôi tin chắc rằng, nếu doanh nghiệp của bạn chuyên kinh doanh hoặc sản xuất về sản phẩm thì hầu hết trong 5 năm đầu tiên bạn sẽ giống tôi (còn mảng dịch vụ thì ít hơn).
Tuyển nhân viên vào thì hầu hết mấy em chỉ làm được đúng một việc, hoặc thêm một ít việc khác thì bắt đầu nghĩ tới lợi ích riêng và đôi khi từ chối một cách thẳng thắn.
Âu cũng là điều dễ hiểu, vì họ luôn nghĩ “Công ty thuê tôi về để tôi làm việc đó mà, sao tôi lại phải làm thêm mà không có phù lao chứ?”
Thưa các bạn, thường những nhân viên có lối tư duy và suy nghĩ như vậy thường rất ít có khả năng làm lãnh đạo và rất ít trong số đó thành công rực rỡ về sự nghiệp sau này, họ chỉ giỏi ở bộ phận chức năng và khó đạt đỉnh cao trong sự nghiệp quản lý.
Những bạn có tố chất quản lý cấp trung và cấp cao thường là những người làm việc rất chăm chỉ, hiệu quả và ko nề hà khi cấp trên giao thêm việc.
Họ luôn biết khả năng và nhận công việc một cách nhiệt tình, tất nhiên họ biết điểm dừng.
Bản thân tôi cũng vậy, khi mới ra trường, tôi chưa bao giờ đòi hỏi cấp trên hoặc cty phải tăng lương cho tôi khi tôi không hoàn thành nhiệm vụ, mà tôi còn nhận thêm nhiều việc không lương để tôi có thêm kinh nghiệm.
Tôi làm việc ở công ty có khi tới 9h-10h đêm tôi mới về, ít khi tôi về sớm… hồi đó internet ko có và ko rẻ như bây giờ, việc ở lại công ty giúp tôi có thêm thời gian tìm hiểu chuyên môn, kỹ năng và kiến thức khi tiếp cận internet.
Quay trở lại các câu hỏi ở trên, khi bạn có doanh nghiệp, bạn thuê đội ngũ nhân viên để hỗ trợ, làm sao để đặt họ đúng vị trí và làm công việc được hiệu quả nhất?
Tôi thực sự rất mệt mỏi vì nhân sự không chuyên tâm hoặc làm không hiệu quả, lỗi thường xảy ra liên tục… khi tìm hiểu ra thì do mình thiếu quy trình hệ thống tổ chức doanh nghiệp (vấn đề này tôi sẽ chia sẻ ở các chủ đề sau).
Nhưng cốt lõi không phải ở quy trình mà đầu tiên ở yếu tố con người, khi bạn tuyển người về công ty bạn, việc của bạn là phải nhìn xem người vào làm việc cho bạn thuộc cấp độ nào trong 4 cấp độ sau đây (hình đính kèm), đây là việc hết sức quan trọng để bố trí đúng người đúng việc và việc của bạn phải đào tạo, hướng dẫn, kiểm tra và nâng cấp họ từng ngày.
Cấp độ 1:
- Những người không biết mình – không biết gì. Rất nhiều người thuộc nhóm này, họ xin đi làm nhưng họ cũng ko biết thế mạnh của họ là gì, cũng ko biết mình nên làm gì, thấy công ty đăng thì cứ apply hồ sơ đi phỏng vấn…
- Những người này khi vào công ty của bạn thì việc bạn cần làm là phải có bộ nghiệp vụ chi tiết để họ làm cho chuẩn xác theo đúng như những gì bạn mong muốn, bạn thường xuyên kiểm tra và đôn đốc thì họ mới làm tốt được.
=> Tóm lại, họ là nhóm người cần phải có người dẫn dắt tỉ mỉ.
Cấp độ 2:
- Nhóm người biết mình, không biết gì. Đây là nhóm người biết khả năng của mình, nhưng họ lại không biết làm gì, không mục tiêu, không định hướng, không đam mê….nhóm này tôi thấy khá đông và có rất nhiều bạn sinh viên rơi vào nhóm này.
- Đây là nhóm người có học thức nên họ thường có khả năng tự tìm tòi học hỏi và cũng rất cần người định hướng dẫn dặt ban đầu.
- Bạn là nhà lãnh đạo (quản lý) thì cần nhìn nhận và sắp đặt đúng vị trí, trong công việc thì nên tạo áp lực một chút để họ thay đổi, đồng thời cho họ thêm kinh nghiệm cũng như vinh danh thì kết quả đạt được cũng khá tốt.
Cấp độ 3:
- Ứng dụng cái đã biết để tạo giá trị. Đây thường là nhóm người có năng lực quản lý cấp trung, hoặc là các trưởng nhóm cả về kinh doanh lẫn sàn xuất.
- Họ thường là người có kinh nghiệm bươn trải và đúc kết trong quá trình lao động, họ có thể nhân bản và tạo giá trị cao hơn, có sự sáng tạo trong công việc…
- Là nhà lãnh đạo thì bạn cần biết trọng dụng những người này vào hệ thống quản trị của công ty để giúp công ty có thêm sản phẩm mới hoặc phương pháp kinh doanh mới hiệu quả và năng suất hơn.
Cấp độ 4:
- Tự nhân thức. Đây là cấp độ nhận thức cao nhất của con người. Những nhóm người này có tính tự chủ cực cao, họ có thể tự nhận thức được mọi thứ thay đổi xung quanh, họ có thể điều tiết điều hướng tốt trong cả cuộc sống lẫn tổ chức.
- Họ có nhiều sáng kiến mới và tạo bước đột phá lớn trong tổ chức. Thường những người này là những vị Giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT…họ là thành tố quan trọng giúp công ty có thể trường tồn hay không…đều nằm ở cấp độ này.
- Bạn là chủ doanh nghiệp, việc của bạn là phải thuê được những vị này về làm thay cho bạn thì lúc đó doanh nghiệp hoặc công ty mới phát triển mạnh mẽ hoặc bạn sẽ phải là chính họ.
Chúc các bạn thành công nhé.
Chia sẻ của Dũng Nguyễn Xuân từ Phát Triển Doanh Nghiệp Việt