Mục lục
Bài #8 của series bài viết “Top 8 Bài Học Vỡ Lòng Về Khởi Nghiệp Giành Cho Startup Khi Mới Bắt Đầu“
Sau khi đã viết xong 1 bản phác thảo mô hình kinh doanh, lẽ dĩ nhiên để biết nó khả thi hay không thì ta sẽ đem thử nghiệm nó ra thị trường với 1 quy mô vốn nhỏ, trước khi làm lớn, nếu đạt được KPI của chỉ số đã đề ra trong mô hình kinh doanh tinh gọn thì chúng ta mới bung ra làm lớn. (Xem lại bài 7).
Oái ăm, lỡ sau khi test thấy ổn, nhưng bung ra mở Doanh Nghiệp làm thật lại không đủ vốn thì sao??? Kiểu test thử bằng xe lưu động để kiểm chứng phản hồi người dùng về cafe do bạn sản xuất, tới lúc cần mở quán cafe nghiêm túc thì không đủ vốn, phải mệt không.
Do đó, chúng ta cần 1 bước đệm là đánh giá lại mô hình đã phác thảo trước khi đem ra test nhé. Nếu đã không khả thi về nguồn lực ngay từ trên giấy thì thôi bỏ luôn khỏi test đỡ tốn tiền.
Trước hết, chúng ta cần biết để mở một mô hình kinh doanh thì chi phí sẽ được phân bổ theo những hạng mục dưới đây
Giấy phép đăng kí, khoản tiền cho dịch vụ đăng kí kinh doanh
Tuỳ thuộc vào mô hình kinh doanh hoặc khu vực mà bạn định mở mô hình này, bạn có thể phải bỏ một khoản chi phí cho việc đăng kí kinh doanh ban đầu. Khoản phí này không quá lớn và thường ít đem lại phiền toái nhất cho chủ mô hình.
Tuy nhiên, Một số mô hình và ngành nghề đặc thù cần 1 lượng vốn ký quỹ tại ngân hàng, 1 số ngành thì chi phí xin được giấy phép rất tốn kém, thậm chí không xin được vì khu vực đó đã quy hoạch đủ số lương mô hình của bạn rồi, như bida, karaoke, bar…
Nguồn hàng (nguồn cung)
Bạn thành lập một mô hình kinh doanh nào? Giả sử bạn hướng tới kinh doanh cửa hàng ăn, bạn phải cần chi phí để nhập hàng sau đó chế biến và bán cho khách hàng. Chi phí này sẽ duy trì theo các tháng vì cần nhập hàng mới liên tục để duy trì kinh doanh. Trong ngành thương mại, vốn nhập hàng cực kỳ quan trọng. Thiếu là mô hình tắc nghẽn ngay.
Trang thiết bị
Bạn có cần máy tính cho mô hình kinh doanh của mình? Những phụ phí về phần mềm, bàn ghế cũng trở thành chi phí bạn cần đầu tư ban đầu. Ví dụ mở trung tâm giáo dục thì chi phí bàn ghế, máy tính, tivi, bảng là không ít nhé.
Chi phí địa điểm
Tất nhiên bạn cần địa điểm cho mô hình của mình hoạt động, địa điểm là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc quyết định sự thành bại của mô hình nên đừng vì tiết kiệm chi phí mà bỏ đi cơ hội thành công trong tương lai.
Bí quyết là lưu ý tới traffic lưu thông, rất quan trọng mà ở những bài trước H đã đề cập. Thường nên dự trù ít nhất 6 tháng và chi phí decor ban đầu và 1 khoản dự phòng (đề phòng phát hiện decor không ổn thì còn có tiền mà sửa)
Chi phí vận hành
Số tiền bạn cần chi trả cho các hoạt động của mô hình kinh doanh, phần lớn trong con số này sẽ được dành cho marketing ban đầu. Đối với những mô hình mới thành lập, thương hiệu còn lạ, ngành cạnh tranh cao, chi phí marketing có thể chiếm tới 20 tới 30% tổng chi phí đầu tư ban đầu, nếu quá ít bạn sẽ khó tồn tại được vì không ai biết đến bạn cả.
Nhân sự, đối tác…
Bạn có thể làm được mô hình kinh doanh một mình không? Nếu có, xin chúc mừng vì bạn đã giảm được một trong số những loại hình chi phí lớn nhất, mặc dù vậy nếu như bạn muốn mở rộng mô hình của mình, việc bỏ ra một phần chi phí cho đội ngũ nhân sự là vô cùng cần thiết.
Chi phí pháp lý, các loại phụ phí khác
Giả sử bạn cần thuê luật sư để hợp thức hoá các hoạt động của mô hình kinh doanh hoặc sử dụng tiền đi “cửa sau” với một số tổ chức khác, đây sẽ là khoản chi phí giúp cho việc kinh doanh của bạn thêm phần tiện lợi.
Bạn đã xem xong những chi phí cần thiết cho một mô hình kinh doanh mới rồi phải không?
Tới đây bạn sẽ buộc ra quyết định, hoặc là xem xét lại điều chỉnh mô hình, hoặc test trực tiếp ra thị trường vì thấy bản thân đã hội tụ đủ nguồn lực.
Vậy điều chỉnh lại mô hình như thế nào cho phù hợp???
Giảm bớt giá trị cung cấp đến khách hàng
Miễn sao dù giảm bớt, nhưng những giá trị còn lại vẫn đủ sức cạnh tranh với đối thủ là được.
Ex: Việc châm trà đá ở 1 số quán cafe dẫn đến hao tốn nhiều nhân sự. Có nơi thay thế bằng các máy nước nóng lạnh và ly nhựa, KH cần thì tự ra rót và đem về bàn cũng là 1 giải pháp.
Bạn có thể giảm thiểu những nhu cầu của mô hình kinh doanh, bạn không cần tới máy tính hay những phần mềm chuyên dụng? Bạn có thể cắt bỏ chi phí này. Bạn không cần thuê nhà do có thể sử dụng quan hệ để kiếm được căn nhà miễn phí? Quá tốt vì bạn đã có địa điểm kinh doanh cho bản thân…
Hoặc giảm thiểu nhu cầu theo đề mục hoặc bạn có thể giảm thiểu chi phí chi cho từng đầu mục nhất định (ví dụ tìm nhà giá thành rẻ hơn, nguồn cung nguyên vật liệu chi phí thấp hơn…), đừng quá lo về những khoản chi phí bị cắt bỏ, bạn có thể quay lại đầu tư chúng sau khi mô hình kinh doanh hoạt động ổn định hơn.
Tất nhiên, có một số khoản chi phí bạn không thể cắt bỏ nên hoặc tập trung đầu tư mạnh vào những đề mục này để tăng hiệu quả hoặc tái định hướng, cắt giảm chi phí để tối ưu hoá lợi nhuận.
Bạn cần định hướng kĩ càng mô hình kinh doanh của mình vì thật sự có rất nhiều thứ bạn không cần đến nhưng bạn vẫn “tưởng” rằng mình cần, và oái ăm là KH cũng không chịu bỏ thêm tiền cho bạn đâu, thậm chí bạn lên giá họ còn khó chịu nữa là. Đừng ngại ngần cắt giảm các khoản chi, trang thiết bị không cần thiết vì bạn đâu có cần đến chúng.
Mỗi giá trị cắt bớt, sẽ cắt được nhiều hoạt động không cần thiết, giảm nhiều nhân sự và nguồn lực từ đó kéo theo chi phí vận hành giảm.
Chia nhỏ lộ trình ra xây từ từ
(Startup có thể đi theo kiểu này)
Sau khi xem xong các đề mục đầu tư phía trên, bạn có thấy rằng mình không cần có tất cả những thứ đó để đưa mô hình vào hoạt động? Nếu bạn chưa thấy thì giờ bạn đã biết rồi đó, bạn không cần có đủ các thành phần để hoạt động mô hình kinh doanh. Ex: bạn có thể outsource việc ship hàng cho các bên loggistic, có thể tự gánh việc marketing và nhập hàng, chỉ setup đội ngũ tư vấn và chốt đơn trong 6 tháng đầu.
Thay vì đầu tư toàn bộ các thành phần khác nhau, bạn có thể định hướng mô hình kinh doanh của mình từ đó tập trung đầu tư mạnh vào những yếu tố cần để mô hình có thể hoạt động.
Hướng đi này cũng sẽ giúp bạn nhẹ đầu hơn trong quá trình tính toán chi phí, thuế hay kiểm tra sổ sách, mặc dù vậy bạn sẽ phải bỏ thêm thời gian bù đắp các thành phần còn lại trong tương lai (khi mô hình đã hoạt động).
Đây giống với câu nói “sướng trước khổ sau” khi mà giai đoạn đầu hết sức nhàn nhã trong khi đó khi mô hình bắt đầu phát triển, thay vì định hướng cho tương lai, bạn phải quay lại bổ sung những gì còn trống.
Khoảng thời gian bắt đầu bổ sung là khi mô hình kinh doanh bắt đầu có kết quả, không cần quan tâm là lỗ hay lãi, khi có doanh thu bạn vẫn nên bỏ một phần để đầu tư tiếp cho tương lai.
Và xây lộ trình cũng giúp các startup an toàn hơn trong phát triển mô hình đi vào ổn định do các bạn vẫn còn chưa có kinh nghiệm nhiều về điều hành, tăng trưởng nóng quá rất dễ chết khi mô hình vẫn chưa ổn định.
Vậy, hãy thẩm định lại lần nữa mô hình của mình, xem có những yếu tố “giá trị, hoạt động tạo giải pháp, nguồn lực” nào đang bị dư thừa và lãng phí không nhé, để tối ưu lại mô hình trước khi nghĩ tới scale up để làm lớn kẻo không có đường lùi nha.
P/s: Xưa làm tập làm văn, dở là bị cô bắt làm lại, vậy sao mô hình kinh doanh không phù hợp, chúng ta không viết lại để kinh doanh tốt hơn???
Chia sẻ của Nguyễn Tuấn Hùng
Đọc thêm các bài khác trong Series bài viết “Top 8 Bài Học Vỡ Lòng Về Khởi Nghiệp Giành Cho Startup Khi Mới Bắt Đầu”
- Bài 1: Tôi Nên Khởi Nghiệp Gì Khi Mới Vào Đời?
- Bài 2: Khởi Nghiệp Chọn Ngành Gì?
- Bài 3: Khởi Nghiệp, Đâu Là Nơi Tôi Tỏa Sáng?
- Bài 4: Làm Gì Khi Không Thể Tìm Ra “Phân Khúc Thị Trường” Để Có Thể Nắm Phần Thắng Trong Tay?
- Bài 5: Khởi Nghiệp, Lựa Chọn Khách Hàng Mục Tiêu Và Hiểu Rõ Khách Hàng Mình Phục Vụ
- Bài 6: Suy Nghĩ Và Xây Dựng Giá Trị Mang Đến Cho Khách Hàng Ngay Từ Khi Bắt Đầu
- Bài 7: Phác Thảo Mô Hình Kinh Doanh Để Phân Tích Và Thử Nghiệm Giá Trị Cung Cấp Cho Khách Hàng