Thật ra ai ra khởi nghiệp mà không muốn xây dựng cho mình một cái gì đó to to, lớn lớn. Đâu có ai muốn mình lẹt đẹt, nhỏ bé hoài đâu.
Nhiều người đi học đủ các loại lớp dạy về khởi nghiệp, về kinh doanh, về đủ các bài bản để một doanh nhân cần có rồi sau đó mới bắt tay vào làm và… Thất bại.
Có người khác lại chỉ là một người ít học, nhưng những gì họ biết đem áp dụng hết vào công ty họ vừa thành lập thì thành công. Đến khi có tiền rủng rỉnh thì đem tiền đó đi học đủ các lớp, đem về áp dụng vào doanh nghiệp mình thì thất bại đến trắng tay.
Sự đời đâu phải cứ muốn là được. Có người có khả năng thế này, người khác có khả năng khác, nên có người dù có muốn và cố hết sức cũng không thể làm lớn được nhưng họ vẫn đam mê kinh doanh.
Và vậy là cứ phải ra kinh doanh thôi, chuyện lớn hay nhỏ để sau, cứ làm và kiếm tiền đã, công ty nhỏ bé nhưng hiệu quả thì tốt cho xã hội và cũng cần khuyến khích như những công ty to lớn và tạo nhiều công ăn việc làm khác. Dân có giàu thì mọi thứ sẽ tốt hơn.
Em trai tôi từng là Giám đốc xưởng, GM, CEO cho nhiều công ty lớn có nhỏ có ở nhiều lĩnh vực khác nhau, sau ít năm kiếm được chút ít tiền thì em chán phải làm theo ý người khác nên ra riêng. Nhưng việc quản lý công ty 500-700 người có sẵn của người ta đôi khi khác nhiều so với công ty của mình chỉ mấy chục người.
Em thành lập doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, đúng hơn là một mảng nhỏ của xây dựng. Lúc mới thành lập công ty, cũng có chút ít tiền nên em đầu tư vào nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị và nhất là con người.
Một đội xây dựng hàng chục người, máy móc trang thiết bị trang bị hàng trăm triệu đồng. Làm được gần 2 năm thì nhân viên ra đi, máy móc hư hỏng, khấu hao, nhà xưởng người ta tăng giá…
Em ký khá nhiều hợp đồng và tính sơ qua thì có lời khá, nhưng kết cục sau khi bàn giao công trình thì lỗ. Em già đi nhanh chóng, ốm tong teo, mệt mỏi…
Em dừng lại và tìm hiểu các lý do. Thì ra do công ty mới, tuyển nhân công không thể trả lương quá cao nên chỉ có những nhân viên chưa chuyên nghiệp lắm, nội dạy họ làm cho được cũng đã ngốn khá nhiều thời gian và sự hư hỏng của máy móc.
Chưa kể là sự thiếu chuyên nghiệp của họ gây nhiều ấn tượng không tốt cho khách hàng bởi cái ngành khá đặc biệt này, rồi bảo hiểm, rồi nhân viên đòi tăng lương.
Rồi máy móc, do công trình rải khắp nhiều tỉnh thành nên mỗi nơi lại phải đầu tư máy móc, xong công trình thì nội chi phí vận chuyển cũng đã ngốn khá tiền, chưa kể là máy móc do nhân viên chưa chuyên nghiệp sử dụng nên hư hỏng thường xuyên.
Rồi nợ dài hạn của doanh nghiệp, nhất là các công trình làm cho nhà nước thì họ kéo thôi rồi luôn. Em quyết định bỏ hết, làm lại.
Đầu tiên là chọn 3 cậu nhân viên xuất sắc nhất để lại trả lương cao, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn đầy đủ, cho đi học các chứng chỉ chuyên môn… Trả nhà xưởng. Máy móc đem về nhà cất hết.
Em mời 3 công ty chuyên về thi công tới bàn bạc và thông nhất ký hợp đồng thuê họ làm cho tất cả các công trình của mình. Hợp đồng thống nhất chỉ giám sát kỹ từ giám đốc đến đội trưởng của các công ty đó thôi.
Nhân viên làm sai họ phải chịu trách nhiệm và bị trừ tiền. Các lớp an toàn, chuyên môn… các công ty đó có nhiệm vụ lo cho công nhân họ.
Rồi em giao cho 2 cậu nhân viên quản lý các công trình, cậu còn lại cùng với em giao dịch tìm tìm thêm hợp đồng. Em thuê một công ty kế toán lo mảng đó và thuê một cô bé lo giấy tờ.
Đơn giản hoá mọi thứ hết sức có thể. Năm đầu tiên lãi sau thuế khoảng 2 tỷ, năm thứ 2 lên 4 tỷ.
Sau công trình nhiều thêm, em chỉ tuyển thêm quản lý dự án và nhân viên làm giấy tờ, chọn thêm 2 nhà thầu nữa và cứ thế công việc thuận lợi và đỡ nhức đầu hơn nhiều.
Vài 3 tỷ lợi nhuận đối với nhiều doanh nghiệp chẳng là gì, nhưng với 4-5 người mỗi năm là cả vấn đề đáng để bàn chứ nhỉ?
Chia sẻ của Tri Quang La