Công Phượng được đưa qua đá ở Bỉ. Đoàn Văn Hậu có hợp đồng với một đội bóng Hà Lan.
Tuy nhiên, cả hai cầu thủ xuất sắc của Việt Nam lại cứ như người thừa ở các đội bóng châu Âu. Công Phượng từ chỗ ngồi ghế dự bị liên tục, giờ đã bị HLV đội Sint -Truidense của Bỉ gạt khỏi cả danh sách đăng ký (tức không có tên cả trong thành phần dự bị).
Tình hình ra sân chính thức của Văn Hậu cũng không mấy sáng sủa. Anh liên tục phải ngồi ghế dự bị và chỉ mới một lần duy nhất được tung ra sân ở phút 89 trong một trận đấu mà đội Heerenveen của anh đã chắc thắng 2-0 trước một đội bóng dưới cơ.
Thời gian thi đấu quá ít, dường như chỉ là chút động viên mà HLV dành cho Văn Hậu chứ không thể nói là một sự tin dùng, dù rất ngắn ngủi.
Nhiều người có thể nghĩ, vậy thì các cầu thủ Việt Nam sang châu Âu làm gì? Đi sang đó, ngồi ghế dự bị suốt thì chỉ có thui chột, và còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh bóng đá quốc gia? Tôi không nghĩ vậy!
Nếu có một cách nhìn toàn diện hơn, bạn sẽ thấy những cầu thủ Việt Nam được đầu quân cho những đội bóng đẳng cấp Châu Âu là điều vinh dự và may mắn.
Tuy không được ra sân chính thức, nhưng họ có điều kiện được tập luyện, tranh chấp, chạy đua, cản phá, sút bóng, kèm hay bị kèm liên tục với các cầu thủ đẳng cấp châu Âu.
Nhờ đó mà kỹ năng, thể lực, tư duy chiến thuật, tầm quan sát trên sân được cải thiện. Họ cũng có cơ hội trải nghiệm cách thức dẫn dắt của những HLV giỏi của các nền bóng đá tiên tiến, làm quen với tác phong sống và làm việc chuyên nghiệp của những cầu thủ đẳng cấp, và học hỏi được rất nhiều.
Ra sân được thì tốt, nhưng nếu không được ra sân thi đấu chính thức, quãng thời gian họ sinh sống, tập luyện với những cầu thủ có đẳng cấp không thể nói là thừa, mà trái lại, là vô cùng quý giá.
Họ sẽ trưởng thành từ đó, và khi về nước, họ sẽ cơ may thi đấu ở đẳng cấp cao hơn.
Từ bóng đá, liên tưởng tới kinh doanh. Rất nhiều công ty, nhất là những công ty lớn, tìm cách đưa hàng vào kênh “modern trade” (kênh hiện đại, như siêu thị, shopping mall, department store, cửa hàng tiện lợi…), hay kênh HORECA (Hotel, Restaurant, Café).
Cho dù doanh số bán ra ở những kênh này là rất thấp, thậm chí không đáng kể, thì sự hiện diện của những sản phẩm của công ty ở đó cũng rất quan trọng.
Nó vừa có tác dụng quảng cáo, quảng bá hình ảnh, vừa có tác dụng kích thích tiêu dùng (người tiêu dùng thấy sản phẩm ở siêu thị, họ có thể ra chợ hay các tiệm tạp hóa để mua với giá rẻ hơn chút đỉnh).
Người tiêu dùng thường tin rằng sản phẩm đã có mặt ở siêu thị, được “sánh vai” với các thương hiệu toàn cầu, ắt là sản phẩm có uy tín.
Do vậy, nếu muốn phát triển kinh doanh ở quy mô lớn, bạn bắt buộc phải đầu tư vào kênh hiện đại, phải đưa hàng vào đó và trưng bày thật nhiều lên để khẳng định “đẳng cấp” và uy tín, để cho chúng “sánh vai” với các thương hiệu mạnh.
Cho dù đây chỉ là kênh “dự bị” vì nó không tiêu thụ được nhiều so với kênh truyền thống (chợ, tạp hóa, căn-tin…), bạn cũng không nên bỏ qua kênh này.
Sau Văn Hậu, Công Phượng, tôi tin, nhiều cầu thủ Việt Nam cũng sẵn sàng đầu quân cho các đội bóng châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…, dù biết rằng sang đó có thể phải ngồi ghế dự bị suốt.
Một cách nhìn toàn diện sẽ giúp chúng ta ra những quyết định thoạt nhìn rất vô lý, nhưng về toàn cảnh sẽ rất có lý. Bạn đồng ý không?
Chia sẻ của Long Nguyen Huu