Sắp tới dịp họp lớp 10 năm ra trường khoa Điện trường ĐHBK, tôi ngồi lại với mấy ông bạn cùng khóa kể về chuyện lập nghiệp mà dở khóc dở cười.
Tôi có ông bạn khá thân cũng có máu làm ăn, ra trường không chịu nổi cảnh ngồi máy tính 8h/ngày nên vay vốn đi làm ăn. Thời chúng tôi còn ngồi cặm cụi coding, ảnh hay hẹn ra cafe, đi xe sang và chìa tấm danh thiếp giám đốc tổ chảng. Sau mấy năm không gặp, hỏi lại thì giờ ảnh đã quay lại đi làm công để trả nợ. Trước làm ăn lớn rồi thất bại, nên cục nợ ước tính khoảng 40 tuổi sẽ trả xong. Khi nào trả xong sẽ lập gia đình.
Tôi lại có ông bạn rất cần cù đang giữ vị trí quản lý trong một tập đoàn nước ngoài. Mới ngồi cafe được 30p, ảnh đã kiếu xin về để chạy deadline. Hỏi ra mới biết, để nhanh thăng tiến, ảnh cày việc 12h/ngày. Dự án làm 1 năm, ảnh cố gắng cày đêm để hoàn thành trong 9 tháng. Sếp cứ nghĩ ảnh giỏi nên tạo điều kiện thăng tiến và giao nhiều việc hơn. Đến giờ thì giữ vị trí cao nhưng gần như không có thời gian cho bản thân.
Ông bạn khác của tôi lập gia đình khi mới ra trường, rồi sau đó có cháu đầu liền tay. Đến nay nhà ảnh đã 2 cháu, đứa lớn cũng chuẩn bị hoàn thành tiểu học. Lập gia đình và có con sớm cũng hay. Nhưng ổng cũng hay tâm sự là giờ muốn làm ăn gì cũng không dám, vì gánh kinh tế gia đình nặng quá, nên thôi dù cũng có chí làm ăn nhưng phải ráng bấu víu việc công ty, sau này con cái lớn rồi mới tính tiếp.
Thôi thì mỗi người mỗi cảnh… Nhưng đúng là đôi khi quyết làm cái này cái kia nhanh một vài năm, đôi khi lại khiến mình chậm cả đời.
Ngẫm lại chuyện cá nhân, tôi thì ngần ấy năm ra trường cũng là ngần ấy năm làm kỹ thuật, và cũng gần ngần ấy năm vận hành doanh nghiệp riêng. Đi làm gần 5 năm tôi mới lập gia đình, rồi cũng hơn 3 năm sau mới có cháu đầu, đến giờ vẫn chưa có cháu thứ 2. Bạn bè hỏi giờ làm đến vị trí nào, tôi cũng chỉ cười bảo “vẫn làm kỹ sư bình thường”, hỏi kinh doanh lớn đến đâu, tôi vẫn nói là “đang phát triển tiếp”. Mấy đứa bạn cũng ngạc nhiên, bởi biết tôi không phải là một thằng dở (hồi sinh viên, luận văn tốt nghiệp tôi làm xong còn nhảy qua làm phụ tụi nó).
Thẳng thắn mà nói, tôi thuộc tuýp người muốn làm đến đâu chắc đến đó, bất cứ việc gì tôi làm đều phải có lý do rõ ràng, cũng như mục tiêu lâu dài. Hiển nhiên, cái gì muốn chắc chắn thì đều cần có thời gian, đôi khi nó khiến tôi lập nghiệp chậm hơn bạn bè ở hiệp 1, nhưng lại nhanh hơn tất cả khi bước vào hiệp 2. Bạn thân mến, nếu bạn cũng là người mong muốn tìm một sự nghiệp vững chắc, dưới đây là 3 quan điểm về lập nghiệp của tôi
Về công việc chuyên môn: tập trung nâng cao hiệu quả hơn là cố gắng kéo dài thời gian làm. Người ta hay nói “bận rộn là thước đo của sự thành đạt”, nhưng với tôi bận rộn là một vấn đề cần giải quyết. Mỗi khi thấy mình bắt đầu trở nên bận rộn với công việc, tôi biết rằng mình đang làm không hiệu quả ở một việc nào đó và tìm cách khắc phục. Nhờ đó, tôi tránh được những chuỗi ngày làm thêm giờ để chạy deadline như chúng bạn, từ đó có thêm thời gian để tiếp tục phát triển năng lực cá nhân.
Về kinh doanh: bắt đầu từ nhỏ, xây dựng nền tảng để đi lên. Kinh doanh xét cho cùng cũng là 1 nghề, muốn thạo nghề phải trải qua một quá trình học, làm việc và rút kinh nghiệm. Kinh doanh lớn không đến từ đầu tư lớn, mà nó bắt nguồn từ chính năng lực của người vận hành doanh nghiệp. Do đó, với một người bắt đầu từ Zero như tôi, tôi xác định phải cần 5 năm để bản thân trưởng thành, và cũng cần 5 năm kế tiếp để hoàn thiện nền tảng doanh nghiệp.
Về các mối quan hệ: chiều sâu luôn quan trọng hơn chiều rộng. Chất lượng cuộc sống phụ thuộc chất lượng các mối quan hệ, giống như trong 5 lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời của thầy Giản Tư Trung (chọn lẽ để sống, chọn người để lấy, chọn việc để làm, chọn thầy để học, chọn bạn để chơi), thì 3 trong số đó đến từ việc lựa chọn đúng mối quan hệ. Do đó, mặc dù là một người cởi mở, nhưng tôi luôn có tiêu chuẩn của cá nhân để lựa chọn những mối quan hệ xung quanh. Bởi vì mỗi một mối quan hệ đều cần thời gian để gầy dựng, và thời gian chính là thứ tài sản quý giá nhất của mỗi người, do đó cần biết cách dành thời gian cho đúng người, đúng việc.
Một người thầy của tôi có nói, “Cuộc đời có 3 mùa: mùa học, mùa gieo và mùa gặt. Vấn đề của nhiều người là họ kết thúc mùa học quá sớm, để rồi đến mùa gieo lại không làm hiệu quả, cuối cùng là chẳng thu được gì khi đến mùa gặt.” Đây là câu nói giúp tôi ngộ ra được nhiều điều, tôi hiểu rằng cần phải luôn kéo dài mùa học của mình, thậm chí khi đến mùa gieo cũng cần dành thời gian để học. Và tôi cũng không cần quá bận tâm mình sẽ nhận được gì ở mùa gặt, bởi tôi tin chắc khi mình học tốt và gieo tốt, chắc chắn những gì mình nhận về sẽ là hoa thơm trái ngọt.
Tôi có đang trong mùa học của mình chứ? Tôi có đang làm việc hiệu quả ở mùa gieo? Đây chính là 2 câu hỏi tôi luôn đặt cho chính bản thân mỗi khi cảm thấy bản thân bị xao nhãng khi đạt được một thành tựu mới. Tôi khuyến khích bạn đặt 2 câu hỏi này cho chính mình và nghiêm túc trả lời nó, từ đó sẽ giúp bạn định hướng tốt hơn, đi chậm hơn 1 chút, chắc chắn hơn 1 chút, để không bao giờ phải rơi vào tình trạng “nhanh một vài năm, chậm một đời”.
Cho sự thành công của bạn