Anh vốn là người thành đạt, một quan chức quản lý cấp cao của nhà nước. Gần 30 năm cống hiến cho nhà nước thì anh về nghỉ. Thích thì nghỉ ngang xương vậy chứ chả cần đợi hưu đâu vì anh mới hơn 50 thôi. Anh về khởi nghiệp.
Một doanh nghiệp vận tải biển ra đời với số vốn đăng ký 100 tỷ đồng. Riêng số tiền mặt anh bỏ ra mua 4 con tàu đã chiếm gần hết số tiền đó. Nhân sự đầu tiên là anh và 1 người bạn hiểu biết về khai thác tàu, nhưng sau khi mua tàu anh bắt đầu tuyển thêm nhiều người, chủ yếu là anh em, họ hàng ở quê khoảng 30 người.
4 cái tàu anh mua lại của nước ngoài kéo theo gần 40 nhân sự từ nước ngoài theo tàu về Việt Nam làm việc cho anh.
Anh bố trí cậu bạn cùng lý tưởng làm PGD phụ trách khai thác, 1 cậu em họ thân thiết làm PGD phụ trách chung, 1 cậu em họ khác phụ trách kỹ thuật tàu biển, phòng kế toán là cô cháu gái. Nhân sự còn lại anh bố trí vào các phòng ban và xuống các tàu để giám sát các thuyền viên người nước ngoài.
Công ty chạy khá êm khoảng 12 tháng đầu, với các đối tác hàng hóa từ các chủ tàu cũ của mấy con tàu anh mua giới thiệu để anh tiếp quản, công ty anh có lãi khá lớn. Bắt đầu tháng thứ 13, khi công việc vào guồng thì nhân sự bắt đầu có những trục trặc.
Tàu hỏng hóc, dù nhỏ tất cả đều được bộ phận kỹ thuật giám sát chặt chẽ và lên tàu sửa chữa cho dù tàu ở bất cứ đâu, kể cả ở nước ngoài. Trong khi hầu hết các nhân viên kỹ thuật lại không biết tiếng Anh nên luôn xung đột với thuyền viên người nước ngoài.
Bắt đầu cũng có những ý kiến về việc bộ phận phụ trách chung chịu trách nhiệm về mua vật tư cung cấp cho tàu không giống như những thông số mà phòng kỹ thuật cung cấp… Tàu hỏng hóc thường xuyên hơn.
Nếu như trước kia có thể chạy 10 hải lý/giờ thì giờ chỉ được 5 hải lý/giờ. Nhân viên Việt Nam với nhân viên nước ngoài ở dưới tàu thay vì chia sẻ, tìm hiểu, thông cảm thì lại giống kiểu 1 ông cảnh sát đang giám sát ông kia là tội phạm, trong khi lại không hiểu tiếng nhau.
Tàu chậm, tàu gặp sự cố nên đối tác dần cách xa, công việc của ông phụ trách khai thác không đảm bảo gây mất nhiều uy tín với các đối tác. Và điều quan trọng nhất là mâu thuẩn giữa các phong ban ngày càng lớn. Mỗi ngày đều họp nhưng công việc chẳng giải quyết được bao nhiêu.
Đỉnh điểm, đợt Tết rồi, trong lúc tránh gió lớn, 2 con tàu của anh mất lái bị sóng cuốn vào cạn và chìm. Trục vớt được 2 con đem về sửa chữa mất hơn chục tỷ mà chưa biết bao giờ mới đưa vào sử dụng được và sử dụng được bao lâu.
Cộng với các khoảng lãi 1 năm trước đã đổ ra biển, thì với chỉ 2 vụ chìm tàu và một số sự cố trong vòng chưa đầy 6 tháng, công ty tiêu tốn thêm hơn vài chục tỷ. Với tình hình tàu đã bắt đầu cũ do bảo dưỡng kém bởi các bên lo cãi nhau thì số tiền mình nghĩ phải bỏ ra cũng tốn thêm vài chục tỷ nữa những con tàu này mới có thể chạy lại như trước.
Đi cùng anh xem mấy con tàu đậu ở cảng, nhìn rách nát như tương so với các con tàu mình thuê của nước ngoài cùng tuổi thấy mà xót.
Anh bảo, có thể do anh tính sai đường là mua lại tàu cũ, nhưng mình bảo cũng các con tàu cùng đợt với tàu anh, những đối tác nước ngoài vẫn đang khai thác tốt và chạy khá nhanh. Anh bảo, có thể các nhân viên của anh chưa tốt, bằng cấp dỏm…
Mình bảo sao anh không thay họ? Anh bảo lỡ lo cho họ lương hướng lâu nay rồi, vợ con họ cũng là cháu chắt mình giờ chọ họ nghỉ sẽ đi về đâu? Mình bảo vậy thì anh cứ lấy tiền làm việc thiện cho họ tiếp đi.
Đến giờ thì tất tần tật mọi việc đều đến tay anh, từ xử lý sự cố, tìm kiếm hàng hóa, mua trang thiết bị cho tàu, giải quyết các tranh chấp của nhân viên, lo lắng cho người nhà nhân viên…
Chia sẻ của Tri Quang La