Đại dịch Covid tái định hình nền kinh tế, mô hình kinh doanh và tạo ra bước ngoặt chuyển đổi trên thị trường lao động.
Theo báo cáo của McKinsey Global Institute (2021) được thực hiện với 8 quốc gia trên thế giới gồm United States, Germany, United Kingdom, China, France, Japan, Spain và India:
Sau đại dịch Covid 19, thị trường lao động sẽ chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ của các ngành nghề, trong đó, rất nhiều những ngành nghề sẽ chứng kiến sự suy giảm về nhu cầu lao động đồng thời mang lại cơ hội cho rất nhiều những ngành nghề, lĩnh vực và công việc mới.
Bản thân mỗi người lao động cần định hình lại bối cảnh, xác định lại mục tiêu nghề nghiệp và chuẩn bị những kỹ năng mới sống còn trong bối cảnh hậu Covid để thích nghi và phát triển trong thời gian tiếp theo.
Đối phó với đại dịch Covid, các doanh nghiệp cần nhanh chóng điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với những đòi hỏi mới, đặc biệt, các chính sách nhằm hạn chế dịch bệnh từ chính phủ và những yêu cầu giãn cách xã hội để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.
Với sự thay đổi chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới, ban lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục thay đổi mô hình kinh doanh để đảm bảo doanh nghiệp sống sót và phát triển trong giai đoạn hậu covid.
Bài toán làm sao duy trì được hoạt động kinh doanh, duy trì được đội ngũ nhân sự trong giai đoạn dịch bệnh Covid là bài toán khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.
Với các biện pháp cắt giảm chi phí như cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm, làm việc luân phiên, cắt giảm các khoản đãi ngộ tài chính, trả lương cơ bản… đã giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí và sống sót trong giai đoạn khó khăn do tác động của đại dịch Covid.
Đối với những nhà quản trị, những chủ doanh nghiệp, mặc dù đây là giai đoạn vô cùng khó khăn, nhưng các ông chủ và những nhà quản trị luôn cần tư duy để chuẩn bị những điều kiện nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo trong chu kỳ phát triển của doanh nghiệp.
Khi đó, những thay đổi về môi trường làm việc và thiết kế lại hệ thống công việc trong doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết trong trạng thái “bình thường mới”. Doanh nghiệp cần cân nhắc môi trường làm việc kết hợp (hybrid workplace) như một giải pháp hữu hiệu.
Với môi trường làm việc kết hợp, nhân viên không cần tới văn phòng làm việc đầy đủ các ngày làm việc trong tuần, trong tháng mà vẫn giải quyết được những yêu cầu công việc, đảm bảo được yêu cầu về tiến độ, chất lượng công việc.
Khi đó, doanh nghiệp giảm thiểu và tối ưu hóa được chi phí thuê văn phòng, chi phí vận hành văn phòng….
Cùng với đó, nhân viên có thể làm việc trong môi trường làm việc linh hoạt không còn lo lắng phải di chuyển quãng đường dài để chấm công, đây cũng là giải pháp để giảm thiểu tác động lây lan của virus trong thời điểm chúng ta chưa thể tiêm chủng đại trà và nguy cơ lây lan dịch bệnh còn hiện hữu và rất phức tạp.
Cùng với môi trường làm việc hỗn hợp, các doanh chủ, nhà quản trị cũng cần nhanh chóng thay đổi cách thức quản lý với nhân viên, không còn là quản lý theo mệnh lệnh.
Thay vào đó, tập trung vào xây dựng hệ thống quản lý công việc theo OKRs để khuyến khích mỗi nhân viên tự đặt ra mục tiêu chính và những chỉ số đo lường mục tiêu phù hợp với mục tiêu của phòng, ban, đơn vị và của doanh nghiệp trong giai đoạn mới.
Với những giải pháp nhanh chóng trên, vấn đề nhân sự – một trong những vấn đề đau đầu nhất của doanh nghiệp, doanh chủ, nhà quản trị phần nào được giải quyết để đảm bảo các doanh nghiệp có được sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực cho giai đoạn hậu Covid.
Chia sẻ của Huy Hùng Tạ