Tuần rồi tôi có trò chuyện với hai bạn khởi nghiệp. Họ sản xuất và kinh doanh một sản phẩm và xây dựng một thương hiệu của người Việt, nhưng nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện hầu hết đều nhập từ nước khác.
Bạn băn khoăn làm vậy có sai không, có lừa dối người tiêu dùng không.
Tôi trả lời, quan trọng nhất là thương hiệu của người Việt.
Nguyên liệu sản xuất hay lắp ráp, pha chế có thể nhập từ bất kỳ nước nào, thậm chí đồng thời từ nhiều nước, nhiều nguồn, miễn sao chúng đạt tiêu chuẩn, thành phần, quy cách… mà mình công bố với khách hàng.
Một thương hiệu mạnh đòi hỏi nhiều yếu tố, chứ không chỉ có yếu tố nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu hay chất lượng sản phẩm. Bạn chỉ lừa dối khách hàng khi bạn công bố sai sự thật.
Còn nếu bạn công bố đúng tiêu chuẩn, thành phần, quy cách…, và thực hiện đúng những gì đã công bố, không ai thắc mắc khiếu nại về nguồn gốc nguyên liệu, phụ tùng, hay linh kiện.
Khi bạn đã có một thương hiệu Việt đủ mạnh, bạn hoàn toàn có thể đầu tư sản xuất từng phần hay toàn bộ tại Việt Nam.
Ủng hộ thương hiệu Việt là ủng hộ thương hiệu của người Việt.
Ngay cả thương hiệu Mỹ, châu Âu và các nước phát triển cũng còn nhập nguyên liệu từ các nước đang phát triển để sản xuất, thậm chí còn có thể đặt gia công và nhập nguyên chiếc thành phẩm từ các nước đang phát triển về bán dưới tên thương hiệu của mình, thì hà cớ gì cứ xét nét nguồn gốc nguyên liệu của thương hiệu Việt.
Không ít hoa hậu, siêu mẫu, nghệ sĩ nổi tiếng cũng có “xuất xứ” là con nhà nghèo, nhà quê đó thôi!
Chia sẻ của Nguyễn Hữu Long