Một con linh dương muốn sinh tồn, nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất mỗi ngày. Một con sư tử muốn sống sót, nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất mỗi ngày. Người ta dạy rất nhiều về điều này và bảo rằng trong cuộc sống hàng ngày, hãy phấn đấu để “chạy thật nhanh”, để không chậm trễ, để tồn tại và phát triển…
Tiếc thay, đó chỉ là góc nhìn hạn hẹp, không thấu hiểu được bản chất của sự vật. Càng không có tác dụng, nếu không muốn nói là còn gây tác dụng ngược, khi đem hình tượng sư tử và linh dương để giáo dục con người, khuyên họ phải nỗ lực chạy đua, giành giật, bứt phá (cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen – bứt và phá) để sinh tồn.
Ở góc nhìn toàn diện hơn, bao quát hơn mà tôi thường nói là tư duy toàn cục hay tư duy “bức tranh lớn”( big picture thinking), cả sư tử lẫn linh dương không phải và không thể sinh tồn chỉ bằng cách chạy nhanh!
Một con linh dương khôn ngoan sẽ biết rằng nó không thể sống sót bằng cách chạy nhanh hơn sư tử, vì loài sư tử thường săn mồi theo bầy đàn và luôn phục kích để tấn công bất ngờ. Con linh dương khôn ngoan sẽ nghiên cứu để biết cách né tránh nơi sư tử sinh sống và săn mồi; biết cách nghe ngóng, quan sát từ xa để tìm đường rút lui trước khi quá muộn.
Và loài sư tử cũng thế! Chúng không tồn tại bằng cách chạy nhanh đâu! Chúng tồn tại nhờ cách kiếm ăn khôn ngoan, theo bầy đàn và luôn có yếu tố bất ngờ, làm cho con mồi không kịp trở tay.
Trở lại với câu chuyện doanh nghiệp. Một doanh nghiệp thành công không phải vì nó mạnh hơn hay nhanh hơn đâu! Nó thành công vì biết chọn đúng con đường, đúng nơi để đi, đúng cách để làm; nó biết cách quan sát, nghe ngóng từ xa và nhìn rất xa (như loài linh dương), và biết cách né tránh những nơi hiểm nguy, kẻ thù luôn rình rập.
Đó là tư duy toàn cục. Chính lối tư duy này sẽ giúp các doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện về môi trường kinh doanh, bao gồm thị trường, ngành hàng, sản phẩm, đối thủ (đang và sẽ) cạnh tranh, nhà cung cấp, đối tác, các yếu tố vĩ mô, vi mô… để có sự lựa chọn đúng cho mình.
Hãy đừng học chạy nhanh! Hãy học cách chọn con đường đúng và chạy đúng cách (lúc cần nhanh thì nhanh, cần chậm thì chậm, cần đứng thì đứng…)! Và rất quan trọng, đừng lầm lũi, bất chấp vì quá tự tin vào tốc độ của mình.
Hãy nghe ngóng, quan sát, và cả cảm nhận!
Chia sẻ của Long Nguyen Huu