Làm Thế Nào Để Tìm Kiếm Cộng Sự Khởi Nghiệp Kinh Doanh Thành Công?

Bạn có một ý tưởng kinh doanh mới?

Thật tuyệt vời, giờ là lúc bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng này. Sẽ có nhiều thứ bạn cần phải quan tâm, ví dụ như vốn, sản xuất, kinh doanh, phân phối, v.v…

Đó cũng là thời điểm bạn nghĩ đến việc tìm kiếm một cộng sự kinh doanh (co-founder).

Tại sao nên có một cộng sự kinh doanh? Con đường khởi nghiệp là một hành trình gian nan, nhiều rủi ro khó khăn không lường trước, và có một người bạn đồng hành sẽ khiến bạn vững tin hơn.

Thông thường, khi bạn khởi nghiệp kinh doanh một lĩnh vực nào đó, bạn thường đã có kinh nghiệm liên quan trước đó (ví dụ bạn từng làm trong phòng kinh doanh mảng điện máy, sau đó bạn tách ra ngoài tự làm).

Tuy nhiên, ngay cả khi bạn tự tin có kinh nghiệm trong mảng mình làm, bạn cũng ước lượng được núi công việc khổng lồ trong việc xây dựng một doanh nghiệp mới, và việc tìm người hợp gu làm cùng là rất cần thiết.

Một số lợi ích khi có cộng sự kinh doanh:

  • Bạn có thể kết hợp kỹ năng và kinh nghiệm lẫn nhau
  • Bạn có thêm vốn để đầu tư kinh doanh
  • Bạn có người cùng trao đổi các ý tưởng, đưa ra các quyết định tốt hơn
  • Bạn có người đỡ đần công việc. Thời gian đầu doanh nghiệp chưa có tiền thuê mướn nhiều người, trong khi công việc vận hành thì kế toán, nhân sự, tài chính, tiếp thị, kinh doanh, sản xuất, v.v… Doanh chủ một mình khó cáng đáng và chu toàn mọi việc, nhân sự cấp thấp thì không an tâm giao phó, chỉ có thể tin tưởng cộng sự kinh doanh

Thực tế, bài toán tìm một cộng sự kinh doanh ăn ý ở Việt Nam là một vấn đề nhức đầu. Ở các nước Châu Á khác, có thể vì khác biệt văn hóa, những mối quan hệ hợp tác kinh doanh thường phát triển khá ổn định, đơn cử như các doanh nghiệp gốc Hoa.

Trong khi ở Việt Nam thì hay thấy các cảnh tan đàn xẻ nghé, ngay cả khi doanh nghiệp đang khó khăn hoặc đang phát triển.

Một số trường hợp thành công ở Việt Nam chủ yếu là người trong gia đình, như tập đoàn Kinh Đô hoặc Đức Phát.

Mình cũng từng thấy những trường hợp là người yêu cùng nhau xây dựng cơ nghiệp, sau này thành vợ chồng, nhưng cũng khá hạn hữu. Chuyện tiền bạc và tình cảm thường tốt nhất không nên liên quan, vì sau này có đổ vỡ tình cảm thì doanh nghiệp cũng khó phát triển ổn định.

Mình quan sát một số bài đăng trong nhóm cũng hay nhắc đến những khó khăn trong hợp tác kinh doanh, mình đã tìm hiểu thì cũng ít thấy có các khóa học về hợp tác trong kinh doanh, ít có tài liệu viết về vấn đề này.

Chúng ta có một vấn đề quan trọng liên quan đến sống còn của doanh nghiệp nhưng chưa có một nền tảng vững chắc để xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh doanh bền vững.

Bản thân mình cũng đã từng hợp tác kinh doanh hoặc tham gia các dự án xã hội, cùng đã có những thành công và thất bại; và rất quan tâm đến vấn đề này.

3 nguồn lực (resources) cần có từ cộng sự kinh doanh

Vốn:

Tiền luôn là vấn đề đầu tiên của doanh nghiệp. Có tiền đã khó, quản lý nhiều tiền càng khó hơn. Vấn đề tiền bạc là khá nhạy cảm, và cũng hay dễ đến rạn nứt tình cảm.

Doanh nghiệp non trẻ của bạn cần vốn, và có thêm nguồn lực tài chính của cộng sự kinh doanh sẽ giúp bạn tồn tại và phát triển tốt hơn trong những năm tháng đầu đời.

Kinh nghiệm:

Tùy theo ngành nghề bạn khởi nghiệp, bạn sẽ cần có cộng sự kinh doanh bổ khuyết những kỹ năng mình thiếu. Ví dụ bạn làm sản phẩm công nghệ mà bạn có kinh nghiệm kinh doanh thì cần tìm cộng sự có nền tảng về công nghệ (CTO).

Thời gian:

Thời gian là một tài sản quý báu của mỗi cá nhân. Mỗi người đều có một quỹ thời gian cố định trong ngày. Người cộng sự của bạn đầu tư thời gian quý báu của mình để làm việc cho công ty, và bạn cần trân quý điều đó.

Tuỳ theo thứ bạn còn thiếu, thông thường bạn sẽ cần một hoặc nhiều hơn trong 3 nhóm nguồn lực ở trên.

Tính cách của người cộng sự kinh doanh

Ngoài kỹ năng và kinh nghiệm, mình rất quan trọng phần tính cách (attitude) của người làm chung.

Điều đó rất quan trọng ở người nhân viên của mình (nhưng mình có lựa chọn giữ lại hay không), thì lại càng tối quan trọng với người cộng sự khởi nghiệp (việc đứt gánh giữa đường là rất không ổn).

Khả tín:

Người cộng sự có đáng tin cậy không? Trong kinh doanh, chữ tín là rất quan trọng, dù là đối tác hay cộng sự. Khi đã sứt mẻ lòng tin thì khó hợp tác ăn ý lâu dài.

Nhẫn:

Người cộng sự có đủ kiên nhẫn hay không? Một doanh nghiệp non trẻ khả năng chết rất cao, và những năm đầu luôn có nhiều khó khăn khó lường trước. Liệu người làm chung có thể đi đường dài với mình không?

Thời hiện đại, công nghệ phát triển, rất dễ sinh ra hiệu chứng FOMO (Fear of Missing Out) – Sợ Lỡ Chuyến Đò. Chúng ta luôn có rất nhiều cơ hội khác xung quanh mình, hấp dẫn chúng ta.

Việc biết kiềm chế và từ chối những cơ hội khác để kiên định con đường đã chọn là quan trọng.

Biết điều (Reasonable):

Mình thích làm việc với người biết điều và hiểu chuyện; họ thường là người từng trải, họ mường tượng được từ những ngày đầu về những khó khăn có thể sẽ gặp, và họ có thể uyển chuyển xử lý các vấn đề khó nói nội bộ.

Thích nghi:

Môi trường thay đổi, doanh nghiệp cần thích nghi để phát triển. Người cộng sự cũng cần biết thích nghi với nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhất là lúc khó khăn.

Hợp cạ:

Khởi nghiệp đã khó khăn, nếu có thể tìm người làm việc ăn ý, đó là một điều tuyệt vời.

Những đối tượng tiềm năng làm cộng sự kinh doanh

Theo thói quen, chúng ta hay rủ những người quen, người bạn làm cùng, bởi vì chúng ta đã biết họ. Bản tính con người thích những gì thân thuộc, và thời gian tiếp xúc dài giúp chúng ta dễ tin tưởng bạn bè hơn.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, đầu tư kinh doanh với bạn bè hàm chứa nhiều rủi ro. Kinh doanh thất bại, mất tiền mất luôn bạn. Nên cũng có lời khuyên là không nên dây dưa tiền bạc với bạn bè, phân biệt rõ giữa tiền bạc và tình cảm.

Chúng ta có thể tìm thấy đối tác trong môi trường công việc, hoặc ở những sự kiện chuyên môn. Sẽ cần một thời gian làm quen, xem giò xem cẳng, trò chuyện xem có tâm đầu ý hợp không, rồi mới nghĩ đến hợp tác kinh doanh.

Những việc nên làm trước khi hợp tác kinh doanh

Đầu tiên. Nên có một kế hoạch kinh doanh cụ thể. Kế hoạch kinh doanh đề cập đến mô hình kinh doanh, và dự toán tài chính. Càng rõ ràng ngay từ đầu thì càng tốt. Giống như khi bạn thuyết trình ý tưởng kinh doanh cho nhà đầu tư, đầu tiên bạn phải bán được ý tưởng đó cho cộng sự tương lai của mình.

Thứ hai. Kế hoạch tài chính cụ thể vì liên quan đến vấn đề tiền bạc. Vấn đề tiền bạc minh bạch ngay từ đầu, trong việc dự phóng cũng như kiểm soát liên tục trong quá trình vận hành, giúp đảm bảo giữ vững vấn đề niềm tin của người làm cùng.

Thứ ba. Trao đổi về mong muốn của hai bên: cũng giống như khi người tuyển dụng trao đổi với ứng viên, hai bên cần thấu hiểu mong muốn của nhau. Cộng sự kinh doanh về lâu dài nên là những người bạn cùng chí hướng.

Nên trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề ngay từ trước khi bắt tay vào làm.

Thứ 4. Phân chia công việc và trách nhiệm cụ thể: tránh để tình trạng dẫm chân lên nhau. Xác định người lèo lái chính và người ra quyết định cuối cùng, để tránh các vấn đề tranh cãi sau này.

Thứ 5. Phân chia cổ phần: đi kèm với trách nhiệm là phần thưởng. Nên thuận mua vừa bán.

Thứ 6. Đưa ra những giả thuyết kinh doanh (business scenarios) có thể xảy ra, đặc biệt là các vấn đề. Ví dụ nếu doanh nghiệp không thành công thì sẽ xử lý thế nào.

Thứ 7. Trao đổi về cách làm việc: cần hiểu là mỗi cá nhân đều có bản ngã riêng, nền tảng kinh nghiệm khác nhau, phong cách làm việc khác nhau. Nên có trao đổi thẳng thắn để xem có phù hợp làm việc chung hay không.

Thứ 8. Có văn bản thỏa thuận hợp tác cụ thể: bao gồm những điểm thống nhất dựa trên những nội dung thảo luận đề cập ở trên.

Lời kết

Có những thứ cần quan tâm trong quá trình tìm người cộng sự phù hợp. Tuy nhiên trong thực tế, không phải lúc nào chúng ta cũng tìm được nhân sự hoàn hảo để cùng cộng tác.

Đó là cái duyên, nếu tìm được những người cộng sự có thể cùng chia sẻ tầm nhìn của bạn, có đủ niềm tin để lên cùng chiếc thuyền của bạn, cũng đã là một điều rất đáng quý rồi.

Tôi hay liên tưởng việc hợp tác kinh doanh như là lấy vợ/chồng. Những điểm đề cập ở trên cũng phù hợp với tiêu chí lựa chọn bạn đời của mình.

Và như triết gia Alain de Botton từng tuyên bố “Trước sau gì bạn sẽ lấy lầm người thôi”, chúng ta không phải lúc nào cũng kết hôn với người hoàn hảo như mong đợi, mà quan trọng là chúng ta kết hôn với con người đó của tương lai, phiên bản tương lai mà người ấy mong muốn trở thành.

Cộng sự kinh doanh hôm nay còn khiếm khuyết nhưng nếu họ thật sự mong muốn thay đổi và thích nghi để tốt hơn, họ sẽ trở thành người phù hợp.

Những trường hợp đội ngũ hợp tác thành công vang dội, họ không phải lúc nào cũng là những người thành đạt và giỏi giang như chúng ta thấy trên báo chí ngày hôm nay, họ cũng đã từng có thời gian thiếu kinh nghiệm và non nớt, chỉ có học tập và trải nghiệm thực tế mới thành hình.

Còn khá nhiều thứ để bàn về việc hợp tác kinh doanh, ví dụ như thỏa thuận hợp tác kinh doanh như thế nào để có thể bao hàm tất cả những nội dung đề cập ở trên;

Và cách làm việc với nhau như thế nào cho hiệu quả, như một điệu nhảy cổ điển, sẽ có người dẫn và người theo.

Chia sẻ của Tuan Nguyen

Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Click vào một ngôi sao để đánh giá bài biết!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu: 0

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết có 0 bình luận
THÔNG TIN NGƯỜI GỬIĐóng (x)

Bài Hay Nên Đọc

Bài Mới Xuất Sắc

Case Study Mùa Dịch: Bán Hết 500kg Cua Trong 1 Ngày

Đây là một case study khá thú vị với mình trong mùa dịch, chưa dừng việc bán hết 500kg cua mà những ngày tiếp theo...

Seeding Facebook – Hiệu Ứng Đám Đông Không Bao Giờ Đi Sau Thời Đại

Mình làm chuyên về dịch vụ seeding từ lúc mà seeding còn chưa biết đến nhiều bị. Thậm chí anh chị em đánh đồng vào...

Cổ Phiếu Bất Động Sản Có Phải Là Những Tài Sản Bất Động Thời Gian Tới?

Trước khi tìm hiểu dòng cổ phiếu BĐS có tiếp tục là dòng cổ phiếu đáng đầu tư cho năm 2021-2022. Chúng ta cùng nhìn...

Hạng mục đầu tư – Tại Sao Stocks Có Thể Đánh Bại Bonds Hay Gold?

Đầu tư có thể được hiểu là việc từ bỏ nhu cầu tiêu tiền ở thời điểm hiện tại của bản thân mình, chuyển số...

Ma Trận BCG Là Gì?

Được tạo bởi Boston Consulting Group, ma trận Boston – còn được gọi là ma trận BCG hoặc ma trận tăng trưởng – cung cấp...

Ngày Kép 5.5 Thì Làm Gì Để Nhiều Đơn Hàng?

Trước tiên, shop cần tối ưu lại trang chủ của shop, banner, hình ảnh sản phẩm và nội dung mô tả của các sản phẩm...