Mục lục
Chả ai thích người xấu tính, mà cũng chả ai thích làm người xấu tính cả. Thế nhưng, “xấu tính cũng như ngu, không tự nhiên mà biết được”, vậy nên bài viết này sẽ là một bài test xem bạn có xấu tính không và cách để bớt đi sự xấu tính hen.
Như thế nào là xấu tính?
Xấu tính, là cái nết… không được đẹp. Theo định nghĩa của mình, xấu tính là tính khí của một con người làm người khác không yêu thích, vì tổn thương người khác ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, xấu tính khi làm teamwork mà mấy đứa kia chảy thây lười biếng, thì cho con 0 cho bọn đấy không hề xấu tính nhé
Để hiểu rõ xấu tính là gì, cũng như test thêm bản thân có xấu tính không, thì nhớ đọc thật kỹ mấy tình huống sau đây rồi xem kết quả bên dưới xem nhen.
Tình huống 1: Bạn thấy một comment mà bạn cho là rất “ngu” trên mạng xã hội
- Option A: Phải chửi, ngu là phải cần người khai thông mới biết mình ngu.
- Option B: Không rảnh nói chuyện mấy đứa này.
Tình huống 2: Bạn được kể rằng hai đứa người quen vừa chia tay
- Option A: Tao biết kiểu gì cũng vậy à, hai đứa tụi nó có hợp nhau đâu, mà tao đoán là đứa kia cắm sừng đó.
- Option B: Ủa zị hả. Ê mày nghe bài mới của Thúy Loan chưa mậy?
Tình huống 3: Bạn đọc được một bài chia sẻ kiến thức trên facebook, và bạn đã biết kiến thức đó rồi
- Option A: Ủa, vậy cũng chia sẻ? Ai mà không biết cái này? Không biết là tụt hậu với thời đại lắm á
- Option B: Ủa, sao mình không nghĩ ra sớm để cũng chia sẻ kiến thức như này ha.
Tình huống 4: Bạn được nghe kể là một người làm một điều gì đó không giống như bạn nghĩ, ví dụ như anh chàng người quen hẹn hò với cô bạn mà bạn không thích chẳng hạn
- Option A: Tao tưởng đứa đó thông minh lắm, hóa ra cũng ngu phết. Ai lại đi làm vậy, phải làm như abc, xyz mới đúng nè
- Option B: Ủa vậy hả. Sao nó chọn vậy á?
Tình huống 5: Một người nào đó làm sai một điều gì đó (với bạn)
- Option A: Chửi như tát nước hoặc comment “phải chi có ai đánh nó một trận cho chừa”
- Option B: Về lý thì chắc chắn là sai, nhưng về tình có thể thông cảm. Có khi là nó ở lúc đó bị “giọt nước tràn ly”…
Qua 5 trường hợp trên, nếu đa số bạn chọn đáp án A thì chúc mừng bạn, bạn đã là một con người xấu tính rồi đấy. Trong các trường hợp trên, option A thường thể hiện sự sân si và làm tổn thương tới người khác. Với mình, như thế là xấu tính.
Làm sao cho bớt xấu tính?
Nếu lỡ biết mình xấu tính rồi, thì phải sửa nhỉ. Xấu tính không phải bệnh nan y, có thể sửa được. Do vậy, bạn chỉ cần đọc qua và ứng dụng vài câu thần chú dưới đây, là cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn đó.
Thông thường, con người cứ mãi chạy theo phù phiếm, drama và hóng hớt chuyện người khác, phán xét họ để an ủi bản thân rằng mình thông minh hơn và giỏi hơn. Thay vì vậy, tại sao không thử nhìn mọi thứ lạc quan hơn? Lạc quan không chỉ tự động viên bản thân gắng gượng trước khó khăn của bản thân, mà còn là tha thứ và bao dung hơn cho khó khăn của người khác.
Câu thần chú thứ 1: Mọi thứ đều có nguyên do của nó.
Bạn sáng nay dậy muộn, đi học nhưng giảng viên vẫn đánh vắng. Bạn nhận điểm kiểm tra kém, lỡ tay trượt cái ly bể nên bị quản ca mắng một trận. Bạn chán nản và đi trên đường cãi nhau với người yêu. Bạn tự nghĩ rằng bản thân đã có một ngày tồi tệ và buồn tủi vì người yêu không hiểu điều đó.
Bạn có nguyên do cho thái độ tồi tệ, vậy nếu đổi ngược lại, người yêu bạn thể hiện thái độ tồi tệ, bạn có nghĩ rằng người kia cũng có một ngày tồi tệ và đang chở bạn an ủi?
Có thể thấy, chúng ta không biết được đối phương liệu có đang trong tâm trạng tồi tệ và làm sai hay không. Do vậy, hãy luôn nghĩ, họ có một ngày tồi tệ, và đó là nguyên do khiến họ làm sai. Mọi thứ luôn có một nguyên do, chứ không ai lại muốn cục cằn với người khác cả.
Câu thần chú thứ 2: Muốn họ đối với mình như nào, đối với họ như thế
Bạn mới chia tay người yêu, và ngày mai đi học cả lớp đều biết điều đó. Cả đám xầm xì bàn luận chuyện đau khổ của bạn sau lưng, dễ chịu không?
Không dễ chịu, vậy nên cũng đừng bàn tán chi chuyện người khác sau lưng, họ cũng không dễ chịu đâu. Nếu bạn tin luật nhân quả, thì kiểu gì bạn cũng sẽ có ngày hưởng trọn nỗi khó chịu của người bị bạn xầm xì sau lưng đấy.
Câu thần chú thứ 3: Ai rảnh mà quan tâm mấy này? Đi tìm cái tốt hơn cho đỡ tốn thời gian
Bạn lướt feed và thấy một comment rất “ngu”. Máu nóng và sự “thượng đẳng” của bạn nổi dậy, bạn vào comment chê người kia comment ngu, thiếu học thức. Hai bên cãi qua cãi lại, rồi chẳng thu được gì cả.
Tư duy phản biện là rất ít thấy trên trang mạng xã hội của Việt Nam. Mình đã đi comment dạo rất nhiều, và số lần gặp được màn thảo luận thiện lành, góp ý xây dựng chắc chỉ đếm trong lòng bàn tay. Do vậy, bạn cần học được cách BỎ ĐI.
Mạnh mẽ lên, lướt khỏi cái comment vừa thấy, không kích vào thông báo người kia rep lại. Chỉ đâu 5 phút sau, đảm bảo bạn chẳng còn nhớ gì về cái người lạ hoắc xấu tính kia đâu.
Khi bạn sàng lọc được những sự xấu tính khỏi người, bạn sẽ dần không còn muốn chơi với những người xấu tính nữa. Khi đó, bạn sẽ có một đống thời gian rảnh rỗi để làm những điều bạn thích, và ở bên những người tôn trọng bạn, giúp bạn tiến bộ hơn nhiều đó.
Chia sẻ của Ton ton is coming