Mục lục
BÀI 6 TRONG SERIES “HỆ THỐNG QTNS: CÔNG CỤ vs CON NGƯỜI QUẢN TRỊ NHÂN SỰ“
Sáng nay nhận được câu hỏi này: “Công ty mình kinh doanh ngành chế biến thực phẩm, nhân viên sales sẽ có lương căn bản & hoa hồng trên doanh thu rất tốt, nhưng họ vẫn tự nhảy ra ngoài, mang theo khách hàng của công ty và làm ăn riêng. Vậy làm cách nào để khắc chế việc này? Xin cảm ơn!”, tự nhiên tôi thấy có băn khoăn trong lòng.
Tuyển nhân viên vào mà lại còn phải nghĩ chuyện “khắc chế” thì mệt óc quá. Dù lăn tăn nhưng rõ ràng đây là một thực tế. Con người Việt Nam mà.
Nhưng với tình huống này thì không chỉ nhân viên nòng cốt, đội ngũ kế thừa mà sale bình thường cũng vẫn tự nhảy ra ngoài, mang theo khách hàng của công ty và làm ăn riêng? Giờ phải làm sao?
Theo tôi, với góc độ Quản trị Nhân sự, chúng ta sẽ làm các việc sau:
Bảo mật thông tin
- Không cho nhân viên biết về hệ thống. Áp dụng cách chia để trị, ai biết việc người đấy và chỉ biết 1 mảng nhất định. Phân quyền về quản lý thông tin, phân quyền cho mỗi phòng ban/cá nhân chỉ cần thông tin phục vụ cho nhiệm vụ.
- Có cam kết bảo mật thông tin và cam kết không làm trong lĩnh vực x thời gian nhất định.
- Cung cấp công cụ dụng cụ làm việc và có quy định bảo mật thông tin rõ ràng.
- Hạn chế tiếp cận tài sản vật chất và thông tin đối với nhân viên không có liên quan;
Tôi hay thấy các công ty cung cấp email, số điện thoại, máy tính… cho nhân viên và sale. Cùng với đó là quy định nhân viên phải dùng các công cụ, dụng cụ của công ty để làm việc. Sau khi nhân viên nghỉ thì sẽ bàn giao lại toàn bộ các công cụ dụng cụ đó.
Xây dựng văn hóa Chính trực
Tiếp tục về câu chuyện Dạy, chúng ta sẽ dạy ra sao để nhân viên có tính Chính trực và cam kết. Đó chính là xây dựng và duy trì văn hóa trách nhiệm, chính trực, tin cậy.
Như tôi nói ở trên, người Việt có nhiều tính xấu và tốt. Chúng ta vào công ty cùng với những tính cách ấy. Do đó công ty nên xây dựng hẳn 1 cơ chế để loại bỏ, hạn chế các tính xấu đó. Sử dụng Nội quy với các chính sách phạt là một cách.
Nội quy để điều chỉnh văn hóa nhưng chỉ có nội quy thôi thì chưa đủ. Mà nó cần phải có cả một chiến lược xây dựng văn hóa kéo dài nhiều năm và bắt đầu từ người đứng đầu – CEO.
Có lẽ khắc chế lớn nhất để Sale không ra ngoài làm ăn riêng là người đứng đầu. Trước là trưởng nhóm, sau hơn là trưởng phòng, sau nữa là giám đốc vùng miền, và sau cùng là CEO – giám đốc – người đứng đầu.
Người đứng đầu với tính cách Trung thực, Chính trực, Cam kết thì không chỉ sale mà tất cả nhân viên họ sẽ học hỏi điều đó. Hành vi được điều khiển bởi tâm lý (suy nghĩ bên trong). Mà Tâm lý lại được cấu thành bởi sự học hỏi (1 trong 4 nhóm yếu tố). Chính vì thế tổ chức thế nào thì nhân viên thế đó.
Đã bao giờ bạn được nghe lý do thực sự của việc nhân viên chán công ty. Đặc biệt là lý do của sale ra đi? Việc hiểu được lý do cũng là một trong những công việc của Quản trị nhân sự. Hiểu để khắc phục, hiểu để làm tốt hơn.
Nhiều sale ra đi vì chán sếp. Sếp nói một đằng làm một nẻo. Sếp ăn quỵt tiền của anh em… Nói chung là nhiều vấn đề từ sếp mà ra. Có công ty, để thúc đẩy doanh số đã có hẳn chính sách bằng giấy tờ để thúc đẩy nhân viên toàn lực.
Ai thấy thế đều hứng khởi cố gắng cả. Nhưng rồi khi dự án xong, đợi mãi nhân viên mới được khoản thưởng. Kiểm kê khoản thưởng thì thấy ít quá chả giống như trong chính sách gì cả. Họ mang giấy lên hỏi công ty thì hóa ra: chính sách đó áp dụng cho người ngoài công ty. Nhân viên chưng hửng đi về.
Liệu công ty cũng có lý do như vậy cho người ngoài không nhỉ?… Cứ thế rồi đến ngày CEO tự hỏi: “làm thế nào bây giờ ?”. Ở một góc độ nào đó thì 2 giải pháp trên chính là việc xây dựng một phần của Hệ thống Kiểm soát nội bộ.
Bài cũng đã dài, chốt lại, CEO nên có các công cụ sau trong Hệ thống Quản trị nhân sự:
- Chính sách, quy định, cam kết bảo mật thông tin
- Văn hóa với các chương trình (buổi nói chuyện, chia sẻ, các câu chuyện) về sự Trung thực, Chính trực và Cam kết.
Chia sẻ của Nguyễn Hùng Cường
Đọc thêm các bài viết trong series “HỆ THỐNG QTNS: CÔNG CỤ vs CON NGƯỜI QUẢN TRỊ NHÂN SỰ”:
- Bài #1: Công ty có cần MTCV và cơ cấu tổ chức?
- Bài #2: Có bao giờ anh chị nghĩ, cofounder – người đồng cam cộng khổ của mình sẽ từ bỏ?
- Bài #3: ESOP công cụ giúp công ty phát triển 2 – 3%
- Bài #4: Không có quy trình công ty vẫn hoạt động ngon cho đến khi CEO nhìn lại …
- Bài #5: Quản lý bộ phận đã làm hết việc của mình chưa?
- Bài #7: CEO muốn QTNS tốt, hãy bắt đầu từ việc vẽ cho xong 3 bức tranh sau…
- Bài #8: Đã bao giờ CEO dùng BSC và họp chiến lược với toàn bộ các trưởng bộ phận?
- Bài #9: Cứ 70 người trở lên là cần 1 người phụ trách QTNS và công việc của họ là gì?
- Bài #10: Văn hóa chuyện nhỏ từ cái số tay và nội quy
- Bài #11: Điều chỉnh hành vi, văn hóa bằng các chỉ số đánh giá kết quả công việc?
- Bài #12: 9 tín hiệu để đuổi trưởng phòng nhân sự của công ty bạn?
- Bài #13: Chế độ làm việc linh hoạt hay toàn thời gian cố định?
- Bài #14: Quy trình – lá bùa hộ mệnh cho lời nguyền “em không biết”
- Bài #15: Tổng hợp các công cụ cần thiết quản trị nhân sự