Mục lục
Xin chào, tôi tên Long, năm nay 30 tuổi. Xin phép được xưng tôi với thái độ trân trọng nhất đối với các anh chị em trong những dòng chia sẻ phía dưới để giống với những cuốn tự truyện của các doanh nhân thành đạt mà tôi đã đọc. Tôi rất thích làm theo mấy ông đó.
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Tây Nguyên đại ngàn đầy nắng gió. Tuổi thơ tôi là một cowboy (thằng ku chăn bò) chuyên nghiệp.
Bố mẹ tôi vốn là công nhân nông trường chăn nuôi trong thập niên 80-90 của thế kỷ XX. Sau khi nông trường giải tán, ra làm kinh tế.
Cái nghiệp chăn nuôi vẫn giữ, truyền lại cho tôi giúp tôi rong ruổi trên những đồi cỏ tranh cằn cỗi. Ăn những con cá, những con ốc trên khe suối đá thành thói quen sau những buổi học văn hoá ở trường huyện.
Năm lớp 12, bố tôi bán con bò đực và vài tấn mía, tậu được cho tôi cái máy tính celeron để tôi tiếp xúc với công nghệ. Những chiếc đĩa vuông, những cái CD, những cái usb và vô số những kiến thức xấu xa lẫn tốt đẹp đã làm tôi choáng ngợp.
Tôi thi vào công nghệ thông tin.Vào Sài Gòn học đại học, tôi bắt đầu bắt nhịp với cuộc sống sinh viên, những ngày cày game thâu đêm suốt sáng, những bữa nhậu sinh viên toàn bánh tráng.
Rồi phục vụ quán cà phê, rồi theo bạn đi bán usb, thẻ nhớ gần lề đường. Tôi nhận thấy phải kinh doanh mới có thể có tiền để sống. Tôi bắt đầu tìm hiểu và theo học về những kiến thức khởi nghiệp.
Bài học đầu tiên: Cần một người lãnh đạo, lãnh trách nhiệm
Từ khi thấy người ta kinh doanh kiếm tiền, tôi cũng tham gia các hội nhóm của sinh viên kinh tế. Rồi theo học những khoá kỹ năng mềm miễn phí cũng như có phí của các trung tâm đào tạo.
Những kiến thức tôi học được, tôi áp dụng ngay. Năm thứ 2 đại học, tôi cùng mấy đứa bạn cùng lớp lập ngay một nhóm làm dịch vụ thiết kế web giá rẻ.
Những dự án bắt đầu về, anh em bắt đầu có tiền. Nhưng với một thái độ muốn anh em sòng phẳng, cân bằng, không có một người lãnh đạo chính.
Chúng tôi trở thành một team giống nhân công làm thuê cho đối tác. Ai cũng có thể nói chuyện cùng đối tác, mọi yêu cầu anh em đáp ứng hết, chỉ biết cắm đầu làm.
Nhiều lúc chính anh em trong team dẫm lên chân nhau. Team cứ giữ như vậy, đều đều không phất lên được, tới lúc tốt nghiệp thì tự tan. Tôi dắt theo một con bò và vài sào mía của bố mẹ ra Hà Nội kiếm công việc chính thức.
Bài học thứ hai: Có mối quan hệ, mọi việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều
Tôi ra Hà Nội năm 2013, mọi thứ ở đây khác Sài Gòn rất nhiều.
Trong cảm nhận của tôi, cuộc sống cứ diễn ra chậm chậm, không còn sôi động nhộn nhịp, mọi người dành thời gian cho việc chăm sóc gia đình và tạo mối quan hệ gia đình nhiều hơn.
Tôi dễ dàng xin vào được một công ty outsource cũng nhờ một ông anh giới thiệu. Thu nhập của tôi tăng dần, từ 6 tr, rồi 9tr, 20tr. Khi mức lương ổn định, tôi bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh.
Tôi may mắn gặp và chơi quen với ông anh làm cùng, ông anh năng động, làm nhanh và làm hiệu quả. Tôi nhập hàng Trung Quốc theo các mối quan hệ từ anh đó. Tôi bán trên fan page mà từ thời sinh viên tôi kéo likes bằng các ứng dụng FB.
Bài học thứ ba: Làm việc gì, cần tập trung mới có hiệu quả
Fan page của tôi chiếm lĩnh ngách, bán cũng ổn, nhưng thời đó công việc lập trình viên của tôi khá bận, lại kiếm được nhiều. Tôi sao nhãng không tập trung vào việc bán hàng, xem đó là việc kiếm thêm.
Đơn hàng ít dần, tôi không nhập hàng nữa. Fan page tôi đành cho mấy đứa bạn làm SEO mượn làm profile để phát triển sự nghiệp. Vụ kinh doanh đầu tiên xem như thất bại.
Bài học thứ tư: Mặc kệ nợ làm tới đi
Làm được 5 năm trong một công ty, với sự nâng đỡ của anh em, ai cũng thấy tôi sẽ có một tương lai rất tươi sáng.
Thời điểm đó, tôi lại chợt nghĩ: “Nếu cứ yên bình thế này, rồi tôi có tạo dựng được gì cho đời không?”.
Tâm sự với mấy ông anh, nhận được lời khuyên hãy thoát khỏi comfort zone. Tôi viết đơn xin nghỉ việc. Rong ruổi thêm một năm với việc lập trình ở một start up, tôi và 3 anh nữa lập công ty.
Thời điểm lập công ty, tôi vừa xây nhà, số tiền tiết kiệm không còn, điều kiện kinh tế rất khó khăn. Tôi rất thích cuộc đời của tỉ phú Richard Branson, đúng hơn là thích những cuốn tự truyện của ông.
Tôi mạnh dạn nịnh vợ vay nợ với tinh thần của cuốn sách “Mặc kệ nó, làm tới đi”. Rồi công ty cũng thành lập, cũng tồn tại, cũng có dự án và bắt đầu phát triển.
Tôi tiếp tục vay nợ, cùng mấy anh mở thêm một cửa hàng kinh doanh thực phẩm cho sức khoẻ. Cửa hàng cũng dần tốt lên, bắt đầu sinh lời, mặc dù chưa được như kì vọng nhưng tôi tin, với tinh thần vay nợ để làm mọi thứ như tôi, thế nào cũng để lại danh tiếng cho đời.
Chia sẻ của Nguyễn Trọng Long