Tại các lớp dạy NLP, tạo động lực, khởi nghiệp, các thầy thường chiếu cho học viên xem một video clip có cảnh một huấn luyện viên bóng bầu dục yêu cầu đội trưởng Brock bịt mắt và bò trong tư thế cõng một người khác nằm ngửa trên lưng (khá nặng).
HLV liên tục thúc giục anh ta tiếp tục bò, không được bỏ cuộc, dù anh ấy đã gần như kiệt sức. Kết quả là Brock, dù mấy lần tưởng đã gục xuống vì quá mệt, nhưng với sự thúc giục của HLV, đã bò được một đoạn đường rất dài, đến tận cuối sân bóng, điều mà anh ta (và cả đội bóng) chưa bao giờ tin là bất kỳ ai có thể làm được.
Bằng hình ảnh này, các thầy thường nhắn nhủ học viên không được bỏ cuộc (never give up), hãy nỗ lực hết mình rồi kết quả sẽ đến. Lời khuyên của các thầy đương nhiên là có lý trong một bối cảnh cụ thể nào đó.
Tuy vậy, hãy cẩn thận vì chính đoạn phim này cũng có thể là một con dao hai lưỡi, nhất là với những người áp dụng máy móc, thiếu đầu óc phân tích.
Thứ nhất, năng lực con người là có hạn, chứ không phải vô hạn, như nhiều người thường nói. Nếu ai đó nói khả năng con người là vô hạn, họ đã quên (hay cố tình quên) thêm vào đó yếu tố thời gian. Vâng, khả năng con người có thể là vô hạn, nhưng cần có thời gian.
Ví dụ hơn 10 năm qua, kỷ lục chạy 100m nam 9,58 giây do Usain Bolt, người Jamaica lập 2009 vẫn chưa có ai phá đổ. Nếu muốn kéo con số này xuống dưới 8 giây, có lẽ phải mất hàng trăm năm nữa, còn nếu dưới 7 giây, có khi phải hàng nghìn năm nữa, cũng chưa chắc có người làm được…
Do năng lực (và nguồn lực nói chung) của con người là có hạn trong tương lai gần, bạn cần phải biết TỰ LƯỢNG SỨC MÌNH. Bạn phải biết bỏ cuộc, dừng lại đúng lúc khi nhìn thấy mọi cánh cửa đã đóng lại, con đường đã đi vào ngõ cụt.
“Never Give Up!” (không bao giờ bỏ cuộc) là một lời khuyên RẤT THIẾU TRÁCH NHIỆM nếu như nó chỉ được đưa ra một cách cẩu thả, VÔ TRÁCH NHIỆM! Tôi khuyên bạn hãy bỏ cuộc khi cần thiết; hãy rút lui và hãy tìm kiếm cách khác, con đường khác, thậm chí cuộc chơi khác, khôn ngoan hơn, chứ đừng vì ai đó khuyên “đừng bỏ cuộc” mà cứ lao đầu vào đá!
Cuộc đời tôi từng chứng kiến không biết bao nhiêu người, trong đó có tôi, đã bỏ cuộc, từ bỏ con đường đang đi, chọn lại con đường khác hoàn toàn không liên quan, thậm chí trái ngược, và đã thành công. Vậy nên, tiếp tục hay bỏ cuộc là phụ thuộc vào CON ĐƯỜNG và SỰ LỰA CHỌN đúng/sai, chứ không nên chỉ phụ thuộc vào mỗi ý chí, lòng quyết tâm hay sự kiên định! Một khi con đường đã sai rồi mà cứ kiên định, quyết tâm, không chịu từ bỏ thì khác nào tự sát?
Trở lại với sự nỗ lực của anh chàng đội trưởng bị bịt mắt, bắt phải bò và cõng thêm một người trên lưng. Vì sao phải bịt mắt? Chắc là để cho anh ta không nhìn thấy quãng đường còn quá xa mà nản lòng, và để cho anh ta chỉ có biết bò và bò theo sự thúc giục của HLV, không còn lý do để cân nhắc có nên tiếp tục. Điều gì sẽ xảy ra nếu anh ta vì cố quá sức mà nhồi máu cơ tim và gục ngã ngay trên đường bò chẳng hạn?
Trong thực tế cuộc đời, nhất là khi KHỞI NGHIỆP, chúng ta có nên nhắm mắt làm liều và quyết tâm làm đến cùng một việc gì không? Có và không!
- Có, là khi việc đó không quá quan trọng, và sự thất bại nếu có, không đem lại nguy hại gì lớn lao, không làm cho ta tán gia bại sản, tù tội, hay thậm chí là nhận lấy cái chết.
- Không, là khi việc ấy hết sức quan trọng, cần phải cân nhắc rất kỹ, cần phải mở mắt ra để quan sát, dỏng tai lên để lắng nghe, và nhất là phải hỏi câu hỏi “TẠI SAO” – tại sao tôi phải bò, tại sao tôi phải dốc sức, tại sao tôi phải tiếp tục, dù đã kiệt sức, liệu việc đó có đáng cho tôi phải “hy sinh tất cả” không?
Tôi từng chứng kiến nhiều người tán gia bại sản, phải trốn chui, trốn nhủi, không dám về với vợ con cũng chỉ vì hai chữ “khát nước”, không biết dừng lại đúng lúc, không biết cắt lỗ, rút lui, bỏ cuộc. Họ sợ bị người khác nhìn thấy họ bỏ cuộc, nhìn thấy họ rút lui, họ sợ bị chế giễu vì đã sớm đầu hàng….
Và tôi cũng từng biết (vì được nghe chính người trong cuộc thổ lộ), có nhiều người đang lao động cực nhọc, bất hợp pháp ở nước ngoài, muốn về nước, nhưng không dám về vì sợ bị chế giễu, sợ bị chê bai là bỏ cuộc, sợ bị châm chọc là ra nước ngoài, không làm nên trò trống gì nên phải bỏ về…
Kiên trì và quyết tâm là rất cần thiết! Nhưng cũng hãy mạnh dạn bỏ cuộc đi khi bạn đã chọn sai đường, và khi còn có thể. Đừng “kiên trì” đi vào ngõ cụt để rồi phải hối tiếc. Bạn đồng ý với quan điểm này không?
P/S: Nhiều người khuyên, khởi nghiệp hãy quyết tâm và kiên trì đạt mục tiêu bằng mọi giá. Tôi luôn khuyên phải hỏi giá nào, cái giá đó có đáng phải trả hay không!
Chia sẻ của Long Nguyen Huu