Đây là con phố ngay dưới chân tòa nhà làm việc của mình. Trên phố, các cửa hàng đồ ăn uống (phục vụ dân văn phòng BIDV/VCB) san sát nhau nhưng mỗi cửa hàng chọn một đồ bán riêng và …KHÔNG TRÙNG LẶP (ở phố này, bạn có thể chọn hầu hết các loại thức ăn phổ biến như cơm văn phòng, phở, bún chả, bún đậu, bún sườn, cá rô, bánh cuốn thậm chí cả thịt chó…. xong rồi thì thêm chút trà đá, trà xanh, cà phê… theo các style không giống nhau). Tin rằng ‘chiến lược’ Branding này không chỉ có ở Tôn Đản.
Các lý thuyết vẫn được áp dụng “vô tình” trên thực tế như thế. Các cô bác bán hàng không thân lắm với Kotler, Porter, Al Ries, Trout hay Aaker lắm đâu, nhưng vẫn hiểu “DIFFERENTIATE OR DIE” – bà X đã bán rồi thì mình phải bán cái khác đi, không thì bán không lại bà ấy.
Chẳng lạ gì, lý thuyết vốn phải phát triển từ thực tế, đeo vào mắt người hiểu một cặp kính tên là ‘skills’, giúp cho người hiểu nhìn sáng hơn và rõ hơn… rồi từ đó có xu hướng làm tốt và hiệu quả hơn.
Ấy thế mà loáng thoáng một cách thường xuyên, ta hay nghe các thái cực “PHỦ NHẬN SẠCH TRƠN” từ “Ồi, làm giàu và kinh doanh là bản năng, cần gì học” or “học cho nhiều vẫn làm chết đấy thôi” chạy tuốt tuồn tuột đến TÌNH YÊU CUỒNG TÍN “ĐŨA THẦN chiến lược thương hiệu ơi, tôi ít xèng lắm mà, nhưng hãy cho tôi lượng khách hàng 10 lần trong…1 tuần tới nhá, nhá, nhá”.
Anh Sơn lấy câu chuyện chiến lược thương hiệu với hình ảnh chiến binh. Người chiến binh ra trận cần trang bị các kỹ năng chiến đấu, các bộ giáp sắt bảo hộ, các vũ khí sắc bén….Và điều đó giúp anh ta bản lĩnh hơn, tự tin hơn và đến gần với chiến thắng hơn.
Chiến đấu xuất sắc ra sao, đến đâu và chiến thắng thế nào, phụ thuộc vào bản thân warrior, vào chiến trường và vào đối thủ của anh ta (những người cũng được trang bị như anh ta, more or less).
Doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ thì mục đích tồn tại cũng là tạo ra tiền – hay sách vở dùng từ hoa mỹ là (shareholder) value – (chứ doanh nghiệp không phải là tổ chức từ thiện để phục vụ free lunches cho người tiêu dùng), qua việc tối đa khoản chênh lệch giữa doanh thu đầu ra và chi phí đầu vào.
Ở quy mô nhỏ, start-up, có thể chiến lược thương hiệu là cái hơi to, thời thượng và chưa cần một khoản ‘đầu tư’ như vậy. Khi sự phát triển đạt đến một quy mô nhất định, tư duy chiến lược gần như cái bắt buộc phải có để ‘sống và đi tiếp’.
Câu chuyện mạn đàm vậy thôi.
Chia sẻ của Thuận Đoàn