“Bởi thế nên, dù cuộc đời của chúng ta có đang khổ đau hay vui sướng, hãy để cho nó được rõ rệt và thành hình, không nhất thiết là phải quá vui, kể cả khi chúng ta quá buồn, vẫn dễ dàng thấy có những nỗi buồn dường như thật đẹp.”
Những lúc trong lòng không buồn – không vui, tôi không tài nào viết được. Tôi thích viết cũng giống như người khác thích chơi bóng, thích vẽ tranh, thích đánh đàn, thích bơi, thích âm nhạc, đó là một công việc thầm lặng, vào bất kể lúc nào tôi bắt được một đoạn ý nghĩ nào đó hay hay, nó là sở thích hoặc là một cách tôi đi tìm chính mình.
Nhưng sẽ chẳng thể nào có được nó khi mà trong tôi, vào một vài khoảng thời gian trong cuộc đời, đang trống rỗng và không có bất kì chút xúc cảm rõ rệt nào.
Có một lần, vào một trong những ngày “tăm tối” của cuộc cuộc đời, ông ngoại tôi mất, ông ngoại là một người tôi chưa từng gặp mặt, chưa từng chuyện trò, sự ra đi của ông đồng nghĩa với việc cả cuộc đời mình, tôi không biết mặt ông tôi, người đồng thời cũng đã sinh ra tôi. Đó là một sự mất mát mà cớ sự này lại còn được nhân lên gấp bội.
Đáng lý tôi phải khóc. Nhưng không. Không hiểu sao tôi không thể khóc. Tôi lửng lơ ở giữa, không phân định được cảm xúc của mình, tôi biết mình có buồn, có tiếc thương, nhưng không hiểu sao cảm xúc trong tôi lại chết lặng đi như thế. Và những ngày tháng sau này, tôi liên tục trách mình vì chuyện đó, thật xấu hổ khi những người thân ruột thịt mất đi, chúng ta lại không thể đau đớn.
Những ngày tăm tối nhất của mỗi người có thể là một cơn ác mộng của tổng thể những mất mát, đớn đau, cô đơn và tuyệt vọng, nhưng chẳng một ai có thể khẳng định, họ có thể hạnh phúc trường kì nếu cuộc đời họ không có một vết xước, không có một niềm đau đớn, nỗi xót xa nào cả.
Đối với tôi mà nói, những ngày “tăm tối” nhất đơn giản chỉ là những ngày mà cảm xúc trong tôi chết lặng ở giữa.
Không thể vui, không thể buồn và càng không thể rung động. Người ta hay gọi đó là vô cảm, vô cảm là một căn bệnh lạ kì mà chúng ta vẫn cố đi tìm giải pháp nào cho nó. May là khi tôi lửng lơ như thế, tôi đang không phải gánh trên vai trách nhiệm nào. Vô cảm vốn dĩ đã là một khiếm khuyết lớn nhưng vô-cảm-đúng-lúc thì chính xác là một điều tồi tệ.
Như, khi người ta coi việc người một ai đó chết đi vì đã già là một lẽ đương nhiên, khi người ta không muốn nhìn lâu hơn vào tấm lưng đã còng, gương mặt gió sương của mẹ, khi người ta từ bỏ một tình yêu và không cảm thấy tiếc nuối, khi người ta tự nhiên giết chết một loại động vật to lớn, chẳng vì mục dích gì, mà lại không cảm thấy ghê tay.
Nhìn thấy một người đàn ông bần thần ngồi bệt xuống bên vệ đường, gương mặt méo mó, đau đớn và trầm mặc của ông làm tôi liên tưởng đến việc có lẽ ông vừa mất đi tất cả, hoặc là ở thời điểm đó, ông chẳng còn gì để mất, kể cả liêm sỉ và nỗi xấu hổ người ta sẽ định giá mình. Đúng rồi. Đúng là như thế.
Ông ta đã xuất hiện vào đúng lúc tôi thấy cuộc đời mình thật nhạt, thật vô định, thật không rõ ràng. Ông ta đã đúng, giữa lúc cuộc đời này có vẻ như thật viên mãn, ông ta đập vào mắt người xa lạ hình ảnh một cuộc đời đúng nghĩa. Mất tất cả.
Còn hơn là người ta sẽ chẳng muốn làm gì, chẳng cố gây dựng một cái gì cả, chẳng có khởi đầu, nên cũng chẳng có kết thúc. Cứ êm ả bình lặng nên cũng chẳng có sóng. Không vui cũng chẳng buồn. Trong tay không có gì nên vốn dĩ chẳng có gì để mất mát.
Rốt cục, điều hạnh phúc và may mắn nhất trong cuộc đời chúng ta có lẽ là được buồn và được vui. Cảm xúc được thành hình, dù là ở thái cực nào đi chăng nữa, chỉ cần chúng rõ rệt, buồn hay vui, đều sẽ làm cuộc đời này lớn lao hơn, phải không?
Bởi thế nên, dù cuộc đời của chúng ta có đang khổ đau hay vui sướng, hãy để cho nó được rõ rệt và thành hình, không nhất thiết là phải quá vui, kể cả khi chúng ta quá buồn, vẫn dễ dàng thấy có những nỗi buồn dường như thật đẹp.
Nghĩ đến đó, tôi không chúc những người tôi quen bình yên trong ngày sinh nhật của họ nữa, từ nay, tôi sẽ chúc cho họ được buồn được vui, hai thái cực đó phải bình đẳng như một điều nên thế.
Chia sẻ của Linh Mộc