Mục lục
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 11/03/2020, được hãng tin Reuter dẫn tin, tuyên bố khoảng 60-70% dân Đức sẽ bị nhiễm Coronavirus. Phát biểu này của bà Merkel bị Thủ tướng Czech tố là “gây hoảng loạn.”
Thế nhưng theo Tuấn, đây là một tuyên bố rất cần thiết của nhà chức trách trong bối cảnh đại dịch đang lan rộng trên khắp Châu Âu và cả thế giới.
Tại sao?
Chuyên gia hàng đầu về truyền thông rủi ro, Tiến sĩ Peter M. Sandman, giáo sư của Đại học New Jersey Hoa Kỳ (Rutgers), cho biết, phản ứng cảm xúc trực tiếp nhất đối với rủi ro là lo sợ, lo sợ cho bản thân và lo sợ cho gia đình. Và lo sợ có các mức độ đi từ thấp đến cao, gồm: Thờ ơ (Apathy) >> Quan tâm (Concern) >> Lo sợ (Fear) >> Kinh hãi (Terror) >> Hoảng loạn (Panic) >> Trốn tránh (Denial).
- Thờ ơ: Nghĩa là không để ý đến rủi ro, xem nhẹ rủi ro
- Quan tâm: Nghĩa là quan tâm tìm hiểu rủi ro
- Lo sợ: Lo sợ rủi ro cho bản thân và cho gia đình
- Kinh hãi: Trên cả mức lo sợ, thấy rủi ro thật khủng khiếp
- Hoảng loạn: Lo sợ trên mức cần thiết, không còn đủ minh mẫn để phán đoán sự việc
- Trốn tránh: Đây là mức cao nhất của lo sợ, hoảng loạn tới mức không muốn tin đó là sự thật, muốn trốn tránh thực tế.
Trong một tình huống khủng hoảng như đại dịch Coronavirus hiện đang diễn ra, “Thờ ơ” và “Trốn tránh” là hai cấp độ cực kỳ nguy hiểm.
Bởi nếu những người thờ ơ là những người xem nhẹ dịch bệnh, không nhận thức đủ mức độ nghiêm trọng và do đó không thực hành các biện pháp chống dịch khiến cho tình trạng lây lan dễ xảy ra, thì những người vì quá hoảng loạn mà trốn tránh thực tế, nói gì cũng không tin, không làm theo, khiến cho tình hình càng thêm nghiêm trọng.
“Thờ ơ” và “Trốn tránh” đôi khi rất khó phân biệt. Bạn chỉ thấy rõ sự khác nhau của hai cấp độ này khi bạn cố gắng đưa ra những cảnh báo gây sợ hãi để thu hút sự chú ý. Những người thờ ơ ban đầu có thể không thèm quan tâm tới những lời bạn nói, nhưng một khi bạn đã làm được họ chú ý thì họ sẽ rất quan tâm và sẽ làm theo chỉ dẫn của bạn. Ngược lại, những người trốn tránh, bạn càng cảnh báo, càng doạ dẫm, thì họ càng tìm cách trốn tránh và càng khó để làm cho họ hợp tác.
Theo Tiến sĩ Sandman, để đối phó với “thờ ơ” và đặc biệt là tình trạng “trốn tránh”, các nhà chức trách cần truyền thông đúng mực về mức độ nghiêm trọng của rủi ro, hợp pháp hoá sự sợ hãi, cho phép và khuyến khích người dân lo sợ, đồng thời đưa ra các cơ hội hành động để giảm thiểu rủi ro.
Thậm chí, trong một số trường hợp, nếu cần thiết có thể nói quá lên một chút để làm cho những người thờ ơ bắt buộc phải quan tâm đến rủi ro hiện hữu.
Có nhiều bài viết đã phân tích lý do Ý thất thủ, bao gồm lý do về dân số già, về điều kiện y tế, nhưng theo Tuấn, còn có một lý do lớn đó chính là lý do về sự thờ ơ và trốn tránh thực tế.
Quan sát thời gian qua ta có thể thấy rõ người dân Châu Âu nói chung không tin Coronavirus là nghiêm trọng hơn cảm cúm thông thường. Không đeo khẩu trang, không vệ sinh tay, vẫn thường xuyên tụ tập đông người, chính là những lý do góp phần làm “vỡ trận.”
Trước tình hình đó, việc Thủ tướng Đức Angela Merkel, rút kinh nghiệm từ nước Ý, đưa ra tuyên bố như trên, một tuyên bố có sự tham vấn với các chuyên gia khoa học chứ không phải phát biểu cảm tính kiểu thổi phồng vu vơ, để khiến cho những người thờ ơ hay trốn tránh thực tế nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh từ đó mà tích cực hơn trong việc hợp tác với cơ quan chính quyền để chống dịch là rất cần thiết.
Trong nỗ lực làm cho người dân quan tâm hơn, thậm chí lo sợ hơn về dịch bệnh để cùng hợp tác đối phó, cũng cần phải phân biệt rõ giữa “hoảng loạn” (panic) với chuẩn bị đối phó rủi ro (hedging). Đúng là người dân thường có những phản ứng trên mức cần thiết khi đối phó với rủi ro, ví dụ như tình trạng mua hàng tích trữ trong những ngày gần đây. Nhiều người có thể cho rằng đây là biểu hiện của sự hoảng loạn. Nhưng chưa hẳn như vậy.
Trong những tình huống hiểm nghèo nhất, hầu hết mọi người trở nên bình tĩnh một cách tự nhiên, không hoảng loạn. Việc người dân tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm, hay thuốc men trong đại dịch cần được hiểu là sự chuẩn bị để đối phó với rủi ro có thể xảy ra hơn là đổ lỗi cho hoảng loạn.
Người dân còn quan tâm, còn lo sợ, thì chính quyền còn có cơ hội để dẫn dắt họ vượt qua khủng hoảng. Còn một khi họ đã thờ ơ, hay ở thái cực bên kia là trốn tránh thực tế, thì đại dịch mới thực sự vô phương cứu chữa.
Vậy nên, lo lắng, sợ hãi khi đối diện với rủi ro là một điều bình thường, thậm chí là cần thiết.
Các bạn nhớ đeo khẩu trang, rửa tay và uống nước thường xuyên nhé.
Trong khủng hoảng, cơ quan có thẩm quyền (Chính phủ) nên giúp người dân thừa nhận và coi việc lo sợ là bình thường, là tự nhiên, thậm chí là cần thiết, thì mới mong kêu gọi được họ hợp tác chống dịch. Việc trấn an, làm giảm độ nghiêm trọng của vấn đề một cách thái quá cũng tồi tệ không khác gì bưng bít và che giấu thông tin.
Ngoài ra, cơ quan chính quyền, và cả các cơ quan truyền thông, thay vì đổ lỗi cho “hoảng loạn” và lên án việc người dân mua hàng tích trữ, hãy coi đây là phản ứng bình thường để phòng bị cho trường hợp xấu – một nhu cầu chính đáng, và có các biện pháp quản lý để việc phân phối hàng tích trữ được diễn ra một cách trật tự, an toàn và bình đẳng.
Chia sẻ của Anh Tuấn Nguyễn