COVID-19 như một liều thuốc thử để đánh giá sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp Việt. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tái đi tái lại, khiến cả chục ngàn doanh nghiệp rơi vào nguy cơ phá sản.
Để con thuyền doanh nghiệp trụ vững trong giai đoạn sóng gió này, yếu tố con người phải đặt lên hàng đầu. Tinh thần toàn tâm toàn ý của đội ngũ nhân sự là cần thiết hơn bao giờ hết.
Một thực tế, nhân sự Marketing. – bộ phận chủ chốt trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp – luôn mang tiếng là “nhảy việc” nhiều nhất, có doanh nghiệp dăm bữa nửa tháng lại đăng tuyển nhân sự Marketing. Bộ phận quan trọng nhất không ổn định thì làm sao doanh nghiệp vững mạnh.
Trước những khó khăn, làm sao để nâng cao tính gắn kết, tạo động lực cho đội ngũ nhân sự ở lại đồng hành với doanh nghiệp, đặc biệt là bộ phận MKT – Sales?
Các sếp nên thẳng thắn đối mặt với vấn đề, cho nhân sự thấy đây là cái khó chung, thị trường ngoài kia cũng đang một màu xám. Kịch bản xấu nhất: công ty mà “toang”, không kinh doanh được thì chuỗi cung ứng cũng đổ vỡ, đình trệ. Từ đó kéo theo thị trường tuyển dụng thu hẹp, nhân viên cũng dễ rơi vào thất nghiệp.
Thay vì ngó nghiêng công ty nọ, vị trí kia để nhảy việc thì đồng lòng lèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chắng phải tốt hơn sao?
Sau khi giáo dục tư tưởng nhân sự, các sếp cần hành động cụ thể, đảm bảo quyền lợi của nhân sự:
Lương thưởng: Có thực mới vực được đạo. Làm gì thì làm, nhân sự phải được giải quyết những nhu cầu cơ bản nhất: cái ăn, cái mặc, chỗ ở… Đồng ý là thời điểm khó khăn, nợ lương, chậm lương, giảm lương là khó tránh khỏi, nhưng đừng để tình trạng này kéo dài. Không được đối đãi đàng hoàng, còn đâu động lực gắn kết?
Niềm tin và sự tự hào về công ty: Phải khiến nhân sự tin tưởng rằng lãnh đạo là người cầm lái thực sự có tâm và có tầm, có khả năng “vượt bão”. Sếp phải luôn vững vàng, lạc quan, tiếp lửa cho anh em chiến đấu. Nhân viên tự hào về sếp, về định hướng phát triển bền vững, có đạo đức, có tầm nhìn của công ty. Cần truyền thông nội bộ thật tốt dựa trên nền tảng VHDN đã xây dựng.
Cảm giác được tôn trọng: Trong thời kỳ nhạy cảm, các sếp nên ứng xử khéo léo hơn, hạn chế việc la mắng, trách móc nhân sự khi họ làm sai. Thay vào đó, khuyến khích nhân viên chấp nhận rủi ro và thất bại, ghi nhận thành công và nỗ lực của họ, khẳng định họ là những mắt xích không thể thiếu trong cỗ máy doanh nghiệp.
Cơ hội được phát triển, thăng tiến: Khi con thuyền vượt bão thành công, người ở lại những tuyệt vời nhất, họ xứng đáng có nhiều cơ hội thăng tiến và phát triển. Cần sếp cần bắt tay vào thiết lập OKR, định hướng cho nhân sự con đường, bước đi, hỗ trợ họ đạt được mục tiêu, nhân sự tiến gần hơn với hoài bão, ước mơ của mình.
Mọi người có những phương án nào để giữ chân nhân sự trong mùa dịch này? Hãy cùng thảo luận nhé!
Chia sẻ của Đinh hà My