Doanh nghiệp nọ nhận vốn đầu tư của một quỹ đầu tư. Hợp đồng ký xong thì giờ phía doanh nghiệp bảo hợp đồng đã ký không giống những gì đã bàn.
Họ cầu cứu Thủ tướng giải quyết. Việc này Thủ tướng can thiệp có đúng không? Việc tranh chấp của doanh nghiệp nếu có cần phải giải quyết ở trọng tài hoặc tòa án.
Còn trước khi ký hợp đồng buộc doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ càng, không đủ kỹ năng về luật pháp thì phải thuê luật sư, không đủ kỹ năng về ngôn ngữ buộc phải thuê phiên dịch tốt. Tôi nghĩ cách hành xử như doanh nghiệp này không ổn và thiếu chuyên nghiệp cho dù với bất kỳ lý do nào.
Công việc hàng ngày chúng tôi cũng hay gặp những đối tác phía Việt Nam hành xử giống vậy. Hợp đồng ký xong mà thấy thực hiện có thể phát sinh bất lợi hay có vấn đề là họ hủy luôn.
Thậm chí có hợp đồng khác có thể lợi hơn họ tìm mọi cách để xin hủy hợp đồng đã ký, nhiều khi những lý do khá buồn cười.
Điều này tạo ra điều tiếng không tốt về độ uy tín của các doanh nghiệp Việt. Hợp đồng chữ ký con dấu đỏ chói nhưng nó sẵn sàng trở thành giấy lộn ngay nếu gặp những doanh nhân không uy tín như vậy.
Điều này khá khác với nhiều nước phát triển khác chỉ cần hợp đồng có chữ ký của người chịu trách nhiệm chính là xong. Nhưng trước khi ký đã có ý kiến của luật sư chuyên môn của họ tư vấn.
Mọi tranh chấp sau đó nếu có sẽ được đưa ra trọng tài hoặc tòa án xử lý. Trong khi việc khởi kiện hiện tại ở mình là phức tạp nếu không muốn nói là nhiều trường hợp được thêm nhiều phiền toái thậm chí là tai họa.
Nhiều trường hợp thắng kiện đi nữa thì việc thi hành án cũng không đơn giản. Bản thân doanh nghiệp tôi và khá nhiều bạn bè đã được trọng tài tuyên thắng rồi vẫn không thi hành án được.
Chính tình trạng này tạo ra môi trường kinh doanh không tốt, doanh nghiệp Việt không phải là những doanh nghiệp được đánh giá là uy tín. Một khi cách hành xử kiểu ao làng đã thành thói quen sẽ tạo ra những tình huống khá bất lợi khi ra quốc tế.
Đã có nhiều doanh nghiệp bị phạt nhiều triệu USD ở nước ngoài bởi cách làm không chuyên nghiệp thích thì ký hợp đồng, không thích là hủy ngang như vậy.
Trở lại chuyện của doanh nghiệp phía trên cách hành xử của họ ngoài thiếu chuyên nghiệp thì cách kinh doanh dựa trên tư tưởng thân hữu đang khá phổ biến ở rất nhiều các doanh nghiệp mới khởi sự kinh doanh, mau có kết quả nhưng cũng sẽ chóng lụi tàn theo vòng đời của các nhiệm kỳ của các chính trị gia và doanh nghiệp chỉ lẩn quẩn trong cái ao nhà.
Tất nhiên, cũng nên xét tình trạng thực tế đã có người từng cay đắng để mất trắng doanh nghiệp mình sau khi nhận được vốn từ một quỹ đầu tư, một bác sĩ đã ngậm ngùi khởi nghiệp lại ở tuổi lên lão… Nhưng tất cả không thể biện minh cho việc thiếu chuyên nghiệp và tư tưởng thân hữu.
Chia sẻ của Tri Quang La