Mục lục
Trong gia đình:
Khi người đàn ông liên tục đi công tác, tiếp khách…
Nếu người vợ nói với các con rằng “Ba con vì chén cơm manh áo, vì sự nghiệp cho gia đình mà hi sinh, vất vả… các con cố gắng học giỏi để mai này phụ giúp cho ba, có ích cho đời…” thì vô cùng tuyệt vời, đúng nghĩa “đàn bà xây tổ ấm”.
Tuy nhiên, nhiều người chỉ vì biết đôi khi ông chồng mê cù khú với bạn bè, tìm cớ đi nhậu, thế là quát mắng trước mặt con cái “Ba mày chỉ biết ăn với nhậu, suốt ngày đi ngoài đường, chẳng bao giờ biết lo cho cái nhà này…”.
Đôi lần như thế là con không còn tôn trọng cha, vợ không còn yêu thương chồng, gia đình vì thế mà ngột ngạt, căng thẳng…
Cách mà ông bà vẫn hay dạy là “đóng cửa bảo nhau”, chỉ 4 từ gãy gọn thôi nhưng sâu sắc vô cùng.
Trong một tổ chức:
Thời dịch giật, khó khăn bốn bề, lãnh đạo đang phải làm rất nhiều việc để duy trì việc làm, đảm bảo lương tối thiểu cho anh em.
Người có tố chất gắn kết thì chia sẻ với team “Công ty đang vất vả chống dịch, anh em động viên, hỗ trợ nhau, mấy chỉ đạo của sếp cố gắng làm cho tốt, chi tiêu tiết kiệm, nếu có giảm thu nhập thì cũng vui vẻ đồng hành cùng công ty, đồng cam cộng khổ…”.
Người chia rẽ thì tụ năm tụ bảy rồi lời ra tiếng vào “Chà, chắc cũng chẳng khó khăn gì lắm đâu, sếp té nước theo mưa ấy mà, làm ăn kinh doanh thì lúc lãi lúc lỗ chứ, dịch giật mới có mấy tháng mà vậy đấy!
Công ty bạn tao, chồng mình đã không giảm mà còn tăng lương, mua thêm bảo hiểm cho nhân viên nữa kìa… Tình hình này, chắc hết năm nay tao cũng kiếm chỗ khác làm chứ ở đây coi bộ không bền”
Miệng lưỡi thế gian, cũng như “đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng” là vậy. Nói thì rất dễ, dễ lắm, vì nói thì kiểu gì nói cũng được, nhưng khổ nỗi là người nghe thì không phải ai cũng tỉnh táo, cũng tinh anh, cũng gạn lọc được.
Thế cho nên, với nhân sự dở chút, chậm chút, thậm chí hay đánh võng lạng lách chút, đi muộn về sớm… đều không nguy hiểm bằng nhóm nhân sự kiểu người thứ 3 gây chia rẽ.
Nguy hiểm tới mức có thể phá toanh một chương trình hành động mà tổ chức dày công gây dựng – chỉ bằng 1 câu nói. Phát hiện nhân sự này trong tổ chức, thì lập tức triệu tập, “lên lớp”, nhắc nhở nghiêm túc nhất có thể, chỉ một lần cảnh báo là đủ, tái phạm là áp dụng ngay hình thức xử lý cao nhất.
Tương tự, trong group bạn bè, quan hệ xã hội cũng vậy, có những người luôn nhìn thấy điểm tốt, điểm sáng của người bạn mình.
Khi có mâu thuẫn, là người đó luôn cố gắng để tìm ra những lý do chính đáng dẫn tới hiểu lầm của các bên, từ đó dùng những lời lẽ có lý có tình, phân tích đa chiều, giúp mọi người hiểu nhau hơn, gắn kết tập thể.
Người có khả năng gắn kết là người biết nghĩ, sâu sắc, tâm sáng… quý như ngọc trong đá vậy.
Ngược lại, không ít người thuộc nhóm chia rẽ, cứ xuất hiện ở đâu là nhiều chuyện ở đó: suy diễn, tự diễn biến, châm dầu thêm lửa… kết cục làm tan làm đàn xẻ nghé.
Sức tàn phá của nhóm này nghiêm trọng đến mức mà tác giả Nassim Nicholas Taleb đã dành hẳn nhiều năm để viết cuốn “Skin in the game” – chỉ nói về chủ đề này.
Tôi hay chia sẻ với anh em, cho một con sâu vào vườn rau sau nhà, chẳng mấy chốc mà cả vườn đầy sâu. Ngược lại, cho một bó rau vào đám sâu, thì trong 3 nốt nhạc, sâu nhân lên gấp đôi mà rau thì biến mất.
Đương nhiên, cũng có những cây có khả năng miễn nhiễm, chống chọi tốt – nhưng sự thật là không nhiều.
Tốc độ nhân lên và phá hoại của sâu nó khủng khiếp lắm. Một con sâu làm rồi nồi canh là vậy.
Nên mỗi người, mỗi tổ chức… nên cố gắng phát hiện sớm các loại sâu bệnh: sâu chia rẽ, sâu lười, sâu bi quan, sâu cực đoan, sâu tham nhũng, sâu ăn chia, sâu nhút nhát… từ đó mà có phương án xử lý sớm.
Nhân dịp tết Đoan Ngọ, tết diệt sâu bọ, chúc cả nhà vui vẻ, sức khỏe, bình an & gắn kết.
Chia sẻ của Tuấn Trần