Chia sẻ thông tin xu hướng kế toán doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là các SME hay các bạn mới khởi nghiệp. Doanh nghiệp nào cũng muốn phát triển mở rộng trong tương lai, thế nhưng nhà quản lý CEO, chủ Doanh nghiệp không nghĩ rằng cái Báo Cáo Tài Chính được lập như thế nào? Các chỉ tiêu con số trong Báo Cáo Tài Chính nói lên điều gì?
Mà đa số chỉ là nói lên bằng lời cái mình muốn; Trong khi đó các con số trong quá khứ, các con số tại thời điểm nào đó đã nói lên bức tranh của Doanh nghiệp. Khi đọc báo cáo tài chính, đọc và phân tích các con số thì cũng có thể nhận định được phần nào hiện trạng của Doanh nghiệp, có nhiều kiến thức nhiều trải nghiệm thì sẽ phân tích sâu sắc hơn.
Đọc sổ sách, số liệu kế toán có thể hình dung ra bức tranh của Doanh nghiệp đó, thậm chí có thể nhận định được tính cách và quan điểm của người trong Doanh nghiệp. Thế nhưng đa số SME chỉ nghĩ rằng hoạt động còn nhỏ nên không cần sổ sách kế toán, không cần hệ thống thông tin kế toán làm gì, sở dĩ các Doanh nghiệp đó làm sổ chỉ vì đối phó với thuế, mục tiêu làm sổ sách kế toán, đầu tư cho kế toán chỉ là để đối phó với thuế.
Theo tôi đó là quyết định sai lầm. Không Doanh nghiệp nào phát triển mà kế toán đi thuê dịch vụ, mà lại dịch vụ nào càng rẻ càng tốt nữa chứ! Theo tôi Doanh nghiệp không thể sự phát triển nào dựa trên những con số tạo dựng theo kinh nghiệm “làm sổ” của người làm sổ cho công ty dịch vụ kế toán chứ không phải trải nghiệm của kế toán tại công ty.
Do đó trong thời gian đầu khi chưa có điều kiện có bộ máy kế toán riêng thì Công ty cũng nên có người phụ trách công việc lập chứng từ khi làm việc và các vấn đề phát sinh phải lập chứng từ để theo dõi hoạt động của công ty. Đơn giản là chi tiền thì chắc chắn có thủ quỹ, lập chứng từ thu chi là phiếu thu- phiếu chi để ký cá, và chứng từ chứng minh thu hoặc chi vì lý do gì’
Hoặc khi mua hàng, nhận hàng thì làm phiếu nhập kho; Khi bán hàng thì xuất kho và lập hoá đơn, khi xuất kho nguyên vật liệu sản xuất thì làm phiếu xuất kho, khi sản phẩm hoàn thành thì làm phiếu nhập kho sản phẩm hoàn thành
Tất cả mọi thứ ấy, tôi nghĩ dù muốn dù không thì Doanh nghiệp cũng nên theo dõi tài sản của mình từ đâu đến -đi đâu- về đâu. Việc còn lại để làm ra sổ sách kế toán và BCTC, báo cáo thuế thì đưa cho dịch vụ kế toán làm.
Có như vậy thì ở tại công ty mình cũng hoạt động làm việc có đầy đủ chứng từ theo quy định, và người của công ty, hoặc kế toán mới ra trường có thể làm việc ở công ty 1 thời gian, làm quen việc trong công ty rồi, đọc thêm sổ sách của dịch vụ kế toán dần dần sẽ phối hợp được công việc và sổ sách thì đến khi công ty phát triển thêm thì đã có người của công ty handle được công việc rồi.
Đó là cái lợi có thể được khi có được dịch vụ kế toán được phục vụ bởi những người có kiến thức chuyên môn tốt; Chứ đa số là không có được điều đó đâu, thậm chí có Doanh nghiệp khi tôi đến khảo sát thì tài sản máy móc thiết bị, vật tư nguyên liệu đầy ra đó, chỉ có tiền là không có nhiều thôi, nhưng trên sổ sách kế toán thì kế toán lại làm tiền thì nhiều lắm, còn tài sản công cụ dụng cụ, trang thiết bị thì không có gì.
Dù rằng khi thành lập công ty chủ Doanh nghiệp đã bê toàn bộ tài sản vừa tiền, vừa của mình vào công ty- Đó là vấn đề khi làm việc với đối tác, với ngân hàng, hay những nơi nào họ yêu cầu Báo Cáo tài Chính, yêu cầu cung cấp báo cáo thuế.
Doanh Nghiệp nào cũng muốn phát triển, thế nhưng các nhà quản lý, các chủ Doanh Nghiệp ít chịu đầu tư cho dài hạn, đặc biệt là về hệ thống thông tin kế toán, hệ thống thông tin cho quản trị Doanh nghiệp. Nhưng Doanh nghiệp không biết rằng xu hướng hiện nay là để tiết kiệm được chi phí thì chỉ có cách quản trị được chi phí.
Và nếu nhìn xa hơn thì có những chi phí bỏ ra về kế toán tài chính thì nó là chi phí nằm trong kết quả kinh doanh từng kỳ; Thế nhưng nếu xét về mặt kế toán quản trị thì những chi phí đó lại là tài sản của Doanh nghiệp, nó làm gia tăng giá trị của Doanh nghiệp, gia tăng giá trị thương hiệu.
Nếu Doanh nghiệp không có ghi chép theo kế toán quản trị thì sẽ không ghi nhận được những chi phí theo kế toán tài chính là không còn nữa, nhưng thực tế đó là tài sản vô hình mà Doanh nghiệp có thể xác định được giá trị tạo ra nó.
Đó là còn chưa nói việc cung cấp Báo Cáo tài Chính cho các nhà đầu tư để kêu gọi góp vốn, để kêu gọi đầu tư thì nhà đầu tư đọc ở đủ các khía cạnh, ngoài những chỉ sổ tài chính thông thường, nhà đầu tư, cổ đông còn xem cơ cấu vốn, khả năng tự chủ, chi phí sử dụng vốn của Công ty ra sao v.v….
Nếu dự định phát triển bằng con đường huy động vốn thì cần lưu ý phải có tư duy quản trị chiến lược ngay từ đầu, xây dựng hệ thống thông tin kế toán từ đầu.
Trong khi đến tận bây giờ năm sắp hết tháng 2/2017 khi Việt Nam chưa đầu tư cho thông tin kế toán tài chính, không đầu tư để có một Báo Cáo Tài Chính đúng bản chất và có giá trị thực thì từ năm 2013 ở một số nước người ta đã áp dụng Báo Cáo Tích Hợp (integrated reporting)
Nội dung của khuôn khổ báo cáo mới này là nó yêu cầu công ty cần tổng hợp và báo cáo dựa theo 6 nguồn vốn thay vì chỉ tập trung vào vốn tài chính để nhà đầu tư có cái nhìn toàn thể về cách công ty tạo ra giá trị trong dài hạn. 6 nguồn vốn được liệt kê đầy đủ là:
- Vốn tài chính (financial capital)
- Vốn sản xuất (manufactured capital)
- Ví dụ: công cụ, văn phòng
- Vốn sản xuất trí tuệ (intellectual capital)
- Ví dụ: danh tiếng, uy tín của công ty, bản quyền sản phẩm
- Vốn nhân lực (human resource)
- Ví dụ: khả năng và kinh nghiệm của nhân viên
- Vốn trách nhiệm và quan hệ xã hội
- Ví dụ: sự hài lòng của khách hàng
- Vốn tự nhiên
- Ví dụ môi trường hoạt động doanh nghiệp
Theo yêu cầu của khung báo cáo này 6 nguồn vốn trên cần phải được phát triển và báo cáo mang tính gắn kết với chiến lược phát triển dài hạn của công ty. Như vậy: Nếu chỉ Báo Cáo Tài Chính thông thường như hiện nay thì sẽ không phản ảnh đúng giá trị của Doanh nghiệp.
Đó là Báo Cáo tiền tệ, còn Báo Cáo Tích Hợp được xem như phi tiền tệ ( tuy rằng nó cũng được quy ra tiền ), báo cáo này sẽ được gộp lại tăng – giảm giá trị của Doanh nghiệp. Đây là xu hướng của thế giới, tuy nhiên Doanh nghiệp sẽ không làm được gì nếu không có kế toán quản trị.
Kế toán quản trị sẽ không có hoạt động hiệu quả nếu đội ngũ kế toán & hệ thống thông tin kế toán có kiến thức sai và không biết làm việc chuyên nghiệp, không liên tục cải tiến.
Từ đó ta thấy vai trò của người CEO không những phải là người quản lý, quản trị mà cần phải xem mình là một nhạc trưởng, chỉ huy dàn nhạc để biết phối hợp các nguồn lực để tạo nên bài nhạc hay.
Chia sẻ của Bùi Xuân Thắm