Câu chuyện đại bàng tự đập mỏ, nhổ lông, bẻ gãy móng vuốt để làm lại cuộc đời ở tuổi 40 là một câu chuyện phản khoa học, không có thật và mang màu sắc hoang đường.
Loài đại bàng thực tế chỉ sống được 20 – 30 năm (đa số chết ở tuổi dưới 5 khi còn chưa kịp trưởng thành), không có vụ “cải lão, hoàn đồng” để sống đến 70 năm như lời thêu dệt.
Thực ra, những câu chuyện thần thoại thường có tác dụng khi dùng để ru ngủ trẻ con. Còn đối với người lớn mà cứ đem chuyện hoang đường ra kể để tạo động lực là phản tác dụng.
Những học viên nghe câu chuyện hoang đường này của các thầy truyền cảm hứng thường rất có hứng nên… nhanh nhảu móc túi ra ghi danh các khóa học tiếp theo của các thầy;
Còn cảm hứng để làm việc hay theo đuổi một sứ mệnh nào đó trong lâu dài thì thường bị… tụt hứng mất tiêu chỉ sau một thời gian rất ngắn.
Những câu chuyện viển vông được thêu dệt cho thật hay ho và ly kỳ để “dụ” người lớn không khác gì những chiếc bánh vẽ mà nhiều người thường đem ra để dụ nhân viên về tương lai tốt đẹp của họ.
Một khi đã được vẽ lên mà không có thật, nó sẽ làm cho người nghe thất vọng ê chề và có khi còn tuyệt vọng khi nhận ra mình đã từng ảo tưởng vì bị phỉnh dụ như phỉnh trẻ con.
Mặt khác, trong cuộc đời của mỗi con người và mỗi doanh nghiệp, hãy đừng đợi đến khi đã sức cùng, lực kiệt (như con đại bàng già), rồi mới đi đập phá để tái sinh.
Công cuộc tái sinh, làm mới, nâng cao năng lực của bản thân và doanh nghiệp để tồn tại và phát triển phải được diễn ra từng tháng, từng năm, thậm chí, từng ngày, từng giờ, mỗi khi có thể.
Trong thực tế, có bạn nào đợi đến khi sức cùng lực kiệt (như con đại bàng già) rồi mới chịu đổi mới chính mình hay doanh nghiệp của mình để tái sinh không?
Tôi tin, mỗi ngày, mỗi người đều phải liên tục mài giũa, nâng cấp, không chỉ “móng vuốt” và cái “mỏ” (công cụ kiếm ăn) của mình, mà còn cả kiến thức, tư duy, thái độ, chứ không đợi đến khi sắp chết rồi mới chịu đi “lột xác”.
Nếu bạn mải mê “kiếm ăn” mà không chịu mài giũa kiến thức, kỹ năng, thái độ, tư duy, phương pháp, công cụ thường xuyên, bạn sẽ không còn cơ hội sống để mà chờ ngày lột xác tái sinh đâu!
Doanh nhân và các nhà quản lý nên hiểu điều này! Yes/No?
Không thiếu những câu chuyện có thật về những tấm gương vượt khó. Vậy thì kể mãi những câu chuyện phi thực tế, phản khoa học và gây lệch lạc nhận thức cho giới trẻ, liệu có tác dụng gì?
Khi kể một câu chuyện không có thật, mà chỉ là thêu dệt cho vui, người thầy phải có trách nhiệm nói rõ đây chỉ là câu chuyện thêu dệt cho vui, chứ không nên cố làm ra vẻ đây là câu chuyện thật.
Người học trò bị thầy phỉnh cho một lần, liệu có còn tin thầy vào những lần sau?
Chia sẻ của Long Nguyen Huu