Mục lục
Góc nhìn ngược chiều của tôi
Tong Wenhong là một trong 5 người phụ nữ quyền lực đứng sau Jack Ma, và được ví là nữ hoàng ngành vận tải Trung Quốc.
Cô ấy đã kiên nhẫn làm việc cho Jack Ma suốt 14 năm để trở thành triệu phú từ một nhân viên lễ tân, với trị giá tài sản 320 triệu USD.
Rất nhiều bài viết ca ngợi sự kiên trì chịu đựng của cô, vì thực tế rất nhiều lần cô hỏi Jack Ma, ông chỉ hứa hẹn chung chung mà không đưa ra thời hạn cụ thể.
Thậm chí, hầu hết các bài viết đều khen cô chấp nhận bị Jack Ma “lừa” suốt 14 năm để có ngày trở thành triệu phú; và chê 99,9% nhân viên khác không mấy ai chịu đựng được như cô, mà chỉ biết đòi hỏi quyền lợi trước mắt của mình (nên chẳng được gì).
Tất nhiên, việc khen cô ấy chịu đựng giỏi là không sai; nhưng việc chê 99.9% nhân viên khác không biết chịu đựng như cô, theo quan điểm của tôi, là không hoàn toàn đúng!
Hầu hết nhân viên không thể chờ đợi là vì cấp trên của mình không đưa ra mốc thời gian chờ đợi cụ thể. Và khi người lãnh đạo không có một cam kết chắc chắn về quyền lợi của người lao động, thì việc nhân viên ra đi là điều không thể tránh khỏi.
Cam kết ấy không nhất thiết phải là cổ phần, cổ phiếu (như Jack Ma) nếu công ty không có chính sách ấy, nhưng ít ra cũng là cam kết về quyền lợi được hưởng nếu đạt được mục tiêu hay kết quả gì đấy!
Các chủ doanh nghiệp đừng bắt chước Jack Ma mà đưa ra những lời hứa chung chung về quyền lợi cho nhân viên theo kiểu “bánh vẽ”, vì nó thực sự không tạo được động lực và lòng tâm huyết của họ.
Cô Tong Wenhong là một trường hợp cá biệt, và có thể cô có một mối quan hệ quá tốt đẹp với Jack Ma để mà có niềm tin và kiên nhẫn chờ đợi vào những lời hứa chung chung không có gì rõ ràng.
Hầu hết những người lao động khác không rơi vào trường hợp đặc biệt như cô, mà theo quy luật đời thường – chỉ tin vào sự cam kết rõ ràng, có thời hạn, có điều kiện, và con số cụ thể từ cấp trên của mình.
Là chủ doanh nghiệp hay cấp quản lý, nếu muốn nhân viên tin tưởng, gắn bó, bạn cần có cam kết rõ ràng về quyền lợi của họ.
Ngoài quyền lợi vật chất, bao gồm lương, thưởng, phúc lợi, cổ phần, cổ phiếu, thời hạn được phép bán ra, thời hạn IPO (nếu có), các kế hoạch đào tạp và phát triển nghề nghiệp cũng cần phải chú ý.
Nhân viên làm việc tốt luôn muốn biết, và có quyền được biết, con đường tương lai của mình. Nếu không nhìn thấy con đường tương lai và các quyền lợi rõ ràng, họ khó yên tâm ở lại làm việc, và nếu họ ra đi, cũng không thể trách được.
Tất nhiên, quyền lợi đặc biệt chỉ dành cho những người đặc biệt; nhưng quyền lợi bình thường cũng cần rõ ràng, cụ thể cho những nhân viên bình thường.
Về phía nhân viên, hãy cống hiến hết mình, làm việc hết sức trách nhiệm, và không ngừng học hỏi để cống hiến tốt hơn. Dù còn một ngày làm việc, cũng phải tạo ra giá trị cho công ty trong ngày làm việc đó.
Và lẽ đương nhiên, bạn cũng có thể đặt câu hỏi cho cấp trên và mong đợi từ họ sự cam kết về quyền lợi được hưởng; nhưng đừng quá đặt nặng chuyện đó khi mình chưa cống hiến được gì nhiều!
Tôi phân tích case này trái ngược với các bài viết loan truyền trên mạng, các bạn có quan điểm sao? Hãy mạnh dạn cho biết quan điểm của bạn nhé!
Chia sẻ của Long Nguyen Huu