Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến WeWork ít nhất 1 lần trong đời. Vậy thì sự sụp đổ của công ty này lớn đến mức nào mà chúng ta ai cũng cần phải biết? Để tôi tóm tắt một chút về sự kiện này nhé:
- 2010: WeWork được thành lập, với ý tưởng chia sẻ văn phòng làm việc. WeWork thuê các văn phòng giá rẻ, tân trang, chia nhỏ và cho các công ty/cá nhân khác thuê lại theo giờ/tuần/tháng… Đây là một dạng kinh doanh theo mô hình “khách sạn/dãy phòng trọ” dành cho công ty.
- 2011: được đầu tư 1 triệu USD bởi DAG Ventures
- 2012: được đầu tư 17 triệu USD, định giá công ty lúc này là 97 triệu USD
- 2013: được đầu tư 40 triệu USD, định giá công ty 440 triệu USD
- 2014: được đầu tư 485 triệu USD, định giá công ty 5 tỉ USD
- 2015: được đầu tư 434 triệu USD, định giá công ty 10.23 tỉ USD
- 2016: được đầu tư 690 triệu USD, định giá công ty 16.9 tỉ USD
- 2017: một nhóm nhà đầu tư bán lại cổ phần cho quỹ Vision Fund của tỉ phú Masayashi Son. Ông tiếp tục đầu tư tiếp, giúp tăng định giá của WeWork thành 21.2 tỉ USD
- 2019: định giá WeWork chạm mốc 47 tỉ USD. Nhưng đó chỉ là giấc mộng đẹp vào tháng 1. Đến cuối năm 2019, các khủng hoảng liên tiếp nổ ra như các khoản thua lỗ nặng nề, CEO tiêu xài hoang phí, văn hóa làm việc không đúng đắn, …. Cùng với kế hoạch IPO không thành công, WeWork chính thức trở thành “kỳ lân gãy sừng”.
Có thể bây giờ bạn đang nghĩ chia sẻ văn phòng làm gì, thua lỗ là đúng rồi vì giờ bạn đâu còn cần văn phòng để làm việc nữa. Bạn đang làm việc online, tất cả chúng ta đang work from home mà. Nhưng tại thời điểm cách đây 10 năm, WeWork thật sự là một ý tưởng đột phá. Họ là nguồn cảm hứng cho rất nhiều văn phòng chia sẻ khác trên khắp thế giới. Ở Việt Nam thì có Toong, Dreamplex, CirCO, …
Ok! WeWork ý tưởng tốt, vốn mạnh, không thiếu nhân viên giỏi cũng như các cố vấn tuyệt vời. Vậy vì sao họ vẫn thất bại, phải sa thải hàng ngàn nhân viên, làm các nhà đầu tư lỗ cả tỉ USD như vậy? Những nhà đầu tư sừng sỏ ấy có phải quá thiếu kinh nghiệm không? Tôi không cho là vậy. Chính vì họ nhìn thấy trước “con gà đẻ trứng vàng” này có thể đem lại cho mình hàng chục tỉ USD khác, họ mới rót vốn vào chứ!
Vấn đề chỉ có một thôi! Chính là ở đội ngũ nhân sự đấy bạn ạ! Khi chớm thành công, CEO của WeWork đã tiêu tốn rất nhiều tiền để hưởng thụ, và cả dàn quản lý cấp cao nữa. Họ không còn mải mê kinh doanh nữa. Văn hóa công ty lúc bấy giờ là hình thức đẹp đẽ, và hưởng thụ xa hoa.
Các nhà đầu tư có thể nhìn thấy tiềm năng của WeWork, nhìn thấy thị phần cực lớn của mảng kinh doanh này. Nhưng, tôi đoán họ chưa nhìn thấu được bản chất con người của dàn lãnh đạo. Con người là một trong những nhân tố quyết định thành bại của hầu hết mọi mối quan hệ trên đời này, từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, vợ chồng, công ty, … Bạn thử ngẫm nghĩ lại các mối quan hệ quanh mình xem, có phải đúng là như vậy không?
- Ý tưởng tốt, đội ngũ tồi => công ty phá sản
- Ý tưởng tồi, đội ngũ tốt => công ty sống ổn
- Ý tưởng tốt, đội ngũ tốt => công ty phát triển mạnh mẽ
Việc chọn lựa người cùng đồng hành với mình là điều cực kỳ quan trọng, vì nồi nào thì úp vung đó, mây tầng nào sẽ gặp gió tầng ấy. Đi cùng một ai đó lâu dài thì dần dần bạn và họ cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nhau.
Tôi từng thấy rất nhiều người gặp các vấn đề như vậy, đặc biệt là trong kinh doanh (như trường hợp của WeWork). Bạn có từng thấy ai đó quanh mình bị như vậy không?
- Đầu tư tiền của cho người khác kinh doanh, để rồi họ phá sạch
- Hùn hạp làm ăn nhưng đồng đội lười biếng, không muốn làm
- Cộng sự gặp chuyện là nghĩ đến bỏ cuộc, mau chán nản
- Đồng nghiệp làm việc qua loa, mình bạn phải gánh team
- Nhân viên thờ ơ, thường xuyên sai sót, luôn là bạn phải đi sửa lỗi
Hãy chủ động điều khiển bánh lái của con tàu đời bạn. Bạn đừng để vì nhìn sai người mà mọi công sức phải đổ bỏ đi hết.
Chia sẻ của Lê Ngân