Có bao nhiêu công ty đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001?
Có bao nhiêu bạn từng làm trong những doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận ISO 9001 (phiên bản 2008, 2015 chẳng hạn)?
Có bao nhiêu bạn là chuyên gia đánh giá nội bộ (internal auditor), chuyên gia đánh giá trưởng (lead auditor) hay từng đi làm công việc đánh giá nội bộ?
Ai từng viết những phiếu CAR (Corrective Action Report), tức những báo cáo vi phạm, cần phải khắc phục?
Và ai từng ở trong tình thế rất khó xử, vì người vi phạm, không ai khác, lại là những sếp cao nhất, nhì trong công ty?
Tôi có rất nhiều trải nghiệm với nhiều vị lãnh đạo là “chuyên gia” vi phạm các quy định, quy trình do chính các vị ấy ký ban hành.
Những doanh nghiệp làm ISO luôn gặp khó khăn vì chính sự làm việc tùy tiện của dàn quản lý cấp cao, đặc biệt là những người đảm nhiệm vị trí cao nhất trong công ty.
Họ là người thường xuyên vi phạm các chuẩn mực của các tài liệu quản lý do chính họ ký duyệt ban hành (đặc biệt là các quy trình ISO).
Họ vi phạm cả các giá trị cốt lõi mà họ copy ở đâu đó và công bố hoành tráng trên trang web, profile, brochure công ty của họ…
Vì sao như vậy?
Vì họ chẳng xem việc làm gương là yếu tố quan trọng hàng đầu của nhà lãnh đạo. Họ chẳng cần làm gương, vì họ sử dụng QUYỀN LỰC TỪ CHỨC VỤ, không phải QUYỀN LỰC TỪ SỰ ẢNH HƯỞNG.
Họ dùng quyền (từ chức vụ) để bắt người khác phải tuân thủ những thứ mà chính họ luôn vi phạm (và thản nhiên vi phạm).
Không cần nói, chắc ai cũng đoán được tâm trạng của nhân viên làm việc trong những tổ chức, doanh nghiệp đó sẽ như thế nào.
Hầu hết các doanh nghiệp Việt xây dựng hệ thống ISO đều không thực chất (nên không đem lại hiệu quả).
Nguyên nhân sâu xa hầu hết nằm ở người lãnh đạo.
Chia sẻ của Nguyễn Hữu Long