Càng gặp các “nạn nhân” tôi càng thấy phải chỉ cho rõ để họ sớm nhận ra và đỡ mất công mất việc! Các thầy hay dùng nhiều câu chuyện để minh hoạ lý thuyết, việc này cần nhưng nhiều thì lại thành ra chuyện khác!
Học viên rất thích nghe và nhớ các câu chuyện kể mà quên mất đó chỉ là ví dụ cho nội dung chính cần được truyền tải: Việc này tạo điều kiện cho các giảng viên “cao cấp” liên tục tung ra các câu chuyện dạng như:
“Các anh/chị biết không, thời tôi mới về nước, anh X, thứ trưởng bộ Y có lần tâm sự với tôi chuyện Z. Khi được tôi tư vấn, anh ấy mới vỡ lẽ và thế là làm công việc ở Bộ tốt hẳn lên tới 300% chỉ trong có 4 tháng!”
“Một lần khác, chị T Tổng Giám đốc công ty N mời tôi về làm phó của chị ấy, tôi có đưa ra ba điều kiện, đáp ứng đủ tôi mới về, …”. Đoạn văn này không có tác dụng gì ngoài việc quảng bá cho giảng viên. Học viên còn đang mải “mắt chữ A mồm chữ O” nghe thầy kể thì đã hết giờ. Hỏi lại là thầy giảng gì, thì thường nói: “thầy giảng hay lắm!” còn cụ thể là giảng gì thì không nhớ hết được.
Một thầy khác, hiện giờ đang rất nổi tiếng thì có cách nói chuyện như thế này. Ví dụ, khi giảng về tứ giác của urgent và important thầy rất hay đệm thêm vào phần lý thuyết đại loại: “đấy, cái chỗ này là nó mới là chỗ quan trọng anh chị này, tưởng là đơn giản thế thôi, nhưng khối anh chết ở sông ở bể không chết, lại đi chết ở cái chỗ nho nhỏ tắc tị nông choèn này đấy,…”
Học viên nghe thầy nói như vậy mà giọng thầy thì lên bổng xuống trầm lúc lại nhấn nhá thì cảm xúc chung là gì? Trong đầu họ nảy ra, chắc là thầy phải làm rồi thì thầy mới nói thắm thiết được như thế chứ!
Thế là họ đặt hết niềm tin vào cảm xúc thầy tạo ra ở họ, chả phải hỏi lại nữa, mê man trong câu chuyện không có hồi kết. Đôi lúc bật cười vì ví von của thầy so sánh với chuyện giai gái bậy bạ.
Tôi cũng hơi hoảng vì thấy thầy dạy tuốt các khóa, từ nhân sự tới bán hàng, tới tài chính, quản trị nguồn lực, kế toán quản trị,… Trấn tĩnh lại tôi đi hỏi mấy anh chị trong ngành, thì họ nói thầy chưa từng một ngày làm doanh nghiệp.
Từ đó tôi hiểu ra, đoạn thầy thêm vào, thực chất là phần “hoạt ngôn” mà bất kỳ ông diễn giả nào muốn để tâm tập luyện cũng làm được. Nó tương tự như phần kỹ thuật bluffing mà tôi đã từng nêu trong kỹ thuật sales.
Vậy thì đó là thầy “giỏi” nhưng mà là giỏi bán mình chứ không phải kiến thức hay kinh nghiệm rồi! Và thầy như thế chỉ hợp với một dạng học viên là cả đời muốn đi học nhưng không để áp dụng mà chỉ để “thấy sướng”!
Chia sẻ của Do Xuan Tung