Mục lục
Đó là một câu hỏi lớn mà bản thân tôi một người làm kỹ thuật ô tô, một người đang khởi nghiệp trong ngành ô tô rất mong muốn và khao khát khi đến với buổi gặp ngày hôm qua, và thực sự cảm thấy biết ơn khi nhận được sự chia sẻ tuyệt vời từ một người đàn anh đi tiên phong và đạt được những thành công rực rỡ
Tuy nhiên phía trước câu chuyện thành công đó là cả một ý chí kiên cường, là nghị lực là sự quyết tâm thay đổi của một con người luôn nghĩ lớn và không ngừng khát khao.
Con người của ý chí
Tốt nghiệp đại học Bách khoa năm 1983 với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành máy nâng chuyển bốc xếp (Nghĩa là không có chuyên môn về ô tô thương mại). Bác Dương đã quyết tâm học hỏi để trở thành một kỹ thuật viên sửa chữa giỏi công tác nhà máy đại tu ô tô Đồng Nai. Vào năm 1987 Bác được đề bạt lên vị trí quản đốc xưởng sửa chữa nhà máy đại tu ô tô Đồng Nai.
Vào năm 1991 Bác chuyển về làm Quản đốc xưởng sửa chữa – xí nghiệp cơ khí giao thông Đồng Nai
Vào năm 1997 – 2007: Bác là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần ô tô Trường Hải
Và từ 2007 đến nay Bác là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty CP ô tô Trường Hải.
Một người làm kỹ thuật giỏi, một con người hào sảng, cách nói và cách nghĩ của một người “Rất kỹ thuật” nhưng chưa bao giờ ngừng nghĩ lớn, ngay cả lúc ở những vị trí thấp nhất trong xưởng sửa chữa.
Bác chia sẻ “Khát vọng, ý chí và hoài bão” là tố chất không thể thiếu của một con người khởi nghiệp. Có nhiều người nói rất hay, rất sách vở nhưng khi gặp vấn đề khó khăn thì không đủ ý chí để vươn lên và vộ vàng từ bỏ.
Hãy rèn luyện nội công thâm hậu
Trong quá trình khởi nghiệp chắc chắn sẽ đối phó với hàng ngàn khó khăn, chông gai, thử thách. Những lúc đó cần có một nội lực đủ lớn và bác chia sẻ “Khó khăn là điều không thể tránh khỏi khi mình làm lớn, hãy rèn luyện cho mình nội công thật thâm hậu để đối diện với mọi khó khăn phía trước và luôn nhớ rằng mọi khó khăn đều có giải pháp pháp để giải quyết”
Khởi nghiệp để phụng vụ và phát triển nền kinh tế
Có lẽ điều mà tôi tâm đắc nhất ở Bác khi chia sẻ về khởi nghiệp có lẽ chính là “Kinh doanh phải cần có một triết lý, phải cần có một cái tâm đủ sáng và người khởi nghiệp đương nhiên một phần vì mưu sinh tuy nhiên, nếu chỉ vì mục đích mưu sinh thì đừng gọi là khởi nghiệp hãy bắt đầu vì mục đích đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội…”
“Khởi nghiệp như tình yêu, không ưa là không chơi, mà đã yêu rồi thì theo đuổi quyết liệt và hãy tới đường cùng rồi mới thay đổi” những câu nói này thực sự đã làm một người thợ như tôi thực sự thức tỉnh.
Hiểu rõ điểm mạnh của người làm kỹ thuật
Theo Bác Dương, người làm kỹ thuật luôn có những điểm mạnh riêng biệt “Là người tỉ mỉ, chi tiết, luôn chú trọng đến kết quả, suy nghĩ chỉ làm đúng, có quy trình và có thể đo đếm được, và hơn hết luôn hiểu rõ các quy luật của tư duy …”
Cần có chiến lược đúng
Theo Bác; Chiến lược là một công cụ kinh doanh hãy tìm ra một hướng đi dài, cứ làm lớn, làm to và không có điểm dừng, hãy tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh.
Bác chia sẻ về ba bước ngoặt quan trọng để tạo ra THACO ngày hôm nay.
- Bắt đầu từ 1 garage (Lúc đó rất ít xe để sửa, anh em cộng sự đều rất khổ và bản thân Bác là người thợ sửa chữa)
- Chuyển sang mô hình mua xe cũ về sửa chữa để bán lại (Đây là quyết định mang tính dich chuyển)
- Lắp ráp ô tô theo phân khúc riêng tạo nên điểm khác biệt. Xây dựng nhà máy lắp ráp tại Chu lai (Quyết định đương đầu với rủi ro để làm cái lớn)
Hôm qua, cho đến tận bây giờ và có lẽ cho đến những ngày tiếp theo có lẽ, tôi thực sự thức tỉnh. Tôi đã từng có suy nghĩ “Khởi nghiệp vì mưu sinh” và “Có lúc đã làm cho ước mơ của mình nhỏ bé lại”.
Chia sẻ của Nguyễn Thanh Đàm