Giá trị của một thương hiệu có thể phần nào đó nhận biết qua cách giao tiếp của nhân viên cấp bậc thấp nhất với khách hàng!
Trong những tháng gần đây, tôi bắt đầu tập thói quen là tiêu tiền mặt và mua mọi thứ bằng thẻ trong siêu thị gần nhà. Có hai siêu thị tôi hay vào là Q Mart và Vinmart. Q Mart thì cho tôi cảm giác của sự hoành tráng, không gian rộng lớn, hàng nhiều, thoải mái.
Trong khi đó, Vinmart lại cho tôi cảm giác hơi chật chội, thậm chí có lúc cảm thấy khó chịu vì đi đứng phải lách người. Theo một cách nào đó, phải nói thực lòng, tôi thấy tính cách mình ngày càng xấu đi khi không quan tâm tới người khác mà chỉ quan tâm tới thời gian và lợi ích của bản thân. Nhưng tôi đã thay đổi cái nhìn của mình về Vinmart và cả Vingroup chỉ bởi câu chuyện sau.
Hôm đó, tôi bước vào cửa hàng của Vinmart với nhu cầu mua một cây kem ốc quế. Do cửa hàng khá chật, che khuất góc nhìn của tôi, một phần do đang đọc bộ Tướng Dạ, nên mặt cứ cắm cúi vào điện thoại.
Sau khi lấy kem tôi đi ra quầy, mặt cứ cắm vào điện thoại và nói: “Em cho anh thanh toán.” Lúc tôi ngẩng mặt lên là một trung niên chắc hơn tuổi tôi, đang lễ phép xưng “Em” trả lời tôi. Tôi thực sự xấu hổ bởi sự đường đột của mình với một người hơn tuổi nên xin lỗi và hỏi chuyện anh.
- Vậy anh làm cho Vinmart ạ?
- Vâng, em làm cho Vinmart.
- À, ý em là anh làm cho Vingroup ạ? Em cứ nghĩ người của Vin thì sang chảnh, ai ngờ lại có người thân thiện như anh. Vin giờ khủng khiếp thật, ở đâu cũng có người.
- Vâng, em cám ơn anh.
- Vậy anh có biết Vin giờ có bao nhiêu nhân viên không nhỉ?
- Thú thực với anh là em không biết. Có chăng em chỉ biết số người của Vinmart thôi. Em rất tự hào khi là người của Vin bởi Vingroup là đầu tàu kinh tế của đất nước. Năm vừa rồi, chúng em đã trở thành doanh nghiệp tư nhân đóng thuế lớn nhất Việt Nam, cao hơn cả Viettel (tôi mua kem đúng sinh nhật Viettel mới đau cho nhà mạng).
Tôi trở về nhà và cứ suy nghĩ mãi về điều này. Tôi không biết nhân viên Vinmart kia có được đào tạo để hiểu rõ cái cuốn Brand Bible (Thánh Kinh Thương Hiệu) mà những người bạn làm CMO của tôi vẫn đề cập?
Tôi cũng càng không biết được việc những nhân viên của Vinmart có được cho đi các chương trình team building hoành tráng và tốn tiền hay không? (Tôi là người rất ghét các hoạt động team building vì thấy mất thời gian và không ra tiền.) Nhưng tôi biết chắc chắn nhân viên nọ đã cho tôi thấy hình ảnh của một Vinmart và cao hơn là Vingroup:
- Khiêm nhường khi không tranh cãi với tôi về độ tuổi và xưng hô
- Ân cần khi giới thiệu về sản phẩm và công ty
- Tự hào với thành quả của công ty và tự hào của việc là một trong những thành viên trong ngôi nhà của Vin.
Khách sạn Metropole – điểm đến của các thương hiệu lớn khi lần đầu đặt chân vào Hà Nội – từng cho tôi hiểu về việc mỗi nhân viên của khách sạn chính là một đại sứ thương hiệu. Và giờ đây, tôi tiếp tục nhìn thấy điều đó ở một nhân viên rất đỗi bình thường của Vinmart.
Có thể tôi sẽ bị nói là sai lầm, là thiếu hiểu biết nhưng tôi cho rằng trước khi một doanh nghiệp nghĩ đến những điều xa xôi và to lớn, hãy nghĩ đến những điều nhỏ bé. Đó là làm sao để nhân viên hiểu, nhân viên yêu và tự hào về công ty mình.
Hãy cho họ cảm giác: Tôi may mắn khi được làm cho công ty này, khi đó thị trường sớm muộn cũng là của bạn. (Câu này được cô Mai Kiều Liên, CEO của Vinamilk nói theo một cách khác: “Hãy để nhân viên của bạn muốn về nhà lúc 5 giờ và muốn đến công ty lúc 8 giờ.”)
Chắc chắn, lần mua kem tới của tôi sẽ vẫn ở Vinmart!
Chia sẻ của Tue Tri Nguyen
Đọc thêm các bài khác trong Series bài viết “18 Bài Học Cơ Bản Giúp Xây Dựng Thương Hiệu Một Cách Bài Bản Và Hiệu Quả Cho SME”
- Bài 1: Khởi Nghiệp Xây Dựng Thương Hiệu
- Bài 2: Câu Chuyện Về Thương Hiệu
- Bài 3: Tập Trung Vào Thương Hiệu Hay Trải Nghiệm?
- Bài 4: Hỏi Đáp Nhanh Về Thương Hiệu
- Bài 5: Thương Hiệu Khởi Nghiệp
- Bài 7: Thử “Giải Thiêng” Một Số Lầm Tưởng Về Xây Dựng Thương Hiệu Doanh Nghiệp
- Bài 8: Tính Nhất Quán Trong Thực Thi Chiến Lược Thương Hiệu
- Bài 9: Sở Hữu Một Thương Hiệu Hay Nhiều Thương Hiệu Là Tốt
- Bài 10: Thương Hiệu – Đừng Bỏ Nhiều Tiền Thuê Người Đào Hố Chôn Mình
- Bài 11: Xây Dựng Hình Ảnh Thương Hiệu Trong Tâm Trí Khách Hàng
- Bài 12: Giải Pháp Hiệu Quả Để Doanh Nghiệp Việt Tăng Doanh Số, Nâng Tầm Thương Hiệu
- Bài 13: Tăng Tốc Bán Ra – Nâng Tầm Thương Hiệu
- Bài 14: Chọn Thương Hiệu Tổ Chức Hay Cá Nhân?
- Bài 15: Hành Trình Xây Dựng Thương Hiệu Bao Gồm Những Công Việc Gì
- Bài 16: Văn hoá phục vụ
- Bài 17: Sản Phẩm Phải Trước Thương Hiệu?
- Bài 18: Xây dựng thương hiệu để bán hàng (Sales & Branding)