Sau 1 chuyến bay dài, rồi lại đi khảo sát bối cảnh quay cho 3 ngày sắp tới, nên dù được ông chủ tịch nhiệt tình mời bữa tối nhưng chúng tôi quyết định chọn 1 quán sushi băng chuyền cách khách sạn 3 bước chân
Lúc đầu chỉ nghĩ ăn nhanh cho xong rồi về nghỉ vì quá mệt, nhưng không ngờ có quá nhiều điều bất ngờ thú vị để nếu đến Nhật các bạn hãy thử 1 lần trải nghiệm tại một trong những chuỗi sushi băng chuyền nổi tiếng nhất Nhật Bản với 420 chi nhánh trên cả nước.
Đầu tiên, tôi không hiểu sao phải đi ăn tối từ lúc 5h chiều (tức là 3h Việt Nam) chỉ vì sợ full chỗ, chẳng nhẽ nhà hàng đông đến vậy. Và lúc đến thì tôi đã hiểu tại sao đối tác lại cẩn thận đến thế, vì nếu chỉ chậm 30 phút thì chúng tôi có thể phải chờ tới cả tiếng mới có bàn. Lúc tôi về thì phải có tới vài chục người đang ngồi chờ trong nhà và 1 hàng dài xếp hàng ngoài đường.
Nhà hàng có tới hàng trăm loại Nigiri-Sushi (Sushi có thịt ở trên cùng) và Gunkan Maki (cuộn cơm Sushi được bao bọc bởi một tấm rong biển, ở trên có trứng cá hồi hoặc 1 thành phần nào đó), đủ loại cả sống và chín, từ cá, tôm, mực đến gà, vịt, lợn, bò shabu-shabu. Ngoài ra còn có vài chục loại tempura (tôm, bạch tuộc…), trứng hấp kiểu Nhật, soup… Tráng miệng cũng nhiều lựa chọn mà cả đoàn no quá nên còn cắt bỏ phần này.
Ông chủ tịch nhiệt tình gọi tới gần 50-60 đĩa (nhiều quá chả nhớ nổi) của gần 20 loại (cá mập, cá ngừ, cá hồi…) và 6 suất trứng hấp là đủ 7 người no không thở nổi. Hải sản tươi ngon, thịt bò béo ngậy và cơm thì dẻo thơm. Chất lượng không kém những nhà hàng nhật nổi tiếng tại Việt Nam mà tôi từng ăn với chi phí đắt đỏ, toàn hơn 1 triệu/người mà cũng chưa no.
Đồ ăn tươi ngon như vậy cũng 1 phần vì Sushiro là nhà hàng đầu tiên trên thế giới lắp đặt các chip IC trên các đĩa được sử dụng trên băng chuyền để vận hành một hệ thống tự phục vụ và quản lý độ tươi của sản phẩm.
Quán rất đông, có tới hàng trăm khách ăn 1 lúc nhưng chỉ có chưa tới chục nhân viên phục vụ, toàn bộ việc order, lấy món đều do 1 tay ông chủ tịch thao tác, trong suốt bữa ăn tôi chỉ được gặp phục vụ trong đúng 2 lần, 1 lần là món soup chúng tôi order hết và lần thứ 2 là ra bill thanh toán. Khi đồ ăn gần đến thì chiếc máy đầu bàn sẽ nháy nút xanh và kêu báo hiệu để người order quan sát để lấy xuống.
Còn về quản lý độ tươi thì ông Takeda giải thích cho chúng tôi là đồ ăn trên đĩa sẽ bị bỏ đi sau khi chúng chạy được 350 mét trên băng chuyền mà không thực khách nào lấy xuống. Bạn sẽ không bao giờ tìm thấy sushi cũ chạy đi chạy lại xung quanh trên băng chuyền quá lâu.
Nếu không biết order thì bạn có thể lấy luôn sushi đang chạy trên băng chuyền, nhưng phải là đĩa không có số để không lấy nhầm đĩa của người khác. Sau khi ăn, bạn bỏ đĩa xuống cái hộc ngay trước mặt, sẽ có hệ thống tự động đếm số đĩa bạn đã ăn, mỗi màu đĩa sẽ có mức giá khác nhau và đưa vào hoá đơn thanh toán. Nói chung là ở Nhật mọi thứ đều được tự động hóa để tối ưu năng suất vì chi phí nhân công tại Nhật khá cao.
Mỗi đĩa sushi giá khoảng 150-180Y, nên chi phí cả đồ uống cũng chỉ khoảng 600.000/người.
Cuối cùng phải dành mấy dòng ca ngợi người đàn ông 70 tuổi đã giúp tôi có trải nghiệm tuyệt vời, đó chính là Ngài chủ tịch Kubo, một siêu đại gia mà có cốt cách vô cùng giản dị. Và công ty này, Marketing Director, ông Takeda cũng 65 tuổi rồi, có lẽ là 1 MD già nhất mà tôi từng biết, nhưng lại vô cùng nhạy bén.
Trung tâm nghiên cứu chuyên bảo tồn và phát triển các loại nấm quý hiếm của ông có tổng mức đầu tư tới gần 1.000 tỷ (mỗi cái kính hiển vi mà đã 2 tỷ rồi, cái máy nào tôi hỏi How much xong cũng choáng vì toàn tiền tỷ).
Hiện đang phân phối sản phẩm tới hàng chục quốc gia lớn trên thế giới (Đức, Pháp, Anh, Hàn…, trong đó Việt Nam là đối tác mới nhất và chắc chắn cũng là quốc gia bé nhất, nhưng ông vẫn vô cùng hiếu khách.
Ông tự tay mở cửa xe cho tôi, nhặt từng đám cỏ dại ở khu trồng nấm (mà nhanh quá tôi không kịp chụp), rồi cầm túi rác đựng vỏ chai cho cả đoàn. Ngồi ăn ông luôn quan tâm chu đáo đến từng người, thấy tôi không ăn được đồ sống là ông gọi sushi chín, chồng tôi không ăn được trứng lạnh là ông order món hấp nước.
Dù giàu có, biệt thự trải khắp nước, đi xe sang, nhưng khi đổ bia vào tempura tôm, ông vẫn không bỏ mà ăn hết vì người Nhật rất quý trọng đồ ăn.
Càng trải nghiệm, càng thấy kính trọng con người và văn hóa Nhật Bản, đó là lý do tại sao người Nhật luôn được cả thế giới bái phục về thái độ và ý chí.
Đúng là, thanh xuân này nhất định phải có 1 lần đến Nhật nhé cả nhà!
Chia sẻ của Le Phuong Dung