Một cây cầu được xây xong một nửa với chi phí (đã chi) 100 tỷ đồng thì được biết là đã chọn sai vị trí, gây lãng phí khi đưa vào vận hành. Nếu xây tiếp nửa còn lại thì sẽ mất thêm 100 tỷ nữa nhưng kết quả sẽ có một cây cầu mà không phương tiện nào muốn đi qua.
Trong khi đó, nếu xây lại một cây cầu khác ở một vị trí khác, hiệu quả hơn, sẽ phải đầu tư mới 200 tỷ đồng. Vậy có nên quyết định xây cầu mới hay không? Chắc chắn là nhà quản lý có khuynh hướng bảo thủ và muốn che giấu khuyết điểm sẽ tiếp tục cho xây cầu cũ với trăm ngàn lý do, trong đó có lý do chính là khỏi mang tiếng là đã làm sai, gây thiệt hại.
Ngược lại, nếu tính đến yếu tố “chìm” của 100 tỷ đồng đã bỏ ra (không lấy lại được), người hiểu biết sẽ ủng hộ phương án xây cầu mới với kinh phí mới là 200 tỷ đồng (còn hơn là tiếp tục xây cầu cũ, tốn thêm 100 tỷ đồng rồi, nhưng không sử dụng được, để rồi cuối cùng cũng phải bỏ ra 200 tỷ nữa để xây cầu mới)
Một ví dụ khác: Bạn đã mua một vé xem kịch với giá 200K rồi mới biết đó là một vở kịch rất dở và khán phòng rất tệ.
Bạn có hai lựa chọn:
- Mất 200K và mất thêm thời gian bị “tra tấn” bởi một vở kịch dở tệ tại một khán phòng bẩn thỉu, chật chội và nóng bức.
- Bỏ vé (chấp nhận mất 200K đồng) và có thời gian để xem một trận bóng đá hay trên ti vi hoặc làm gì đó mà bạn thích.
Trong trường hợp này, 200K là chi phí chìm (sunk cost) vì đã bỏ ra, không lấy lại được. Nếu cứ đưa con số 200K vào để tính toán, cân nhắc khi ra quyết định, rất có thể bạn sẽ chọn phương án 1 (vì tiếc tiền); ngược lại, nếu hiểu được bản chất của chi phí chìm, chắc chắn bạn sẽ chọn phương án 2 không hề đắn đo.
Bạn mua một túi xách với giá 800K. Ngay sau đó, một người bạn cũng mua đúng một chiếc túi y hệt như vậy với giá chỉ 500K. Bạn biết là bạn đã mua hớ 300k (do trả giá kém, không biết giá), và xem như mất 300K đó. Khi tính toán là để lại dùng hay bán lại, hay cho thuê chiếc túi này, bạn đừng tính cái 300K đó vào vì nó đã “chìm” mất rồi.
Giả sử sau này, bạn bán lại giá 1 triệu thì bạn vẫn không lấy lại cái 300K đã mất, vì lẽ ra bạn lời 500K thì giờ chỉ còn lời 200k. Còn nếu có người trả 600K, lẽ ra là bạn nên bán (vì cao hơn giá thị trường 100k rồi), nhưng bạn cứ “lưu luyến” con số 300K đã hớ nên không bán. Thế là bạn ôm mãi cái túi, không chịu bán để rồi nó tiếp tục xuống giá nữa!
Nhiều doanh nghiệp chết vì luyến tiếc chi phí chìm. Lỡ đầu tư vào một dự án sai lầm, lẽ ra phải exit (bỏ cuộc), dừng lại, thì vì tiếc tiền nên cứ “theo lao”, thế là chết. Khởi nghiệp, đầu tư vào một đống bao bì với thiết kế xấu và logo cực tệ. Lẽ ra nên bỏ, thì vì tiếc của nên cứ ôm về, đóng gói sản phẩm và không bán được, vừa mất tiền bao bì, vừa mất tiền sản phẩm tồn kho, lại còn làm cho hình ảnh thương hiệu xấu xí thêm.
Đọc bài này xong, sẽ không ai dại dột chết vì chi phí chìm nữa chứ?
Chia sẻ của Long Nguyen Huu