Vàng Lên Giá Mùa Cô Vi Nhưng Đừng Nên Lướt Sóng

Bài số#15 trong Series “Tài chính cá nhân

Tài chính cá nhân. Bài này review tình hình thực tế để giúp các bạn hiểu sâu hơn những vấn đề về đầu tư, tài chính cá nhân. Ngoài những bài lý thuyết cơ bản trong series bài Tài chính cá nhân, thỉnh thoảng tôi sẽ viết bài thực tế, dạng này.

Ngày 24/2/2020, cô Vi đẩy giá vàng lên mức gần USD 1,700/ounce. Giá vàng Việt Nam ăn theo tăng đến mức gần 50 triệu. Nhiều người ùn ùn đi mua vàng. Có người còn vay tiền để lướt con sóng cô Vi này. Qua 25/2, giá vàng thế giới giảm đến mức 1630-1650 USD/ounce, giá vàng Việt Nam về giá 46-47 triệu. Nhiều nhà đầu tư thua lỗ.

Các bạn đọc thêm bài “Sóng vàng đảo chiều ‘quét sạch’ túi nhà đầu tư” của báo Thanh Niên.

Trong loạt bài tài chính các nhân của tôi, có bài 4 và bài 5 (link bên dưới), nói rõ nhà đầu tư nghiệp dư không nên đầu tư ngắn hạn, không nên lướt sóng vàng.

Không ai có thể dự đoán chính xác giá vàng cả. Có thể giá vàng sẽ tiếp tục lên vì cô Vi, cũng có thể giá vàng sẽ điều chỉnh xuống, rồi lên lại hoặc lên rồi và xuống mạnh.

Trong ngắn hạn, giá vàng nhảy hoàn toàn ngẫu nhiên. Thông thường, trước khi lên giá, sẽ có vài đợt xuống giá để “hù doạ” những người mua vào, và ngược lại. Vì thế những nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp, và kể cả nhiều đại gia không thể thắng khi lướt sóng vàng. Nếu may mắn thắng ngày hôm nay, thì cũng sẽ thua vào ngày khác.

Theo tôi, cá nhân chỉ nên đầu tư vàng dài hạn ở tỷ lệ 5-10% trong quỹ dài hạn của mình. Không nên đầu tư nhiều, vì theo lịch sử, đầu tư vàng dài hạn chỉ cho tỷ suất sinh lợi ở mức 8.5-9.5%/năm. Nhưng cũng không nên bỏ qua, vì vàng là một trong những tài sản giá trị nhất mà chúng ta nên có khi xảy ra những rủi ro, biến cố.

Trong đợt biến động vàng vừa qua, các công ty, tiệm vàng được hưởng lợi rất nhiều. Nếu cùng lúc có người mua và người bán, thì họ chỉ cần phục vụ khách hàng thôi thì đã có lợi nhuận 1 – 2 triệu trên 1 lượng mà hoàn toàn không có 1 rủi ro nào cả.

Còn nếu lượng mua và bán chênh nhau thì họ đánh ra sàn quốc tế.

Ví dụ tại thời điểm có 500 lượng mua và 300 lượng bán. Thì họ ngay lập tức họ “ráp” 300 mua và 300 bán với nhau, và vì thế có thể hưởng chênh lệch giữa giá mua và giá bán mà hầu như không có rủi ro nào.

Còn 200 lượng dư mua từ khách hàng, thì đồng thời với lúc họ bán ra tại Việt Nam, họ sẽ đặt lệnh mua số lượng tương đương trên sàn quốc tế. Trạng thái vàng của họ xem như bằng 0. Bằng cách liên tục đặt những lệnh “phòng hộ” như vậy, các công ty/ tiệm vàng sẽ được hưởng chênh lệch khá cao giữa giá mua, giá bán với mức rủi ro rất thấp.

Chứng khoán mùa cô vi – Cơ hội để đầu tư dài hạn

Cô Vi đưa vàng lên cao và đẩy chứng khoán xuống sâu. Từ mức 991 ngày 22/1 xuống còn 909 ngày 25/2, giảm 9%, gần bằng tỷ lệ tăng trưởng trung bình 1 năm.

Như bài 4, (link bên dưới), tôi vẫn tư vấn rằng các nhà đầu tư nghiệp dư không nên lướt sóng, không nên kinh doanh/trade. Không ai dự đoán chính xác chứng khoán sẽ phục hồi hay sẽ xuống tiếp. Nên nhà đầu tư nghiệp dư đừng nên tham mà tham gia lướt sóng chứng khoán vào những lúc dầu sôi, lửa bỏng thế này.

Nhưng đây là cơ hội để mua vào những cổ phiếu giá trị để đầu tư dài hạn theo như câu nói của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet

“Hãy sợ hãi khi mọi người tham lam. Và hãy tham lam khi mọi người sợ hãi”.

Những bài Tài chính cá nhân sau này về việc đầu tư cổ phiếu dài hạn sẽ hướng dẫn các bạn những khái niệm sau.

Thị giá hay giá thị trường của cổ phiếu (market price, market value) được xác định bởi quy luật cung cầu. Cầu cao hơn cung thì giá lên. Cầu nhỏ hơn cung thì giá xuống. Cung cầu thì lại xác định bởi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, bởi kinh tế vĩ mô, và bởi tâm lý của nhà đầu tư.

Giá trị nội tại (value hay intrinsic value) là giá trị thực của cổ phiếu. Giá trị nội tại này bằng Giá trị hiện tại của những dòng tiền do cổ phiếu mang lại cho người sở hữu. Giá trị nội tại thì không bị ảnh hưởng bởi luật cung cầu, mà phụ thuộc vào nội lực, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Bình thường thì giá thị trường bằng, thể hiện giá trị nội tại của cổ phiếu. Nhưng khi thị trường sợ hãi quá mức, cầu sẽ nhỏ hơn cung, sẽ đẩy giá của các cổ phiếu, kể các cổ phiếu tốt xuống thấp hơn giá trị nội tại của chúng. Sự chênh lệch của giá trị nội tại so với thị giá càng lớn thì càng an toàn cho việc mua vào của nhà đầu tư theo trường phái giá trị. Sự chênh lệch này gọi gọi là biên độ an toàn (Margin of safety).

Như vậy đây là lúc chúng ta chờ thị giá của những cổ phiếu mà chúng ta đã nghiên cứu, xuống thấp, thấp hơn giá trị nội tại càng nhiều càng tốt, thì chúng ta mua vào để đầu tư dài hạn. Dài hạn nhé!

Sỡ hữu kỳ nghỉ (timeshares) kiểu Việt Nam còn rủi ro hơn condotel nhiều lần

Lúc 7:25 sáng 25/2/2020 tôi nhận được email sau: (tôi chép lại nguyên bản, chỉ xóa phần tên riêng).

“Em mạo muội viết email cho anh sau khi đọc loạt bài về đầu tư tài chính của anh. Em muốn xin anh một vài đánh giá, nhận xét về một trường hợp đầu tư thực tế em đang được chào mời. Cụ thể, xin trình bày như bên dưới.

Công ty Thiên Đường ABC (gọi tắt là ABC) mời mua một căn hộ diện tích 157m2, theo tiêu chuẩn 5 sao, có 02 phòng ngủ, đầy đủ tiện nghi cho tối đa 7 người. Căn hộ nằm trong quần thể khu nghỉ Thiên Đường ABC ở Bãi Dài, Cam Ranh, Khánh Hòa.

Nếu đồng ý mua, em sẽ được quyền sử dụng căn hộ trên, trong trọn vẹn 1 tuần (8 ngày, 7 đêm) trong 35 năm (2020 – 2055) để làm kỳ nghỉ hàng năm cho gia đình. Ngoài quyền lợi được sử dụng làm nơi nghỉ dưỡng hàng năm, nhà đầu tư có quyền cho, tặng, và bán lại quyền sử dụng căn hộ đó cho người khác để làm kỳ nghỉ – đây chính là khía cạnh đầu tư của trường hợp này.

Giá mua quyền sử dụng căn hộ trong 1 tuần, trong 35 năm là USD 25400 – tương đương 590 triệu đồng. Người mua trả ngay 30% giá trị căn hộ sau khi ký hợp đồng, và trả dần hàng tháng 70% còn lại trong vòng 24 tháng, 0% lãi suất.

Phí thường niên là 9 triệu đồng – dùng để duy trì các tiện nghi của căn hộ trong 1 năm. Người mua không phải trả thêm khoản tiền nào khác ngoài hai khoản trên.

Do tuần nghỉ nằm trong tháng 7, là thời gian cao điểm của mùa du lịch, nên việc cho thuê lại rất dễ dàng (theo đánh giá của bên ABC). Giá cho thuê căn hộ ước tính là USD 400/đêm (USD 2800/7đêm ~ 65 triệu đồng).

Em sử dụng cách tính do anh hướng dẫn, để tính ra kết bên dưới – Tỷ suất sinh lợi hàng năm là 11%. Đây là mức đầu từ có TSSL tốt (từ 10% – 15%/năm). Nếu có thể, em muốn nhờ anh cho vài đánh giá nhận xét, về hình thức đầu tư này. Các rủi ro lơn nhất của người đầu tư trong trường hợp này là gì?

Em xin chân thành cảm ơn anh đã đọc.”

Thật ra thì những nội dung về rủi ro trong đầu tư, tôi đã viết trong bài 2 (link bên dưới).

Tôi đã email trả lời cho bạn như sau:

Cám ơn em đã tin tưởng anh. Em hãy tự trả lời những câu hỏi sau, để hiểu rõ về 3 rủi ro chính của sản phẩm này.

Rủi ro mất hẳn vốn

Công ty này có uy tín không? Công ty có thực sự sở hữu 100% căn hộ hay quần thể đó hay không? Lấy gì làm căn cứ để đảm bảo họ có quyền sở hữu và kinh doanh căn hộ đó trong 35 năm tới.

Nếu công ty đó lừa đảo, hay phá sản thì ai bảo vệ NĐT?

Gửi tiền ngân hàng, mua cổ phiếu, mua nhà thì NĐT có cán để nắm, có Nhà nước, có pháp luật bảo vệ. Còn mua kỳ nghỉ này, em nắm cái gì? Mua bán giá trị lớn mà công ty không công khai về chủ thể, không công khai dự án thì có gì để em nắm. Tại sao họ không công khai thông tin, công khai website, công khai hợp đồng?

Rủi ro không đạt tỷ suất lợi nhuận, giảm vốn

Bài toán mà công ty đưa cho NĐT xem là bài toán tối ưu: 100% công suất cho thuê., chưa tính đến rủi ro thị trường, chưa tính đến cạnh tranh. Nếu công suất 70%, 50% hay 30% thì sao? Nếu giá cho thuê thấp hơn thì sao? Tỷ suất sinh lợi thấp hoặc âm ngay.

Rủi ro thanh khoản (chuyển đổi ra tiền)

Sản phẩm này thanh khoản cực kỳ thấp. Công ty Thiên đường ABC dùng nhân viên sales đeo bám, và bao nhiêu chiêu thức, mà em và NĐT còn chần chừ không mua, thì bản thân em, NĐT làm sao mà bán được cho người khác nếu muốn thoát vốn. (Tôi thấy trong group trao đổi sản phầm này, em có thể bán 1,2 kỳ/tuần cho nhau, chứ làm sao bán 35 kỳ/tuần nổi?!

Sau đó tôi gọi thêm điện thoại để giả thích cho bạn thì nhận thêm được bản chụp báo giá. Theo đó Công ty Thiên đường ABC chia năm ra làm 52 tuần và bán cho khách từng tuần. Mùa du lịch cao giá các mùa khác. Tôi cộng nhẩm lại thì thấy giá 1 căn hộ, sau khi đã cộng cho 52 khách, sẽ cao gấp 4-5 lần Condotel.

Condotel giá thấp hơn nhiều, mà chủ đầu tư còn gánh không nổi TSSL 12%, thì Sở hữu Kỳ Nghỉ của Thiên đường ABC bán giá gấp 4-5 lần, làm sao tạo được TSSL tốt cho các nhà đầu tư?

(Các bạn đã lỡ mua rồi, đừng giận tôi nhé. Hãy tự trách bản thân mình đã quyết định đầu tư vào 1 sản phẩm TSSL thấp mà rủi ro thì quá cao).

Công ty vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng

Nguồn cafef “Lộ diện công ty bất động sản vốn 144.000 tỷ đồng – lớn gấp 4 lần VinHomes: Trụ sở tại Hoài Đức, Hà Nội”

“Thông tin một doanh nghiệp có vốn điều lệ đăng ký lên đến 144.000 tỷ đồng đã gây xôn xao giới tài chính sáng nay khi mà hiện cả nước mới chỉ có 5 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100.000 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, doanh nghiệp này có tên là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco). Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính của doanh nghiệp này là Kinh doanh bất động sản.

Doanh nghiệp này có trụ sở chính tại Số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, Huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội, Việt Nam, Tên người đại diện theo pháp luật: TRẦN GIA PHONG, sinh năm 1979.

Công ty này có 3 cổ đông, bao gồm ông Trần Gia Phong và bà Kim Thị Phương mỗi người góp 30%, tương ứng 43.200 tỷ đồng cùng ông Nguyễn Hoàn Sơn góp 40%, tương ứng 57.600 tỷ đồng.

Những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu hiện nay đều có vốn điều lệ nhỏ hơn USC Interco khá nhiều như Vingroup chỉ ở mức 34.300 tỷ, VinHomes 33.500 tỷ, Novaland Group 9.700 tỷ, Becamex IDC 10.350 tỷ…”

Giới kinh doanh, tài chính xôn xao về vụ này. Sau đây là những giả thiết khả dĩ:

  • Họ cố tình đăng ký số lớn để xôn xao, PR. Mức phạt cho việc giảm vốn, quá nhỏ so với hiệu quả của cú PR này. (Chúng ta bàn đó là PR khôn ngoan hay PR… sau nhé).
  • Họ đùa quá mức
  • Công ty này là bình phong của đập đoàn quốc tế nào đó.
  • Công ty này là sân sau của nhóm đại gia nào đó.
  • Cũng có thể có 1 tập đoàn nào đó, tự nhỏ từ từ hoặc giải thể, để chuyển qua doanh nghiệp mới này.

Nói gì thì nói, tiền mặt 144.000 ngàn tỷ, tương đương 6 tỷ đô thì hiếm lắm. Trên thế giới còn khó, huống gì Việt Nam.

Mà nếu việc ấy là có thật, thì Tổng cục Thuế kỳ này ngon rồi. Chỉ cần truy nguồn gốc số tiền, để thu thuế thu nhập thì chắc cũng bộn tiền vào ngân sách.

Chúng ta chờ xem vụ này thế nào nhé. Thân ái!

Đọc thêm “Cẩm nang tài chính cá nhân toàn tập 2020″

Chia sẻ của Lâm Minh Chánh

Bài viết này có hữu ích với bạn không?

Click vào một ngôi sao để đánh giá bài biết!

Đánh giá trung bình 4.8 / 5. Số phiếu: 16

Không có phiếu bầu cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết có 0 bình luận
THÔNG TIN NGƯỜI GỬIĐóng (x)

Bài Hay Nên Đọc

Bài Mới Xuất Sắc

Case Study Mùa Dịch: Bán Hết 500kg Cua Trong 1 Ngày

Đây là một case study khá thú vị với mình trong mùa dịch, chưa dừng việc bán hết 500kg cua mà những ngày tiếp theo...

Seeding Facebook – Hiệu Ứng Đám Đông Không Bao Giờ Đi Sau Thời Đại

Mình làm chuyên về dịch vụ seeding từ lúc mà seeding còn chưa biết đến nhiều bị. Thậm chí anh chị em đánh đồng vào...

Cổ Phiếu Bất Động Sản Có Phải Là Những Tài Sản Bất Động Thời Gian Tới?

Trước khi tìm hiểu dòng cổ phiếu BĐS có tiếp tục là dòng cổ phiếu đáng đầu tư cho năm 2021-2022. Chúng ta cùng nhìn...

Hạng mục đầu tư – Tại Sao Stocks Có Thể Đánh Bại Bonds Hay Gold?

Đầu tư có thể được hiểu là việc từ bỏ nhu cầu tiêu tiền ở thời điểm hiện tại của bản thân mình, chuyển số...

Ma Trận BCG Là Gì?

Được tạo bởi Boston Consulting Group, ma trận Boston – còn được gọi là ma trận BCG hoặc ma trận tăng trưởng – cung cấp...

Ngày Kép 5.5 Thì Làm Gì Để Nhiều Đơn Hàng?

Trước tiên, shop cần tối ưu lại trang chủ của shop, banner, hình ảnh sản phẩm và nội dung mô tả của các sản phẩm...