Bước chân vào đời lập nghiệp, nếu mong muốn thăng tiến thì cũng phải biết cách chấp nhận và vượt qua những nốt trầm. Điều này giống như lập gia đình, nếu thích những điều tốt từ người bạn đời thì cũng phải biết cách chấp nhận những tật xấu của họ.
Vậy nên nếu bạn là người khao khát thành công trong sự nghiệp, thì hiển nhiên hãy biết cách trân quý những thời điểm khó khăn, đừng vội nản chí mà bỏ cuộc, hãy tìm mọi cách để vượt qua nó. Bản thân tôi cũng nhiều lần gặp biến cố trong quá trình lập nghiệp để gầy dựng được cơ ngơi như thời điểm hiện tại.
Từng có thời tôi được gọi là “doanh nhân mì gói”, bởi ban ngày làm việc với đối tác thì nói về những điều lớn lao, nhưng tối về vì kẹt tiền phải lấy mì gói ra ăn. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là năm 2015, khi chuẩn bị lập gia đình, tôi chỉ còn có vỏn vẹn gần nửa cây vàng đưa cho bà xã để lo việc cưới xin. Lúc đó, bà xã nói 1 câu mà tôi còn nhớ như in đến tận giờ “anh Hải, anh mang tiếng làm công ty lớn nước ngoài, rồi lại có kinh doanh riêng, vậy mà cưới vợ chỉ có bằng này tiền, lấy gì mà lo việc cưới xin”.
Đến bây giờ khi nói lại chuyện cũ, vợ tôi mới công nhận rằng, nếu không có doanh nhân mì gói ngày ấy thì chắc chẳng có doanh nghiệp toàn quốc như ngày hôm nay.
Đó chỉ là một câu chuyện nhỏ trong vô số câu chuyện dở khóc dở cười trên suốt 10 năm lập nghiệp của tôi. Tôi tin rằng nếu bạn là người đang xây dựng doanh nghiệp riêng, chắc hẳn bạn cũng sẽ có những câu chuyện về những thời điểm thăng trầm của riêng mình. Vậy thì đâu là cách để tôi vượt qua những thời điểm nghịch cảnh và lấy nó làm bàn đạp để vươn lên?
Đầu tiên, đó là sự kiên định với hướng đi mà tôi đã chọn. Nhiều năm lập nghiệp giúp tôi thấy rằng, ngành nghề nào trong xã hội đều có cơ hội để mình thăng tiến, đều có thể giúp tôi kiếm được nhiều tiền và nhận được sự tôn trọng của cộng đồng. Và hiển nhiên, ngành nghề nào cũng sẽ có những khó khăn của riêng nó.
Tôi gọi điều này là “món quà nào cũng có giá của nó”, nếu món quà tôi mong muốn là thành công, thì cái giá mà tôi phải trả là những thời khắc khó khăn. Điều này giúp tôi bỏ qua tư tưởng “đứng núi này trông núi nọ”, để chỉ tập trung vào việc theo đuổi con đường mình đã chọn, cho dù bất cứ điều gì xảy ra.
Tôi luôn quan niệm rằng chọn định hướng cho sự nghiệp cũng giống như lấy vợ. Khi đã lập gia đình, tôi phải toàn tâm toàn ý để xây dựng hạnh phúc cùng người bạn đời của mình, lúc nào trong mắt tôi, người bạn đời cũng phải là số 1 thì gia đình mới yên ấm. Vậy nên với định hướng mà tôi đã chọn, tôi cũng phải có sự cam kết như cách mà tôi làm trong hôn nhân, từ đó tôi mới có thể hiện thực hóa được tầm nhìn lập nghiệp của mình.
Việc tiếp theo, đó là cần phải luôn luôn áp dụng “tư duy hệ thống”. Muốn làm việc lớn, phải làm chuẩn từ những việc nhỏ. Tôi mất nhiều năm trời để gầy dựng nên những công cụ tự động hóa doanh nghiệp, các tài liệu đào tạo để chuẩn hóa quy trình làm việc của đội ngũ.
Đó là thời điểm khiến tôi tiêu tốn rất nhiều công sức, tiền của, tuy nhiên thứ mà tôi nhận lại chính là một doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô không ngừng. Lúc mới có một vài khách hàng, bạn có thể tự mình gọi điện chăm sóc khách hàng, bạn có thể có mặt bất cứ khi nào khách hàng cần.
Nhưng điều này sẽ khiến bạn trở nên bận rộn hơn khi khách hàng nhiều hơn và cản trở việc mở rộng quy mô doanh nghiệp của bạn. Đó là lý do tôi quyết định xây dựng những công cụ tự động hóa doanh nghiệp ngay từ những thời điểm khởi đầu và giúp tôi có một doanh nghiệp với quy mô toàn quốc như hiện tại.
Cuối cùng, đó là sáng suốt trong việc sử dụng nguồn vốn. Làm doanh nghiệp cũng chính là đầu tư, mà người đứng đầu doanh nghiệp đó, ngoài việc đầu tư dòng tiền, còn phải đầu tư cả thời gian và chất xám của chính họ.
Cách mà tôi sử dụng nguồn lực của mình, đó là tối thiểu hóa những chi phí cố định (mặt bằng, kho bãi, quảng cáo) để dùng tài chính đầu tư vào việc phát triển đội ngũ nhân sự, giúp đội ngũ của mình nâng cao thu nhập. Tôi cũng vô cùng khắt khe trong việc tuyển chọn nhân lực & chọn người để cố vấn, tôi muốn chắc chắn rằng thời gian và chất xám của mình được sử dụng hiệu quả cho đúng người, đúng việc.
Trên đây là một vài điều tôi áp dụng trong chính thực tiễn doanh nghiệp của mình. Cách đây một thời gian, tôi có hoàn thiện chuỗi 7 ngày “định hướng lập nghiệp trong thời đại số” để truyền đạt lại cách mà một doanh nhân chuyên nghiệp gầy dựng doanh nghiệp của họ như thế nào.
Do đó, nếu bạn cũng đang trăn trở trên hành trình xây dựng kinh doanh riêng, đặc biệt khi bạn cũng mới là người gia nhập thế giới doanh nhânTôi cũng rất vui có dịp trò chuyện hoặc video call với bạn để ta có thể kết nối thêm với nhau. Đừng ngại liên lạc với tôi nếu bạn cần một sự giúp đỡ hoặc định hướng trên hành trình lập nghiệp sắp tới.
Cho sự thành công của bạn,
Chia sẻ của Nguyễn Long Hải.